review-sach-ve-paris

Review sách: Nào mình cùng đạp xe đến Paris

Nếu bạn có một ước mơ cháy bỏng được nhìn ngắm tháp Eiffel với từng khối sắt chắc bặm của nó, nhìn thấy một Paris với đủ hương croissant, sương mờ sáng sớm và ánh hoàng hôn vàng rực chiếu sáng cả một thời tuổi trẻ thì đừng ngần ngại, hãy cầm cuốn sách «Nào, mình cùng đạp xe đến Paris» và đọc ngay.

Thể loại

Du ký, tự sự. Nội dung: kể về hành trình đạp xe từ VN sang Paris trước thềm Hội nghị biến đổi khí hậu COP 21 của một cặp đôi, anh là người Scotland – chị chính là tác giả Kim Ngân người Việt Nam.

Thực sự là tôi cũng đã đọc ngay và đọc được liền một mạch cuốn sách này. Điều mà mấy năm trở lại đây tôi không có cơ hội và cũng không có khả năng làm được. Có nhiều lí do cho sự đọc liền mạch này, để tôi tuần tự liệt kê ra trong bài viết này.

Thứ nhất: Nội dung

Thứ nhất, ngay từ tiêu đề, bạn đã hình dung ra phần nào nội dung của cuốn sách. Đây đúng là một chuyến hành trình, bằng xe đạp từ miền Nam ra miền Bắc của Việt Nam, sau đó vượt qua những con đường xuyên biên giới Trung Quốc, các nước Liên Xô cũ và một vài nước khác ở châu Âu để cuối cùng là đặt chân tới Paris hoa lệ. Với dung lượng khoảng hơn 300 trang sách và khoảng 400 chữ mỗi trang, cùng với sự điều tiết cho kịp với nhịp độ 291 ngày và 15.000 cây số, cuốn nhật kí được đẩy đi khá nhanh. Bản thân tôi, cũng kịp thời gian để đi theo chuyến hành trình mà không ngắt quãng.

Thứ hai: Cảm hứng

Thứ hai, về nội dung. Bản thân cuốn sách này có sẵn cho nó một vài mục tiêu. “Nào mình cùng Đạp xe đến Paris”Nên ngay từ những trang đầu, độc giả đã có thể tìm ra ngay nguồn cảm hứng và mong muốn được theo đuổi mạch viết của nữ nhà văn. Đó không đơn thuần là một chuyến đi để đời, để thỏa mãn đam mê khám phá của tuổi trẻ. Điều này thường nghe thì hay, nhưng trên thực tế thì có hàng triệu, hàng trăm triệu người du hành, đều đặn mỗi ngày nói cho chúng ta nghe điều đó. Thành ra, sự đặc biệt của những chuyến phiêu lưu bị giảm đi đôi chút. Còn chuyến hành trình này gắn kết với hội nghị về môi trường COP 21, về hành động đã được làm để chống chọi lại biến đổi khí hậu. Ngoài tính thời sự đó, thì những nhân vật bước vào trang sách, những bức ảnh tư liệu đã củng cố thêm cho sự kề cận của nó với đời sống thực tại. Hay như những bức bối, những chán chường và những xung đột dần dần tỏ hiện trên từng chặng hành trình, chính là lời đối thoại trực tiếp của tác giả với bao độc giả đang tò mò.

Thứ ba: sự gắn kết

Thứ ba, bản thân tôi, tự cảm thấy có một vài sự gắn kết với tác giả. Tôi cũng bắt đầu từ chối sự an toàn và ngoan lành ở tuổi 24, chính cái tuổi ấy tôi bắt đầu cảm thấy sự chộn rộn của tự do và thao thức được dấn bước nhiều hơn nữa. Và tôi bắt gặp một vài mối quan tâm tương tự nơi tác giả, một vài điểm chung trong tính cách. Giở cuốn sách này ra như thể vừa bắt đầu trò chuyện với một người bạn. Cuộc trò chuyện, thật may, không kết thúc dở dang chóng vánh, mà đã đến được phút tàn cuộc của cốc trà nguội, đĩa bánh xếp gọn xiên và muỗng.

