du-hoc-phap

Chuyện ở Pháp: Hồ sơ du học yêu cầu những gì?

Hồ sơ du học Pháp, tuỳ theo mỗi trình độ và chương trình học sẽ có thêm một vài yêu cầu đặc biệt. Tuy nhiên, nhìn chung, các bạn cần đáp ứng được những yêu cầu cơ bản được trình bày cụ thể trong bài viết này

Bảng điểm Cấp 3, hoặc bảng điểm Đại học (nếu có). Bảng điểm nói riêng và các tài liệu, giấy tờ bằng tiếng Việt nói chung cần được dịch sang tiếng Pháp (nếu bạn đăng kí học chương trình tiếng Pháp) hoặc dịch sang tiếng Anh (nếu bạn theo học chương trình bằng tiếng Anh tại Pháp.

Sơ yếu lí lịch: Ghi chú toàn bộ thông tin về quá trình học tập, đào tạo, sinh hoạt xã hội – cộng đồng, thực tập, làm việc cho tới trước lúc đi du học. Sơ yếu lí lịch cần được soạn ngắn gọn, súc tích, theo thứ tự thông thường gồm các đầu mục:

  • Thông tin cá nhân
  • Đào tạo, giáo dục
  • Chứng chỉ ngoại ngữ
  • Kinh nghiệm làm việc/ sinh hoạt xã hội (nếu có)
  • Giải thưởng, thành tích/ Các khoá đào tạo bổ sung/ Hoạt động ngoại khoá (nếu có)
  • Phẩm chất/ Kỹ năng mềm/ Sở thích cá nhân
tu-hoc-tieng-phap-nhu-the-nao
Làm hồ sơ du học Pháp cũng nhẹ nhàng!

Sơ yếu lí lịch – Profile – CV tiếng Pháp

Để bản sơ yếu lí lịch (CV) được gọn gàng, sáng sủa (nên trong khoảng từ 1 trang đến 1 trang rưỡi, khổ chữ 10-12 trên file word), bạn nên học cách danh từ hoá các hoạt động hoặc viết cụm động từ một cách gọn gàng, súc tích nhưng đầy đủ, rõ ràng. Lưu ý là chúng ta không cần viết thành câu. Ví dụ : “Je participe au club de yoga => Membre du club de yoga/ Participé au club de yoga.”

Thông tin nên viết ngắn – rõ, có thể lược bớt mạo từ, giới từ trong một vài trường hợp. Ví dụ: “Travailler comme expert comptable à Ho Chi Minh-ville” có thể viết thành: expert comptable, Ho Chi Minh-ville hoặc expert comptable, HCMV.

Lưu ý trong CV tiếng Pháp

Lưu ý giống số cho danh từ, tính từ. Ví dụ nếu người viết lí lịch là con gái thì trong phần Qualités (phẩm chất) nên để tính từ ở giống cái như : indépendante, gentille…

Nên có một thứ tự thời gian xác định cho tất cả các tiểu mục trong Sơ yếu lí lịch. Nguyên tắc chung là sẽ đi từ thời gian gần nhất cho tới thời điểm xa hiện tại, tức là viết lùi : năm 2019, tiếp đó là 2018, 2017… Nên ghi chú địa điểm học tại đâu, làm tại đâu (thường là tên thành phố, tên nước là được).

Đối với tên các tổ chức, đơn vị hoặc tên các giải thưởng, khuyến khích các bạn dịch sang tiếng Pháp, nếu là tiếng Anh thì có thể để nguyên cho chính xác.

Trong Sơ yếu lí lịch có ảnh 3×4 chụp trong 1 năm cho đến 6 tháng gần nhất (chủ yếu là đảm bảo người trong ảnh và người ngoài đời thật không quá khác biệt).

Không buộc phải kể 100% tất tần tật các thông tin, ngoại trừ những thông tin bắt buộc phải có như họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ cư trú, hoặc các thông tin học vấn cấp 1, 2, 3, Đại học thì trong các mục như Đào tạo, bằng cấp bổ sung/ Kinh nghiệm làm việc/ Giải thưởng… chúng ta nên cân nhắc xem thực sự những nội dung đó có liên quan tới ngành học hay không.

Ví dụ, bạn đăng kí vào ngành Y nhưng trong phần kinh nghiệm/ hoạt động cá nhân chỉ có: làm thu ngân ở cửa hàng, tham gia các cuộc thi ca hát… thì có thể cân nhắc bỏ bớt. Ngược lại, nếu có các hoạt động như: làm việc từ thiện ở bệnh viện, chăm sóc người già… thì đừng nên bỏ qua. Nguyên tắc chung là công việc, hoạt động có liên quan và phản ánh được giữa bạn và ngành nghề bạn chọn có những mối dây liên kết thực tế.

on-thi-B2-nhu-the-nao
Chuẩn bị hồ sơ bằng tiếng Pháp phải thật đầy đủ!

