review-sach-hay-nam-2020

Review 5 cuốn sách về chuyện học và chuyện nhà giàu

Hiện mình đang đọc cuốnTại sao chúng ta nghèo? – Henry Ford và cuốn sách này cũng đánh dấu cho một serie sách mình đọc trong khoảng đâu đó gần một năm trở lại đây (tức là khoảng tầm tháng 5, tháng 6 năm ngoái). Giữa các cuốn này thì mình cũng đọc xen kẽ một vài cuốn khác, tuy nhiên, đây là những cuốn thực sự tạo một mạch kết nối xuyên suốt và đến khi đọc tới cuốn sách của Henry Ford thì mình phải quyết tâm viết cho được một bài review mới sau thời gian dài bỏ bê việc review sách.

Mình nghĩ là mình không nên quên, mục đích ban đầu khi mình muốn lập một blog cá nhân là để ghi chép lại những gì đã đọc được trong các cuốn sách. Vì theo thời gian thì sẽ bị quên rất nhiều thứ mà mình thì lại không có thói quen đọc lại sách nhiều lần.

Tuy nhiên thì bài blog này cũng sẽ là đan xen nhiều thứ, vừa suy nghĩ cá nhân, vừa những điều rút ra được từ sách và một chút ít cảm quan cá nhân đối với từng cuốn sách.

Chuyện học và chuyện làm giàu, hai câu chuyện vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội sâu sắc. Mà có vẻ như chúng ta vừa đứng trong vừa để một chân ra ngoài khỏi hai vòng tròn đan xen này. Trước đây, mình có tranh luận với một người bạn về việc học. Mình đưa ra quan điểm rằng, nếu đã làm tốt thì cứ vừa học vừa làm. Bạn ấy phản hồi lại cho mình rằng, việc học không hẳn chỉ là để biết làm cái này biết làm cái kia, thời gian học sẽ là một quỹ thời gian quý báu để chúng ta tự tách mình ra khỏi thực tế hỗn tạp, nghiên cứu và quan sát một cách xuyên suốt hơn, từ đó phát triển một tầm nhìn bứt phá hơn. Nếu cứ làm làm, rồi học rồi sửa sai rồi lại làm, nhiều khi chúng ta bị dồn vào trong một mớ hỗn độn mang tính thời cuộc, nhưng thực tế đó có thể là những cái cớ tạo ra những thay đổi của tầm nhìn tiểu nông ngắn hạn, không thực sự tạo nên những giá trị mang tính cách mạng.

Tuy đưa ra quan điểm này, có thể sẽ có nhiều người không đồng tình, nhưng, nói một cách nào đó, người Việt Nam chúng ta cần phải nghiêm túc học, nghiêm túc tách mình ra, đào sâo, nghiên cứu để thực sự tạo nên những cuộc Cách mạng thay vì cứ đánh du kích mãi.

Thế giới quan ngại Việt Nam quá độ lên xã hội chủ nghĩa mà không qua giai đoạn chủ nghĩa tư bản. Hiện tại, thanh toán điện tử của Việt Nam cũng đang là một tâm điểm nóng vì Việt Nam đã nhảy cóc từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán số mà không qua bước thanh toán thẻ. Nhớ lại khoản thời gian cách đây chừng 5 năm, những khoản chi dưới 5euro ở Pháp vẫn còn chưa được trả bằng thẻ. Quay đi quay lại, hiện tại ở Việt Nam chuyển 50 000 đồng (mới tầm 2 euro) chỉ cần mất vài giây là đầu tài khoản bên kia đã nhận được. Trong công cuộc đổi mới đó, chúng ta thấy một guồng quay ào ào bất tận, nhộn nhịp, sôi nổi và thấy Việt Nam tạo nên những cú plot twist, tuy nhiên, có lẽ nào chúng ta cứ bất tận mải miết với những cuộc phiêu lưu?