Thứ tư: mục tiêu mới

Thứ tư, cuốn sách không phải là một thách thức lớn. Chúng ta cùng gặp một cách xây dựng nội dung chung nơi các cuốn sách du kí, với bố cục là trình tự của chuyến hành trình, với ý tưởng chung là sự khám phá các miền đất. Những suy tư dọc chuyến hành trình vội vã này gần như chỉ xoay quanh những đề tài của đời sống hằng ngày, thời sự có mà không thời sự cũng có. Câu cú đơn giản, mạch lạc, ý tứ đọc là thấy ; « Nào mình đạp xe tới Paris » không buộc người ta phải vò tai bứt tóc, phải đay nghiến hoặc khó chịu với tác giả, làm cản trở nhịp độ và hứng thú đọc hết một cuốn sách như đa phần những cuốn về triết học, về tư tưởng xã hội hoặc đòi hỏi một tầm nhận thức – kiến thức chuẩn mực nào đó như các sách Hàn Lâm.

Thứ năm: chuyện ngoài lề

Thứ năm, một lí do vô cùng cá nhân, đó là sự dễ chịu của khổ sách, cỡ chữ và màu xanh dương ngoài bìa sách làm tôi thấy dễ chịu. Tôi thích chất giấy hơi ngả vàng, dày dặn vừa đủ, khổ chữ tròn trịa rõ ràng và xanh dương là màu sắc yêu thích của tôi. Lí do đơn giản vậy, không biết có được phép đề cập ở đây không ? Đó không phải là một lời xu nịnh của tôi đối với NXB Nhã Nam, vì không ít lần tôi cảm thấy không thoải mái với những cuốn sách tới từ NXB này.

Nhận xét

Qua những lí do trên, tôi cũng ngấm ngầm có những điểm khen và điểm chê cho cuốn sách này. Thấp hơn sự kì vọng của tôi, đó là những khám phá và nhận định trên mỗi chặng hành trình của tác giả. Tôi có thể tìm thấy đâu đó trên một bài báo, một cuốn sách kiến thức phổ thông dễ gặp, không có nhiều điều mới lạ. Những ý kiến của tác giả ít có dấu vết cá nhân ở đó, gần như là một sự xác lập hoặc bình luận cho những điều mà tôi đã nghe đã biết. Những điều mới mà tôi thấy trong cuốn sách này, về các quốc gia, các vùng lãnh thổ chỉ tầm 20-30% chứ không nhiều hơn. Và với tôi, một cuốn sách du kí ít có điểm mới, là một điều gây thất vọng.

Thấp hơn sự kì vọng của tôi, đó là một hình ảnh chững chạc và một bóng dáng hơi trẻ con hơn trong những trang viết. Bản thân tôi cảm thấy cuốn sách có một vài từ ngữ chưa được cân nhắc kĩ lắm khi dùng. Ngoài những đoạn văn quá trau chuốt về tả cảnh thì hầu như cuốn sách không tạo được điểm nhấn gì nhiều hơn. Cách chuyển đoạn đôi chỗ khá khập khiễng. Đây là cuốn sách đầu tiên của tác giả mà tôi đọc, nhưng sau khi gấp lại trang cuối cùng, tôi không tò mò gì về những cuốn khác. Có thể tôi hơi cứng nhắc và có sự áp đặt quá nặng tính văn học lên một tác phẩm du kí như thế này, nhưng quả thật, tôi kì vọng cao hơn ở một cuốn sách, nó phải có gì đó chuyên nghiệp hơn, cẩn thận hơn là một câu chuyện dài kì đăng trên blog, được nhiều bạn đọc online tiếp cận.

