Những cuốn sách gọn nhẹ cho tháng 1

Năm nay, mình hi vọng là sẽ sống khoẻ mạnh hơn, làm được nhiều việc hơn mà quan trọng nhất là viết năng suất hơn. Cuối cùng là đọc được nhiều sách hơn. Khởi đầu nhẹ nhàng, mình sẽ làm một list review ngắn một vài cuốn sách mà các bạn có thể chọn đọc để bắt đầu năm mới. Quan trọng, mình muốn chọn ra vài cuốn sách có thể giúp chúng ta cải thiện chất lượng cuộc sống, có thể sẽ toàn là những cuốn các bạn đã đọc qua. Mà đọc lại lần nữa chắc cũng không sao, đúng không?

1. Nghệ thuật bài trí của người Nhật – Marie Kondo

Mình đã đọc cuốn này chắc khoảng 2 năm rồi. Nói chung là mình đọc với tinh thần khám phá văn hoá Nhật, thấy cũng thú vị. Đây là cuốn sách của một cô gái Nhật còn khá trẻ, Kon Mari. Người ta nói ăn cơm Tàu, lấy vợ Nhật, ở nhà Tây. Các bạn cứ thế mà hình dung một cô gái Nhật thủ thỉ tâm tình cho cái này cái kia thì nó ngọt ngào, lọt tai như thế nào rồi nhé!

Cuốn sách này, theo nhiều người nhận xét thì cũng khá từa tựa cuốn Lối sống tối giản của người Nhật. Đặc biệt, riêng trong cuốn này thì tập trung nói về việc bài trí, sắp xếp đồ đạc thuần tuý. Lời khuyên của chị Kon Mari rất thiết thực và chị ấy cũng khiến người khác muốn lao vào tủ đồ để sắp xếp ngay vì cảm giác sắp được đổi đời đến nơi.

Bài trí ở đây không liên quan đến việc cắm hoa, chọn đồ nội thất hay trang trí nhà cửa. Bài trí thuần tuý về việc sắp xếp đồ đạc trong nhà sao cho hiệu quả và bớt phải lặp đi lặp lại quá nhiều lần việc dọn dẹp. Từ nguyên lý bài trí mới này dẫn tới một vài chỉ dẫn về lối sống tối giản.

Nhưng mình ở Sài Gòn, nhà thì là nhà trọ, phòng cũng chỉ bé bé. Nói chung là quá tạm bợ để theo đuổi một lối sống như tạp chí. Vẫn phải cố gắng dọn dẹp khi có thời gian và cố gắng sống tối giản khi kiềm chế được bản thân. Nếu đọc review về cuốn sách này hay bao nhiêu bài giới thiệu về lối sống tối giản của người Nhật, các bạn thường thấy những tấm ảnh chụp nội thất thật đẹp, đã qua bao nhiêu lớp filter. Các bạn thấy câu từ súc tích mà cảm xúc như một bài thơ haiku. Quay lại hiện thực thì hơi có chút nản chí.

Bỏ bớt đồ đạc, sắm càng ít càng tốt. Chị Kon Mari chỉ cho chúng ta đâu là những tiêu chí để tủ đồ bớt cồng kềnh. Có điều, phải kiềm chế lắm, khi Sài Gòn là nơi biết chiều chuộng các quý cô, nhanh nhạy với mọi xu hướng, làm sao để không nghía qua những bộ sưu tập váy vóc mới, sơ mi mới, chân váy mới để dừng thói quen mua nhiều đồ lại.

Đọc một cuốn sách và y áp vào cuộc sống thực như uống thuốc thì không thực sự hiệu quả cho lắm. Dần dà, mình hiểu ra được một số điều cụ thể hơn trong nguyên lý sống tối giản và lược bỏ. Đã gọi là nghệ thuật, chắc hẳn phải bỏ nhiều suy tư. Các bạn cứ đọc và suy tư một thời gian, chắc sẽ nghiệm ra nhiều thứ thú vị từ lối sống biết sắp xếp này. Đặc biệt, mình nhớ lại cuốn sách này nhiều nhất chắc là sau khi đọc bài báo “Tâm sự công sở: 7 năm đi làm, thứ tài sản duy nhất tôi có chỉ là quần áo”.