Serie sách ấn tượng 2019-2020 của mình

Hơn một năm sau cuộc trò chuyện với người bạn đáng mến, tôi cũng bắt đầu nhìn thấy một vấn đề tương tự. Chơi không cần biết luật là một cuộc chơi bản năng, hát không cần học thanh nhạc là năng khiếu trời cho đó, tuy nhiên, chừng đó không đủ để chạy suốt một cuộc đua đường dài. Quy luật tự nhiên sẽ đào thải nhanh nhất các yếu tố xuất phát từ tự nhiên mà theo mình nó cho phép sự thay thế diễn ra liên tục và sẽ bị khuất chỗ cho những ai đi tìm yếu tố bền vững.

Xã hội phát triển đi kèm theo đó các xu hướng cũng thay đổi liên tục, có người muốn cách tân truyền thống, có người muốn bảo vệ, có người bảo thủ, có người chủ trương theo chủ nghĩa hiện đại. Như vậy, trong guồng quay đó giáo dục – một sứ mệnh quan trọng cung cấp công cụ bảo vệ các bản sắc giá trị đồng thời đưa ra các giải pháp tầm nhìn cho tương lai (như bạn tôi đã nhận định) và việc làm giàu (nuôi dưỡng tương lai trên một nền điều kiện thuận lợi), hai đòn cân này đang thay đổi và xô lệch, biến hoá như thế nào?

Tại sao chúng ta nghèo – Henry Ford

Mình nghĩ là sẽ có nhiều đáp án trong cuốn sách này, tuy chỉ vừa mới bắt đầu đọc nó. Đây là một đoạn trích trên wikipedia về Henry Ford, dù ông là một người Mỹ, nhưng tầm tư tưởng kinh doanh thấm nhuần tính triết học của Ford không phải là kiểu Mỹ đại chúng, có dáng dấp ở đây như một Kant, Weber hay một nhà triết học Đức nào đó:

«Tất cả những người Đức bàn về chủ nghĩa Ford đều tin rằng nó tượng trưng cho một thứ gì đó thuộc về phần tinh túy của Mỹ. Một nhà lãnh đạo công đoàn đã nhấn mạnh rằng những công việc của Ford—tầm vóc, nhịp độ, sự tiêu chuẩn hoá, và triết lý coi sản xuất là dịch vụ—là điều Mỹ nhất mà ông thấy ở Hoa Kỳ. Cả những người ủng hộ và chỉ trích đều nhấn mạnh rằng chủ nghĩa Ford là hình ảnh thu nhỏ của sự phát triển chủ nghĩa tư bản Mỹ và rằng nền công nghiệp ô tô là then chốt để hiểu được các mối quan hệ kinh tế và xã hội ở Mỹ. Như một người Đức từng giải thích, “Ô tô đã làm thay đổi rất lớn kiểu sống của người Mỹ tới mức hiện nay một người Mỹ khó có thể tưởng tượng rằng anh ta có thể sống mà không có nó. Khó có thể nhớ cuộc sống đã từng thế nào trước khi Ford bắt đầu thuyết giảng học thuyết về sự cứu rỗi.” [Nolan tr. 31]. Đối với nhiều người Đức, Henrry Ford là hiện thân của bản chất của chủ nghĩa Mỹ. Một nhà báo của tờ Detroit News đã phỏng vấn Hitler năm 1931 (hai năm trước khi ông lên nắm quyền) và hỏi ông về tấm ảnh Ford trên bàn của ông; Hitler đã nói với cô, “Tôi coi Henry Ford như người truyền cảm hứng cho mình.” Năm 1928 lãnh sự Đức ở Cleveland đã trao cho Ford và một quan chức cao cấp của General Motors giải thưởng Grand Cross of the German Eagle vì đã chế tạo xe hơi cho đại chúng.»

