on-thi-TCF

Cập nhật 2020: Phần thi nói TCF sẽ diễn ra như thế nào?

Theo như mình được biết, thì thời gian sắp tới kì thi TCF ở Việt Nam sẽ được bổ sung thêm quy chế bắt buộc với kĩ năng nói, để chứng chỉ này đáp ứng đủ các yêu cầu của các trường Đại học Pháp hoặc các tổ chức Pháp, bảo đảm đúng quy chuẩn kê khai năng lực ngôn ngữ trong các thủ tục giấy tờ khác.

Trên thực tế là từ trước tới nay, nếu bạn thi TCF ở Pháp hoặc một số nước khác thì vẫn có phần thi nói. Hiện tại, để bảo đảm tính khách quan đồng nhất giữa các hội đồng giám khảo kĩ năng nói thì bài thi của bạn sẽ được ghi âm.

Sau thời gian luyện gấp cho các học viên và tìm hiểu kĩ hơn về phần thi này, mình bổ sung cho các bạn bản cập nhật này sau serie Ôn thi TCF (gồm có 4 bài) đã đăng trên blog.

Phần thi nói của TCF sẽ khá giống với phần nói của IELTS bạn sẽ phải làm nhiều bài liên tiếp, mỗi bài ứng với lần lượt các trình độ A1/ A2 – B1/ B2 và bài cuối cùng sẽ ứng với trình độ C1/ C2.

Ngoài bài số 2 được chuẩn bị trong vòng 2 phút, thì 2 bài còn lại các bạn phải trả lời ngay sau khi Giám khảo đặt câu hỏi. Các bài thi nói TCF tập trung vào kĩ năng phản xạ. Với bài 2, nếu làm tốt thì các bạn đã đạt trình độ B2, so với thi nói Delf B2 thì quá hời. Tương tự, nếu với 4:30s không cần chuẩn bị mà nhanh nhẹn và nói thoát ý, thì cũng đỡ hơn các bài phân tích phức tạp của Dalf C1 – C2.

BÀI SỐ 1 : GIỚI THIỆU BẢN THÂN.

Giám khảo sẽ hỏi bạn có thể giới thiệu về bản thân không và bạn sẽ tự trình bày những thông tin cơ bản, gia đình, sở thích, học tập, công việc, ước mơ, dự định. Với những thông tin đưa ra, giám khảo có thể hỏi bạn thêm những câu đơn giản khác để bổ sung đầy đủ thông tin như là sống ở Việt Nam thì bạn sống ở thành phố nào ? Bạn có thể nói thêm một chút về thành phố đó hay không ? Hoặc như : Bạn thích thể thao thì bạn giỏi nhất môn gì ? Mỗi tuần bạn chơi thể thao bao nhiêu giờ, ở đâu ?

Bài này không quá lâu, các bạn có thể ứng dụng theo những mẫu bài đọc hoặc bài hội thoại được nghe ở trình độ A2 để trả lời.

Nếu trả lời trôi chảy sẽ được A2, còn nếu chỉ nói được vài thông tin và chưa trả lời theo những gì giám khảo hỏi được thì được A1. Dễ dàng cho các bạn đã học khoảng 5,6 tháng tiếng Pháp trở lên.

BÀI SỐ 2 : TÌNH HUỐNG VÀ PHẢI ĐẶT CÂU HỎI.

Giám khảo sẽ cho bạn một tình huống, bạn có 2 phút để chuẩn bị trong nháp. Sau đó sẽ bắt đầu hội thoại với giám khảo trong vòng 4 phút 30 giây.

Chú ý : Bạn sẽ là người đặt câu hỏi cho Giám khảo để lấy được nhiều thông tin nhất và phải bảo đảm cuộc hội thoại diễn ra tự nhiên. Có thể tuỳ tình hình theo cách trả lời của Giám khảo mà có phản xạ. Không phải chỉ đọc hết 10 – 15 câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị trên nháp là xong. Đây sẽ là các tình huống đóng vai và bạn phải nhớ để ý xem mình là ai.

Ví dụ :

– bạn là chủ nhà hàng và phỏng vấn ứng viên xin việc tạp vụ/ chạy bàn.

– bạn là sinh viên và muốn tìm hiểu một chương trình tình nguyện ở nước ngoài

– bạn là trưởng đại diện của một tổ chức tình nguyện và trả lời phỏng vấn

– bạn là lễ tân ở một khách sạn và hỏi thông tin của khách liên lạc đặt phòng.

Lưu ý : bạn được quyền ghi chú vào giấy các thông tin trả lời của giám khảo hoặc hỏi lại những chỗ chưa hiểu, nghe không rõ. Tức là sẽ hỏi theo cách mà cuộc hội thoại thông thường vẫn có thể xảy ra.

BÀI SỐ 3 : DÀNH CHO TRÌNH ĐỘ TIẾNG PHÁP ĐỘC LẬP C1 – C2

Đối với trình độ C1 và C2 sẽ có phân biệt cụ thể.

Nếu như bài 1 và bài 2, tuỳ theo mức độ trôi chảy và tổ chức cuộc hội thoại của bạn tốt hay không tốt, hoặc là về vấn đề kiểm soát thời gian, cách đặt câu hỏi, phát âm để chấm điểm thì với bài nói số 3, các bạn sẽ được kiểm tra khả năng phát triển vấn đề, logic và hùng biện.

Đối với bài C1 – C2 này sẽ là các câu hỏi mở, thường các bạn phải phát triển được 3-5 ý trong phần trình bày.

Lưu ý : bài số 3 này không được phép chuẩn bị trước. Bạn phải trả lời ngay. Phần trình bày sẽ kéo dài trong khoảng 4 phút 30 giây. Giám khảo có quyền hỏi thêm bạn 1, 2 câu hỏi.

Để đạt được điểm nói ở trình độ C1, C2 thì yêu cầu đầu tiên là đi đúng định hướng của đề bài. Xác định rõ nội dung cần trình bày. Sử dụng ngôn từ phong phú. Tốc độ nói khớp với thời gian quy định. Những bạn bị yếu phần thi nói B1, B2 (delf) hoặc còn thói quen dịch ý khi nói hoặc viết thì cần rèn luyện thêm.

Để chuẩn bị cho bài thi TCF, các bạn có thể tham khảo tài liệu: Học đi thôi – Luyện thi TCF (Giá: 100 000 đồng – Định dạng: PDF – Có kèm audio luyện nghe). Trong tài liệu này, các bạn sẽ tìm thấy hướng dẫn chi tiết nhất về cách làm bài, các yếu tố ghi điểm trong mỗi phần thi và những nội dung cần tập trung ôn tập để cải thiện điểm như mong muốn.

Leave a Reply