Các sở thích cá nhân, mối quan tâm là một mục cần có để qua đó người duyệt hồ sơ có thể đánh giá thêm một chút về con người bạn.

Sơ yếu lí lịch mô tả thông tin cá nhân, không đi lệch sang việc tô hồng cho một đại diện, một tổ chức, một cơ sở, một danh hiệu nào đó. Ví dụ: Huy chương Vàng Sea Games – Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á (đoạn này không cần thiết). Hay: Làm việc cho tập đoàn Petro – Tập đoàn lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí (đoạn này nên bỏ đi). Hoặc: Trợ lý cho Đạo diễn người Mỹ gốc Việt Peter Pham, người từng 2 lần được đề cử giải Oscar (thì chỉ cần giữ lại thông tin về Đạo diễn – thông tin về giải Oscar thì bạn có thể cân nhắc thêm một chút nếu đang nộp vào chương trình Đào tạo Đạo diễn).

Thư động lực bằng tiếng Pháp (lettre de motivation)

Thư động lực:Thư động lực được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp là lettre de motivation. Nói tới động lực thì ở đây chúng ta hiểu là việc giải thích vì sao bạn lại chọn lĩnh vực này để theo học, tại sao lại chọn ngôi trường này thay vì một cơ sở khác cũng có chương trình giảng dạy, vì sao bạn chọn Pháp để đi du học hay cụ thể là thành phố A, B, C…

Lời khuyên cho bức thư động lực có sức thuyết phục cao là hãy viết chân thật, tích cực nhưng đừng thái quá thành sáo rỗng. Mặt khác, bê nguyên những mẫu cấu trúc hoặc ý từ những bức thư mẫu sẵn có trên mạng để đưa vào thư của mình là không nên.

Người theo học một ngành học cụ thể sẽ có những phẩm chất riêng phù hợp với ngành đó, mỗi thành phố, mỗi trường Đại học cũng có một lợi thế so sánh riêng so với các cơ sở khác. Thế nên, nếu tìm hiểu kĩ thông tin và trình bày lại thì bạn sẽ được đánh giá cao hơn. Còn những bức thư mẫu trên mạng, đa phần nội dung rất chung chung: ngành nghề quan trọng đối với xã hội, trường nổi tiếng, có chất lượng đào tạo tốt…

Thay vào đó, ví dụ: sau khi tìm hiểu bạn thấy rằng chi phí học tập ở Grenoble hợp lí hơn so với Strasbourg, bạn có thể liệt kê vào: nếu xét điều kiện tài chính của cá nhân tôi thấy mức sống ở Grenoble là khá phù hợp.

Hoặc bổ sung thêm: tôi thấy sẽ thoải mái và thuận tiện nhất khi học ở đây vì có một khu Campus xây dựng biệt lập, tập trung và quy tụ đông đảo sinh viên của vùng…

Cũng có thể nói về nội dung chương trình học: sau khi tìm hiểu thì tôi thấy là chương trình học của trường có điểm nổi bật là đi sâu vào giảng dạy kinh tế lượng thay vì chỉ dừng ở mức đại cương như các trường Đại học khác, thành thực mà nói, đây là lĩnh vực mà tôi đang muốn theo đuổi.

Dự định học tập bằng tiếng Pháp (Projet d’études)

Kế hoạch học tập/ Kế hoạch làm việc (cho sự nghiệp): Hai bản kế hoạch này được trình bày dưới dạng một bài văn xuôi (khuyến khích nên có đủ 3 phần: Mở bài – Thân bài – Kết bài). Trong đó chúng ta sẽ lần lượt trình bày các bước để thực hiện mục tiêu đã đặt ra trong học tập, nghiên cứu hoặc cho công việc tương lai.

-Về kế hoạch học tập: Từ xuất phát điểm hiện tại (thời điểm làm hồ sơ), bạn dự định làm gì để chuẩn bị tốt nhất cho khoá học mà mình đăng kí và sẽ học đó.

.Về chuyên môn, bạn có định học thêm một khoá đào tạo nào không? Bạn có định tham gia làm việc cho một tổ chức, cơ sở để hiểu rõ thêm về lĩnh vực mình đang theo đuổi hay không? Bạn có định nghiên cứu thêm sách vở, tài liệu không? 

.Về ngoại ngữ, bạn có định bổ sung thêm chứng chỉ ngoại ngữ nào không? Hay tham gia một câu lạc bộ tiếng nào đó? Tham gia một sinh hoạt tập thể, cộng đồng, một cuộc thi… Hay là học thêm ngoại ngữ chuyên ngành. Không nhất thiết phải tham gia một cơ sở, hay lấy một bằng cấp được công nhận; có thể đơn giản là kế hoạch tự học để rèn luyện ngoại ngữ thêm.