Đây là một cuốn sách không đơn thuần là hồi kí, nó là phần triết lí đáng được dõi theo, mình không nhận định là phải nghiên cứu hay không, vì cơ bản, ở Việt Nam, đặc biệt là với giới trẻ, chúng ta không có thói quen nghiên cứu và tìm tòi về triết học. Bìa cuốn sách có một chi tiết đáng lưu tâm: Ford – nhà kinh doanh, nhà sáng chế, nhà từ thiện. Từ thiện, chính là cụm từ khiến mình phải đọc cuốn sách này ngay và đọc thật nhanh để nếu được, có thể hoàn thiện những quan điểm nhỏ về các cuốn sách thay vì để lấp lửng lại đây… nhưng cũng sẽ là cái hay, nếu bạn nào đó cũng sẽ bắt đầu tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Ford sau khi đọc bài viết lưng chừng này.

Ông nói về triết lí sáng tạo và triết lí công nghiệp phục vụ thế giới một cách rất quyết đoán, mạnh bạo và nhiệt huyết. Nó khác hẳn với những gì mình đã từng đọc trong một cuốn sách giáo khoa sử về khủng hoảng dầu mỏ, cũng nghe nhắc một đôi lần về hãng xe Ford và thỉnh thoảng xem một vài quảng cáo xe Ford (cũng từ lâu lắm, thời còn hay coi tivi thay vì lên mạng). Nhưng biết nói thế nào nhỉ? Mình thích đọc những cuốn sách về cuộc đời và sự nghiệp, coi phim hồi kí vì trong đó có nhiều bài học về sự khôn ngoan và trưởng thành. Tác dụng mạnh mẽ nhất của thể loại này là giúp con người ta có một tư tưởng khai thông và rộng mở hơn. Tư tưởng của bạn từng là một đứa trẻ, tư tưởng của bạn sẽ có lúc lầm lạc, tư tưởng của bạn sẽ là một tiếng vọng. Những cuốn hồi kí có giá trị luôn khiến mình đọc và nhớ nhiều. Bởi, trên thực tế, cũng tương đối kha khá sách, dù không phải là hồi kí, thì cũng sẽ có dạng trình bày là lối trò chuyện thân mật cùng độc giả.

Vì sao con tôi không thích đến trường – Richard David Prencht

Đây là cuốn sách của một tác giả người Đức, nói về tình trạng giáo dục phổ thông hiện tại ở Đức. Nó cũng là vấn đề nếu không muốn nói là y hệt như ở Việt Nam. Một cuộc khủng hoảng nặng nề của giáo dục công, những câu hỏi và những bất cập, kèm theo đó là xu hướng tư nhân hoá giáo dục ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, xu hướng tư nhân hoá giáo dục này lại chưa thực sự cho thấy phần nhân văn trong đó, nói trắng ra là: Giáo dục bây giờ chỉ có làm tiền.

Giáo dục phổ thông đang có những bất cập như đồng hoá trẻ em, đồng hoá trí lực của chúng và khả năng phát triển trí thông minh của chúng. Trong khi đó, nghiên cứu khoa học của các nhà giáo dục, các chuyên gia tâm lí, chuyên gia thần kinh thì nào là giáo dục con kiểu Nhật, kiểu Do Thái, kiểu Trung Quốc, kiểu Bắc Âu, nào là 7 loại hình trí thông minh, nào là biết lắng nghe con, dạy con bằng phương pháp Montessori, phương pháp Emilia…

Nhiều vấn đề trong giáo dục được nói tới trong cuốn sách này, cả xu hướng giáo dục khai phóng. Mở ra hướng phát triển cho những đứa trẻ có tiềm năng. Nhưng nếu câu hỏi về phương pháp đã được đào xới và bàn luận lại, thì vẫn còn đó một vấn đề khác là ngân sách để thay đổi. Đó sẽ là một cuộc cách mạng giáo dục với toàn xã hội hay là một cuộc cách mạng trong quy mô nhỏ, của những ông bố bà mẹ thức thời, có đủ thời gian để vừa kiếm tiền vừa dạy con học, vừa cho con được giao du với thế giới.

