on-thi-delf-B2-hieu-qua

Nói tiếng Pháp lâu hơn: làm thế nào để duy trì cuộc hội thoại bằng tiếng Pháp?

Trong một cuộc hội thoại, dù bằng ngôn ngữ nào thì chúng ta bao giờ có thể hoàn toàn chủ động. Phải có ít nhất hai người mới tạo nên một cuộc hội thoại đúng nghĩa. Vì thế, những gì bạn nói, sẽ bị chi phối một phần bởi khả năng nghe – hiểu – phân tích của bạn và phản ứng của người đối thoại. Sẽ cực kì khó khi chúng ta giao tiếp bằng tiếng Pháp, nhất là khi chỉ mới học được vài ba tháng.

Vậy, có cách nào để cuộc hội thoại bằng tiếng Pháp trở nên đơn giản hơn, dễ dàng hơn, để bạn không bị nản chí trong quá trình luyện nói tiếng Pháp không?

Chữa mẹo:

Đầu tiên, phải giữ tinh thần thoải mái trước đã! Cởi mở, vui vẻ (nhưng đừng cố tỏ ra hài hước, hay châm biếm nếu chưa biết cách), chủ động nhưng thân thiện, mang tinh thần xây dựng tích cực là mẹo đầu tiên để bạn thấy thoải mái với việc nói chuyện bằng tiếng Pháp.

Một mẹo khác để có thể xoay sở tốt hơn, đó là dùng ngôn ngữ kí hiệu, mô tả bằng cách khua tay khua chân, vẽ ra, chỉ trỏ, minh họa bằng đồ vật, đối tượng thực tế (nên cố gắng khai thác tối đa công cụ này, nó cũng là cách tốt để tăng độ hài hước cho bạn nếu bạn sợ mình nói chuyện thiếu muối). Bí quá nữa thì google translate và dùng từ điển (nhưng nên hạn chế, nó sẽ làm mất thời gian của hai bên: chờ mạng load, chờ bạn gõ cho ra đúng chữ, mà từ điển chưa chắc đã đưa đúng từ trong bối cảnh mà bạn muốn nói).

Chữa theo bác sĩ:

Để nói tốt, trước hết chúng ta phải NGHE HIỂU tốt đã! Tất nhiên là vừa đủ tốt trong ngưỡng trình độ của bạn thôi, không thể cưỡng cầu được. Việc nghe tốt cũng cần có thời gian, không phải ngày một ngày hai. Nhưng các bạn cần có căn bản và phương pháp đúng (về khoản này, các bạn có thể ngâm cứu cuốn HỌC ĐI THÔI – nghe nói tiếng Pháp và serie: Những lầm tưởng khi luyện nghe tiếng Pháp):

Chúng ta tóm tắt một chút về việc: Làm thế nào để nghe được tiếng Pháp trước nhé!

Trên thực tế, nếu chúng ta luyện tốt phần phát âm thì chỉ cần kết hợp với việc học từ vựng và nắm bắt được ngữ pháp cơ bản là chúng ta đã có thể hiểu đại khái ý người khác nói là gì. Ngữ pháp cơ bản tức là chia động từ ở 2, 3 thì phổ biến: présent, passé composé, futur simple cách thành lập câu có chủ từ – động từ – bổ ngữ.

Quay lại với việc nói, nếu như ngay từ câu đầu tiên, bạn đã không hiểu người ta nói gì với mình, cuộc hội thoại đến đây là chấm hết! Chẳng nhẽ tình hình lại bi quan tới mức đó? Hãy chủ động tìm cách nào!

Đầu tiên, tìm cách cứu vãn tình hình

Cố gắng làm chủ khả năng bắt âm của bản thân. Cái này có thể cải thiện nếu các bạn chịu khó luyện phát âm thường xuyên. Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể chi phối được tốc độ nói của người đối thoại với mình, để nghe được tốt hơn.

Bằng cách nào? – Hãy chủ động yêu cầu họ.

Người Pháp nói quá nhanh ư? Không cần thắc mắc vì sao người ta nói nhanh thế, hãy chủ động yêu cầu người ta nói chậm lại. Chúng ta có một vài câu mẫu như dưới đây:

Je parle pas très bien français, s’il vous plaît parler plus fort/ parler plus lentement! Merci beaucoup! (Tôi nói tiếng Pháp không tốt lắm, xin làm ơn nói to hơn/ xin làm ơn nói chậm lại! Cám ơn rất nhiều)

Pourriez-vous parler lentement? (Anh/ chị/ ngài có thể nói chậm hơn không?)