2. Nhân tố Enzyme: Phương thức sống lành mạnh – Hiromi Shinya

Đây là cuốn sách cuối cùng mà mình mua trong năm 2018, bắt đầu đọc nhân một ngày mưa tầm tã và để trong balô suốt chuyến đi cuối năm. Cuốn sách nói về việc ăn uống. Người ta nói: Đẹp từ trong ra. Ai hiểu theo nghĩa bóng thì hiểu, mình hiểu từ nghĩa đen là máu, tim, nội tạng, nội tiết có khoẻ thì bên ngoài da dẻ mới hồng hào, mấy thứ triệu chứng xấu xí như mụn, rụng tóc, da xỉn màu mới mong là tránh được.

Tác giả cuốn sách này chính là người đầu tiên phát triển phương pháp mổ nội soi. Ông phát triển những nguyên lý chăm sóc cơ thể dựa trên kinh nghiệm khám chữa bệnh dạ dày mấy chục năm, kinh nghiệm chăm sóc sức khoẻ cho chính ông và những nghiên cứu khoa học mà ông hoặc người trong giới đang tiếp túc hoàn thiện.

Ông bà ta nói: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Sau khi học hỏi kinh nghiệm dọn dẹp nhà cửa xong thì chuyển sang việc ăn uống. Làm thế nào để ăn uống mà không tích tụ chất độc vào cơ thể, làm sao để ăn uống điều độ và khoa học nhất, liệu chúng ta nên tin lời bác sĩ hay nên tin những chuyên gia quảng cáo thực phẩm? Tất cả đều được phân tích bằng ngôn từ đơn giản, dễ hiểu, dễ hình dung trong cuốn sách mỏng, nhỏ, nhẹ này.

3. Khuyến học – Fukuzawa Yukichi

Cuốn sách nói về việc học và làm sao để khuyến khích mọi người chịu khó đầu tư cho việc học hơn. Có một thời gian, nhiều người tự huyễn hoặc nhau rằng Bill Gates bỏ học thì mình cần gì phải học nhưng lại quên rằng cách hiểu HỌC LÀ GÌ của hai bên không giống nhau. Bỏ học Đại học không có nghĩa là ngừng học. Cuốn Khuyến học nói về nước Nhật thời kì đầu của công cuộc đổi mới. Mình cảm thấy là khá giống với suy nghĩ chung, đặc biệt là tại các vùng quê, làng, xã ở Việt Nam hiện nay. Cuốn sách cho chúng ta nhiều hi vọng, cổ vũ cho những ai đang cố gắng đầu tư cho bản thân, cho người thân trong gia đình vào vấn đề học hành.

Cuốn sách này mình đã đọc khá khá lâu, cách đây vài năm. Khuyến học chỉ ra nhiều vấn đề của xã hội Nhật Bản cũ, những tư duy ấu trĩ nhưng ăn lì trong tâm thức người Nhật thời điểm bấy giờ. Có một vài điểm tương đồng với xã hội Việt Nam. Cuốn sách là đôi điều thao thức và nhiệt tâm cải cách xã hội của một tri thức tân thời, nhạy cảm và đã được tiệm cận với xã hội văn minh lấy tri thức làm hạt nhân phát triển.

Nếu chẳng bao giờ quan tâm tới các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị xung quanh. Các bạn nên thử bắt đầu, tập cho mình có một chút quan điểm cụ thể, bằng cách đọc một cuốn sách nhỏ, cũng không có gì to tát, chỉ là bàn tới việc học, mà ai trong chúng ta cũng làm nhiều, một cách rất chính thức, chỉ thua ăn và chơi mà thôi (12 năm phổ thông + 4 năm đại học, nếu tính trung bình).

4. Triết lý kinh doanh Inamori Kazuo – ấn bản của Nikkei Top Leader

Inamori Kazuo, nếu bạn chưa nghe nhắc tới ông thì có thể google một chút. Cuốn sách là một ấn bản do tạp chí người dẫn đầu (nhà lãnh đạo) Nhật Bản – Nikkei Top Leader phát hành. Trong đó, thầy Inamori Kazuo sẽ kể cho các bạn nghe một chút về cuộc đời mình. Tiếp nữa bạn sẽ được nghe một số điều tổng kết, mà trên thực tế, không biết bao nhiêu nhà kinh doanh người Nhật đã phải lặn lội đường xa để đến nghe thầy giảng giải, khuyên dạy.