Một cuốn sách không giải quyết được triệt để các vấn đề, nhưng nó thực sự là những phân tích có giá trị dành cho ai có nhiệt tâm với giáo dục và phát triển con người, cũng như bất kì ông bố bà mẹ nào đang có ý định gồng cho con mình những gánh nặng thời cuộc.

Lời hứa về một cây bút chì – Adam Braun

Adam Braun là một người gốc Do Thái. Cuốn sách của anh kể về chuyến phiêu lưu đầy cảm hứng đã làm sáng rực tuổi trẻ của anh và tuổi thơ của những em bé ở Lào, ở Châu Phi. Ở đó, cũng có một phần tuổi trẻ của Justin Bieber. Đây là cuốn sách dành cho những bạn trẻ đang cần tìm một niềm cảm hứng nhưng chưa biết chọn đâu là điểm bắt đầu. Vì cảm hứng mà không có điểm rơi thì nó sẽ rất mông lung vô định. Bằng khả năng tài chính chuyên môn, Adam đã phát triển một dự án xây dựng trường học kêu gọi được nhiều nguồn vốn bằng nhiều hình thức khác nhau. Thậm chí là có cả những cô cậu bé đạp xe đạp đi quyên tiền để xây trường học cho bạn bè mình ở châu Á và châu Phi.

Khác với hình dung của mình, nó không hẳn là một cuốn sách nhân văn trữ tình. Cuốn sách có một phần tương đối nhàm chán về giai đoạn đầu khi Adam bỏ quên giấc mơ tuổi trẻ, có gì đó còn bồng bột và cũng sống tận hưởng như bao cô cậu trẻ ra trường làm có lương chút đỉnh khác. Có lẽ đó là giai đoạn Adam đang đi tìm điểm rơi, thực sự là có điểm rơi đúng thì các dự án cộng đồng (vốn cần nhiều nguồn lực, nhiều tâm huyết và thậm chí là nhiều vốn hơn cả việc gầy dựng một công ty) mới có cơ may lớn mạnh và phát triển.

Cuốn sách không phải kiểu phiêu lưu đầy cao trào kịch tích, những bài toán tài chính đem vào một dự tính vừa mang màu sắc tình nguyện, kiểu tổ chức phi chính phủ, kiểu dự án cộng đồng nghe có gì đó không thực sự thống nhất trong lối mòn suy nghĩ của mình. Nhưng sau đó, khi đọc hết cuốn sách này, thì mình cũng nhớ tới một điều từng được nghe: Kể cả bạn có xây dựng một dự án cộng đồng thì việc đầu tiên là dự án đó phải sống cái đã, chứ nó sẽ không phải là cái kho lúa phát đến khi nào rỗng thì dừng.

Tư duy như Bill Gates – Daniel Smith

Tác giả sống ở phía Đông thành phố Luân Đôn với gia đình nhỏ và một đàn cá, nghe cách giới thiệu đã thấy cool. Cuốn sách mỏng nhẹ đơn giản, không có gì phức tạp, kể về một cậu trai trẻ hiếu thắng tên Gates, một doanh nhân và một bộ óc đáng nể nhưng không phải kiểu đọc vào là Wow, kinh khủng thật, vậy giàu là phải rồi. Tác giả có lẽ đã vẽ đúng một kiểu mẫu tư duy cho những người tương tự như Bill Gates, họ chiến thắng trong những trò chơi của mình và họ xem việc tìm những thử thách để chơi là một thú vui. Có hai điểm nổi bật nhất mà người ta phải chú tới Bill Gates: đọc sách và làm từ thiện.