. Về chương trình mà bạn đang nộp hồ sơ, bạn dự định sẽ hoàn thành chương trình học như thế nào. Trong quá trình học có dự tính học thêm gì, hoặc đi làm thêm, hoặc phát triển một dự án nào đó để vừa nắm bắt được lý thuyết, vừa có thể thực hành lấy kinh nghiệm không? Bạn dự định sẽ học với bao nhiêu phần trăm hiệu suất làm việc của bản thân. Mục tiêu của bạn trong suốt khoá học là gì? Cụ thể thì bạn đã định hướng được chuyên môn cho mình chưa, bạn đã hình dung ra được công việc tương lai sẽ yêu cầu những gì để bổ sung dần ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường chưa? Đâu là phần khó nhất, trọng tâm nhất, theo bạn, xuyên suốt nội dung học (mà bạn đã tham khảo được trong brochure, trang web của trường)? Để vượt qua những khó khăn, thử thách đặt ra cho một sinh viên nước ngoài như bạn, bạn dự định sẽ học như thế nào…

. Hết khoá không có nghĩa là ngừng học, tiếp tục nói về tương lai. Bạn có dự định học lên để lấy Thạc sĩ, Tiến sĩ không? Bạn chọn chuyên ngành Master nào (dự định thôi), hoặc bạn muốn nghiên cứu Tiến sĩ về lĩnh vực gì? Trong vòng từ 5 đến 10 năm sau khi hoàn thành khoá học hiện tại, bạn có kế hoạch kết hợp giữa đi làm, đi học như thế nào? Quá trình thăng tiến trong sự nghiệp có kết nối với những gì mà bạn đã, đang và sẽ tiếp tục theo đuổi tìm hiểu, nghiên cứu ở trường Đại học, ở các Trung tâm Đào tạo không?

EQ-tri-tue-cam-xuc
Tới Pháp rồi bạn sẽ thấy mình học mãi cũng không hết!

Kế hoạch làm việc bằng tiếng Pháp (projet professionnel)

-Về kế hoạch làm việc/ nghề nghiệp trong tương lai: Đừng chỉ hướng mục tiêu công việc vào chuyện kiếm sống và các giá trị cá nhân. Hãy mở rộng tầm nhìn rộng hơn và xa hơn về những gì bạn sẽ làm. Bạn muốn bắt đầu sự nghiệp của mình như thế nào, ở đâu, làm việc với ai, tính chất công việc ra sao? Vì sao bạn lại lựa chọn như vậy? Tiếp đó, bạn đặt những mục tiêu phấn đấu nào, trong 5 năm, 10 năm? Bạn là một người cầu tiến hay dễ dàng hài lòng với các mục tiêu đã có.

Công việc có kết nối với những gì bạn đã học, đã tích luỹ trong quá khứ hay không? Nếu có thì tốt, nếu không thì tại sao bạn lại quyết định rẽ ngang như vậy? Liệu ở một góc độ nào đó, những kiến thức và kinh nghiệm mà bạn đã có có đóng góp một phần nào cho lĩnh vực mới mà bạn sẽ tham gia không? Để hiểu tốt, làm tốt công việc, bạn sẽ kết hợp làm việc và tìm tòi, nghiên cứu như thế nào?

Tiếp đó, những công việc như vậy, một công ty (môi trường làm việc như vậy), mission (nhiệm vụ chính) của bạn là gì? Chúng ta hiểu mission ở nghĩa bao quát, đầy đủ nhất là: nhiệm vụ, nghĩa vụ, cái nghiệp, sự đóng góp… cho cộng đồng, xã hội, đất nước.

Đừng rập khuôn như chép văn mẫu!

Tuy nhiên, bạn cũng không nhất thiết phải đóng khuôn diễn đạt của mình trong những câu cú sáo rỗng như: đóng góp cho nền kinh tế quốc gia, góp phần thay đổi bộ mặt văn hoá nghệ thuật của quốc gia… Nghe thật xa vời và viển vông! Làm sao mà một cá nhân có thể hoàn thành những mục tiêu mơ hồ như vậy được?

Vậy thì, nếu là một nhà thiết kế thời trang, bạn chỉ cần tạo ra những bộ cánh thoải mái hơn cho phụ nữ làm văn phòng (vì hiện tại, họ thật khổ sở vì những bộ cánh lỗi mốt, gò bó, thậm chí còn ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ và phát triển hình thể…). Nếu là một kỹ sư xây dựng, bạn chỉ cần tham gia vào các dự án trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là quê nhà của bạn – tỉnh Trà Vinh, để kết nối tỉnh nhà với các địa phương khác trong vùng, giải quyết vấn đề lưu thông hàng hoá và đi lại của người dân…

Lưu ý: Với các chứng chỉ, bằng cấp thì bạn có bản gốc tiếng Pháp, tiếng Anh hoặc có bản dịch đính kèm trong hồ sơ.

Leave a Reply