Mặt khác, những gì tôi nhìn thấy qua giọng văn, là tính cách bộc trực đôi lúc có phần nông nổi của tác giả. Có những đoạn thật quá đến mức tôi muốn bỏ qua không cần phải đọc. Đó là những đoạn bàn về phương Đông, phương Tây, về con đường viết lách của tác giả, về những khác biệt văn hóa. Một lần nữa, đáng lí tôi phải suy nghĩ thoáng hơn, đặt mình vào hoàn cảnh của tác giả để nhận định. Quả thật là có một sự khác biệt hoàn toàn trong suy nghĩ của một người đã gắn bó với nước Pháp nhiều năm, và một người chỉ loáng thoáng qua vài bản nhạc, cùng một niềm mơ Paris cháy bỏng.

Kết luận

Cuốn sách là một trải nghiệm chân thực, đúng như tác giả viết ở cuối sách, đó là những trải nghiệm chưa hoàn toàn chín muồi, chưa thể nào so về dày dặn với những tượng đài văn học phiêu lưu của thế giới – những người đã lang bạt, đã lăn xả nhiều hơn bất kì độc giả nào của họ. Ý tôi là phải thật rất là nhiều! Chúng ta đều biết rằng, đây cũng chỉ mới là chuyến vượt nhiều núi rừng nhiều biên giới đầu tiên của một cô gái chưa qua tuổi 30. Cũng có thể, sự gấp gáp của chuyến đi đã hạn chế phần nào quá trình khám phá sâu và rộng của tác giả nơi từng vùng đất, mỗi con người.

Cuốn sách còn lột tả những suy nghĩ về tình yêu đang bắt đầu chín, nhưng kể cả cái bắt đầu chín đó cũng có phần hơi muộn. Nói đến một khắc khoải nào sâu sắc hơn, sợ là còn khó nữa. Tôi không có ý phân biệt giới tính, nhưng tôi vẫn thích trong nhịp điệu của văn học phiêu lưu phải có cái gì đó cứng cỏi hơn, phải dấy lên một thao thức dai dẳng và đào khuấy sâu hơn. Thì tôi ít tìm được điều đó ở các tác phẩm của các nữ nhà văn. Dù thế nào đi nữa, tính nữ vẫn luôn hiện diện ở đó, một chút ẩm ương, một chút dịu dàng đều đặn thấp thoáng.

Link mua sách: Combo 2 cuốn sách du ký của 1 người Việt đạp xe sang Tây và của 1 người Tây đi tàu sang Châu Á.

Cuốn sách, với đầy đủ vẹn khuyết của nó vẫn làm thỏa mãn tôi. Vì cẩm nang du lịch không mấy khi chia sẻ những thông tin bên lề, thực tế và cực kì cần thiết như những trang viết của tác giả. Tôi hài lòng nhất về độ chân thực của cuốn sách. Sau đó, tôi khá là thích những áng văn miêu tả các vùng đất, đặc biệt là về những xứ sở Hồi Giáo mà trong tiềm thức tôi vẫn cho là lộng lẫy nhất. Cuốn sách là một bài ôn tập ngắn cho tôi về châu Âu, về nước Pháp, về những dấu yêu tôi vừa rời bước chưa đong đầy nửa năm. Về những kí ức mà tôi cũng đã sống qua. Khi tác giả kể về hành trình trên đất Pháp, tôi hơi chộn rộn lòng. Sao tôi không chăm đọc tin tức trên báo chí hơn, không biết tới hành trình này sớm hơn, biết đâu đã gặp được họ, đã giúp đỡ họ được phần nào trong khoảng thời gian ở Pháp. Để thêm một kỉ niệm đẹp chốn tha phương.

Có khen có chê, nhưng tôi không bao giờ chấm điểm cho một cuốn sách. Chấm về gì ? Về nội dung ? Hay để trả công cho quá trình làm việc của tác giả ? Mỗi cuốn sách là một khoảng trải nghiệm riêng, là một vùng suy nghĩ riêng để ta đi quanh quẩn, cái hay cái dở cũng tùy vào gu cảm nhận của từng người, sự trải nghiệm của họ và những mối quan tâm của họ.

Chỉ có điều, tôi biết cuốn sách này thật sự dành cho ai:

«Cho những người đang nung nấu giấc mơ nước Pháp.
Cho những người cần phải đi, đi để nhận ra điều mình đang khao khát thực sự là gì.»

Leave a Reply