Gates đã phải lên tiếng cho một sự vụ của bản thân mình, nhiều người bỏ học vì lấy ông làm gương. Đó không phải là điều Gates thấy tự hào, nếu không nói là ông đã cảm thấy khó chịu vì vô tình mình đã trở thành một tấm gương xấu. Sự nghiệp học hành của Gates, chính xác hơn là tự học thì phải gọi là quá đáng nể, một thư viện cá nhân 14.000 cuốn sách chưa thống kê toàn bộ, những bộ sưu tập giá trị. Nếu tôi đọc hết 400 trang sách về vaccine và thách thức được những bộ óc hàng đầu lao vào cuộc chiến chống lại các dịch bệnh thì bị gọi là mọt sách cũng không vấn đề gì – Gates đã nói một điều tương tự như vậy.

Gates đã cho thấy một khía cạnh khác của làm từ thiện, là những dự án triệu đô để giành giật cuộc sống cho người nghèo và hàng chục triệu người HIV ở Châu Phi.

Để học, để sống và để làm từ thiện, các bạn không phải cần một cái đầu, mà cần rất nhiều sự nỗ lực của từng cái đầu trong giới tinh hoa. Và biết sao được, nếu có một chút cảm hứng nào đó từ cuốn sách này thì sẽ là cố gắng dậy sớm, cố gắng đọc sách nhiều hơn và cố gắng có những mục tiêu có ý nghĩa hơn trong cuộc sống.

Lợi nhuận tốt – Charles G.Koch

Nếu mình nhớ không nhầm thì tác giả là người Hà Lan. Lại một lần nữa, là một cuốn sách kinh doanh. Có thể thấy 4/5 cuốn sách này đều được viết ra hoặc kể về những người giàu, không giàu thì cũng phải là một cỗ máy tài chính cực phẩm như Adam Braun.

Những cuốn sách không vẽ lên một bức tranh hoàn toàn màu hồng nhưng đối với mình thì mình thấy quan điểm tư bản sáng tạo hay hệ giá trị của chủ nghĩa tư bản kiểu mới được đề cập đến ở đây đều đáng được trân trọng và học hỏi. Đó sẽ không phải là kiểu tâng bê hệ giá trị Mỹ, không phải chú trọng vào vấn đề tiền bạc và chất lượng cuộc sống, không phải là mẫu sách Cha giàu con nghèo hay Làm giàu không khó.

Những cốt lõi mà Koch hay Gates có nhắc đến, mình tin chắc sẽ gặp lại trong cuốn sách của Ford đó là sự sáng tạo phục vụ con người và đặc biệt: cách những tỉ phú học kinh tế học và áp dụng học thuyết của Adam Smith. Một lần nữa minh chứng rằng, các giá trị bền vững cần được hiểu và khai thác ở dưới nhiều góc độ khác nhau, đào sâu và trở thành một hệ tư tưởng hơn là cách để kiếm tiền. Còn sự nghiệp giáo dục, cũng vậy, đó là sự nghiệp trồng người, đó là sự nghiệp được ví von như cách mà Mẹ Thiên Nhiên đã tạo ra những cánh rừng già tồn tại hàng trăm năm ở trên thế giới. Dù học, hay làm, hãy hướng đến những giá trị bền vững và cố gắng kéo dài tiêu chí bền vững đó càng dài càng tốt, có thể, đó sẽ là tiền đề cần thiết mà bản thân của chúng ta cũng đang tìm kiếm để phát triển chính mình tốt hơn chứ chưa cần nói tới yếu tố phát triển xã hội.  

Tất cả những cuốn sách ở trên đây, đều quy về vài điểm chung, tuy nhiên, vì không đủ thời gian để phân tích hết, cũng không đủ kiến thức và mức độ sáng suốt để hệ thống lại một cách chỉn chu, nên mình chỉ đưa ra ở đây một vài ý tưởng.

Thời gian tới, vẫn chưa hình dung được là sẽ có serie gì hay để chia sẻ cùng các bạn, nhưng hi vọng là đọc chăm chỉ hơn để viết nó gần gần hơn một chút, không theo biên độ một năm một như vầy nữa.

Leave a Reply