Désolé! Je ne peux pas comprendre ce que vous me dites. (Xin lỗi! Tôi không thể hiểu điều ông nói với tôi)

J’arrive pas à le comprendre. (Tôi không thể hiểu được điều đó)

 J’apprends le français que 2 semaines. (Tôi mới học tiếng Pháp có 2 tuần)

Nhưng cách này không nên sử dụng nhiều, nó sẽ là cái cớ hoàn hảo để trì hoãn việc luyện nghe và luyện nói tiếng Pháp của bạn. Mà việc học quan trọng là biết CẦU TIẾN thì mới TIẾN BỘ được.

Tiếp theo, làm chủ tình hình

Khi nghe xong một điều gì đó, một câu hỏi, một vấn đề, nếu bạn chưa chắc chắn lắm liệu rằng mình đã hiểu đúng hay chưa thì hãy tìm cách để kiểm chứng. Đơn giản nhất là yêu cầu người đối thoại lặp lại điều họ đã nói. Tuy nhiên, chắc gì họ lặp lại bạn đã hiểu, không lẽ lại yêu cầu họ lặp lại thêm lần thứ 3, thứ 4?

Còn một cách tốt hơn (dù mất thời gian hơn), thay vì bắt người khác chủ động giải thích lại, bạn hãy chủ động trong cuộc hội thoại này. Bạn tự tóm tắt, diễn giải lại những điều mình vừa được nghe và nhờ người đối thoại xác nhận xem là bạn nói có đúng ý họ hay không. Cách này chắc chắn sẽ hiệu quả. Nếu bạn hiểu không đúng, người ta sẽ nói lại lần nữa cho bạn hiểu.

Ce que j’ai compris. C’est… Il y a… Vous… (idées)Điều tôi hiểu là. Đó là… (ý mà bạn hiểu)

Donc, c’est-à-dire… Vous… C’est… (idées) Vậy là, có nghĩa là… Anh/chị… Đó là… (ý mà bạn hiểu)

Est-ce que j’ai bien compris votre idée? Có phải tôi hiểu đúng ý của anh/chị rồi không?

Cuối cùng, cứ “để gió cuốn đi”. Thả nổi đi! Bạn đừng căng thẳng quá!

Nếu người nói chuyện với bạn tinh ý (chẳng hạn như họ là người Pháp, họ là người nói tiếng Pháp tốt hơn bạn) thì sau khi nghe bạn trình bày, họ sẽ chủ động điều chỉnh lại tốc độ nói, chú ý dùng từ đơn giản hơn và cố gắng giải thích đơn giản hơn cho bạn xuyên suốt về sau, khi còn tiếp tục nói chuyện.

Người tốt hơn nữa, họ sẽ chủ động sửa sai cho bạn. Thường cái gì sai quá sai thì người ta sẽ khéo léo sửa giúp bạn. Hoặc giáo viên (người đi dạy, mắc bệnh nghề nghiệp) thì họ sẽ hở ra là bắt lỗi – hở ra là sửa lỗi, chứ hiếm khi người ta cố tình bắt lỗi bạn lắm. Mọi người đều muốn trao đổi nhiều hơn và thu được nhiều thông tin hơn, kết nối với nhau, chứ không phải xét nét nhau đúng không?

Lưu ý: Để tránh nghe nhiều không bắt kịp ý, người ta nói xong thì bạn cũng vừa quên hết những gì người ta vừa nói, hãy khéo léo ngắt lời người ta kịp lúc.

Excusez-moiTôi xin lỗi một chút

Juste une seconde, MonsieurXin một giây, thưa ông

S’il vous plaît, Monsieur Làm ơn, thưa ông

Bằng một số gợi ý như trên, ít nhất, chúng ta đã có thể nói tiếng Pháp lâu hơn một chút. Cố gắng từng chút, lần sau, bạn sẽ nói tiếng Pháp hơn lần này. Lạc quan lên! Just say it! Dites-le! Cứ nói thôi!

Leave a Reply