Một cách tình cờ, những cuốn sách mình nhắc đến trong bài viết này đều là sách của tác giả người Nhật. Chúng cũng có mô-típ khá giống nhau, một người nào đó, đạt tới một ngưỡng thành công nhất định trong nghề hoặc lĩnh vực của họ, bắt đầu chia sẻ ngắn về cuộc đời và những triết lí, những phương cách giúp họ đạt được từng mốc thành công như thế. Nếu xếp vào thể loại sử kí hay bản thân tự thuật – hồi kí thì cũng không đúng. Những cuốn sách này không thuần tuý về con người, nó đặt ưu tiên chia sẻ và truyền đạt kinh nghiệm lên trên.

Cuốn sách này khiến mình tò mò, tò mò trước tiên là cách thức để trở thành một nhà kinh doanh có tầm, cũng có thể nói một cách “xôi thịt” là làm sao để kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng vấn đề được đặt ra ở đây, ở một chừng mực nào đó, cũng khiến cho việc kinh doanh trở nên có nhiều màu sắc và khía cạnh sâu xa hơn chuyện chỉ kiếm tiền.

Cuốn sách không chỉ nói tới chuyện kinh doanh, cũng không chỉ đơn giản là bàn tới “cái tâm” trong kinh doanh. Cuốn sách nói nhiều về tính cầu tiến, về sự nghiêm khắc với bản thân, về triết lý làm việc của người Nhật và làm sao nó lại trở thành một triết lý đáng trọng vọng. Cuốn sách cũng nói nhiều về việc đặt mục tiêu và làm sao để phát triển bản thân. Vì thế, nếu không kinh doanh thì đây vẫn là moojt cuốn sách rất đáng đọc.

5. Chân đi không mỏi: hành trình Đông Nam Á – Đinh Hằng

Cuối cùng, mình giới thiệu với các bạn thêm một cuốn sách mình vừa được tặng. Cùng chủ đề du lịch thì mình nghĩ còn có cuốn Bụi đường tuổi trẻ của Tâm Bùi, cuốn sách mình mua năm ngoái. Mình không thích đi du lịch lắm, nhưng mình thích có những chuyến đi dài trong cuộc đời. Vì thế mình cũng khá thích các bộ phim về chủ đề du kí như Into the wild, Tracks… Và cuốn sách mà mình vẫn nhận là cuốn sách yêu thích nhất chính là Tiếng gọi nơi hoang dã của Jack London. Mình cũng khá là thích các serie truyền hình về du lịch, khám phá như Great Escape với Gordon Ramsay, hay khám phá ẩm thực đường phố do BBC làm, hoặc các serie khám phá Việt Nam…

Những cuốn sách du kí không cho chúng ta nhiều kinh nghiệm du lịch lắm. Nếu có muốn tự sắp xếp một chuyến đi dài cho bản thân thì các bạn vẫn phải tự chủ động đọc thêm review quán ăn, khách sạn, nhà trọ, phương tiện đi lại, các thể loại vé và các địa điểm tham quan. Nhưng những cuốn sách này cho chúng ta nhiều cảm hứng, nuôi dưỡng chí thú khám phá thế giới xung quanh. Kinh nghiệm từ bản thân mình cho thấy, ra đi sẽ giúp bản thân kết nối với thế giới nhiều hơn, cũng như là kết nối với chính gia đình mình nhiều hơn. Mỗi lần ra đi, đúng là hứa hẹn cho một lần trở về nhiều sự lột xác và trưởng thành hơn.

Cuối cùng là một bộ phim tài liệu ngắn, lại quay về với văn hoá Nhật Bản, với ẩm thực. Đó chính là phim Jiro – Dreams of Sushi (2011) bởi đạo diễn David Gelb. Mình cũng coi phim này cách đây 3, 4 năm, một bộ phim tài liệu nhưng rất hấp dẫn, đặc biệt là nếu bạn thích đồ ăn Nhật thì nên xem. Mà nếu không thích thì biết đâu xem xong rồi bạn sẽ thích. Câu chuyện xuyên suốt mạch phim là về một đầu bếp bậc thầy, khiến người khác vừa kính vừa trọng cũng như thầy Inamori Kazuo vậy.

Bắt đầu một năm mới với đủ ăn, ngủ nghỉ, chơi, học, làm việc. Hi vọng là các bạn sẽ thích list sách gọn – nhẹ mà có ích này. Chúc các bạn một năm mới, bồi đắp thêm cho tâm hồn và trí tuệ bên cạnh việc đẹp và tự tin hơn cả bề ngoài. Chúc các bạn hạnh phúc, vui vẻ và có nhiều trải nghiệm sống hơn. Một năm 2019 đầy ý nghĩa.

Happy new year!

Leave a Reply