huong-dan-on-thi-delf-b1

Ngữ pháp tiếng Pháp khó “lòi bản họng”, làm sao để nhớ được?

Học tiếng Pháp mười mấy hai chục năm, mình vẫn thấy ngữ pháp tiếng Pháp khó kinh dị. Nhưng không có nghĩa là không học được. Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ cho các bạn một vài chiêu để học được ngữ pháp tiếng Pháp, nhanh hơn và đỡ mất sức hơn.

Đừng cắm đầu vào học theo tiểu tiết, hãy hiểu hệ thống trước

Thực ra, xét về hệ thống thì không có gì phức tạp lắm. Các bạn cần biết về: danh từ, động từ, tính từ, trạng từ. Các bạn hiểu thêm một điều rằng, danh từ và động từ ít khi đứng một mình, tính từ thì hầu như đứng một mình thoải mái. Thế đi kèm với chúng là gì? Bao gồm: mạo từ, các định từ và với động từ thì có bổ ngữ.

Hiểu sơ sơ về các cấu trúc tạo nên câu thì chúng ta học tiếp về các cụm thành phần trong câu và các dạng câu đặc biệt.

Ngữ pháp tiếng Pháp chỉ có thế thôi! Nghe đơn giản quá phải không? Nói một cách khái quát, chúng ta cần tìm hiểu xem tổng quát bên ngoài trước, và hiểu được chúng ta cần học ngữ pháp để làm gì, dùng vào đâu, diễn giải như thế nào rồi thì chúng ta sẽ đi vào chi tiết sau.

Về chi tiết hãy lưu ý ba điểm: giống/ số, chia động từ và các loại đại từ

Giống và số là lưu ý căn bản nhất để giúp bạn tự tin làm chủ vốn ngữ pháp tiếng Pháp. Khi đọc vào câu, nếu bạn viết đúng giống đực giống cái cho mạo từ, tính từ, danh từ thì cảm giác sướng con mắt lắm. Người ta sẵn sàng châm chước cho các bạn lỗi chia động từ ở phía sau. Ví dụ: un bel animal, les beaux animaux… Wow! Làm sao mà chuyển đổi được như thế? Câu trả lời là dựa theo quy tắc.

Nhưng đừng vội mừng nghĩ rằng chỉ cần bám vào quy tắc là bạn sẽ phù hợp giống số (accord de genre et de nombre) chuẩn chỉnh. Quy tắc có hơn số đếm trên đầu ngón tay và ngoại lệ thì nhiều hơn quy tắc. Ừ, ngữ pháp tiếng Pháp là thế! Quy tắc làm gì trong khi còn bao nhiêu cái ngoại lệ phải nhớ!

Niềm an ủi trở lại, bạn có thể áp dụng quy tắc cho kha khá trường hợp. Ngoại lệ thì chỉ dành cho của hiếm. Và ngoại lệ của danh từ, ít nhiều tái áp dụng được cho tính từ. Nên đừng xăm xăm đi giành “của hiếm”, hãy ưu tiên cho cái thiết yếu trước!

Về động từ: không phải cứ biết chia hết tất cả các động từ là bạn thành siêu sao ngữ pháp! Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Giỏi chia động từ chỉ mới là giỏi 1/3 ngữ pháp. Mà giỏi ngữ pháp làm gì trong khi viết một câu cho nên hồn cũng khó, nói một câu cho nên thân cũng phải vò đầu bứt tai? Giỏi ngữ pháp cũng chưa khiến bạn thành thạo tiếng Pháp.

Có điều, động từ tiếng Pháp phức tạp thật! Nên để học dễ dàng hơn, mình xin đưa ra một vài tips cho các bạn để học chia động từ như sau:

1/ Học hết các thì hiện tại, quá khứ (trừ passé simple), tương lai (trừ futur antérieur), học thêm subjonctif, conditionnel présent, impératif, gérondif của 2 trợ động từ (auxiliaire): AVOIR – ÊTRE.

2/ Hiểu cách chia của các thì, nhớ được nguyên tắc chính của động từ nhóm một, tức là động từ tận cùng bằng –ER, không tính động từ ALLER.

3/ Học khoảng 10 đến 20 động từ phổ biến, hay dùng thường xuyên. Thực ra, với những người mới học, mình thấy là chỉ cần giới hạn lại khoảng 5 động từ là được: ALLER – METTRE – FAIRE – SAVOIR – POUVOIR – PRENDRE (mặc định AVOIR và ÊTRE là mọi người đã thành thạo rồi nhé!)

4/ Tuỳ theo trình độ mà các bạn bắt đầu đào sâu vào các dạng, thức khác nhau của động từ: theo thời gian (quá khứ, hiện tại, tương lai) – dành cho người mới bắt đầu, tầm A1 – A2. Lưu ý là lên A2 thì các bạn cần nắm chắc cả 3 nhóm: 1 (-er), nhóm 2 (-ir) và nhóm 3 (động từ bất quy tắc), theo sắc thái ý nghĩa (cảm xúc, sự chắc chắn, phủ định, mệnh lệnh…) đối với khoảng trình độ B1 – B2.

Cuối cùng là các dạng động từ khuyết, động từ đặc biệt, động từ đi kèm cấu trúc, các biến thể phức tạp với trình độ C1 – C2.

5/ Đừng ngại sử dụng bảng chia động từ (table de conjugaison), sách chia động từ, app chia động từ và google cách chia một động từ lạ. Chuyện thường như cơm bữa, kể cả bạn đã học tiếng Pháp lâu năm!

Về đại từ, mình nghĩ đây là câu hỏi ngữ pháp (question de grammaire) khó nhất trong tiếng Pháp. Với đâu đó khoảng 10 loại đại từ, có nhiều loại còn na ná nhau, có loại thì một từ nhưng đa chức năng, đây là phần khó nhất và dễ lẫn lộn nhất. Khi đem ra áp dụng vào thực tế cũng là một vấn đề.

Lời khuyên duy nhất của mình là: hãy để ý trong các đoạn văn bạn đọc hoặc những câu nói thường ngày của người Pháp (có thể là bạn nghe đi nghe lại nhiều lần, trực tiếp hoặc gián tiếp qua đài radio, tivi hoặc video trên youtube), ghi chép lại tự phân tích đối chiếu theo kiến thức đã học và tập dùng dần cho quen.

Không nên ôm cuốn bài tập ngữ pháp rồi ngồi luyện như điên!

Sai lầm và mệt mỏi! Học đến khi nào cho xong? Học đến khi nào cho thuộc?

Đối với các bạn mới học, hãy tập trung vào phần danh từ, tính từ và chia động từ trước. Cả hai đều quan trọng như nhau.

Khi bạn đã tới một trình độ nhất định, hoặc sau một thời gian học lan man mà không định vị được mình đang ở đâu nữa (trời đất mênh mông bao la, một mình ta đứng giữa biển ngữ pháp), lúc đó, hãy quay lại bảng mục lục (table de matière), chỗ nào thấy chưa tự tin thì ôn lại trước (cố gắng làm cả dạng bài tập nâng cao/ avancé cho những phần đó.

Mình lấy ví dụ, chuyển giống cái cho danh từ, các bạn làm đến phần bài tập trong sách avancé rồi sẽ thấy nó khó lòi ra! Còn cuốn cho người mới bắt đầu (débutant) ôi sao mà nó dễ, còn không cần phải nhìn công thức!

Chắc phần nào rồi, cố gắng nắm được cốt lõi và cái gốc của nó trước khi tiếp tục với những “của ngon vật lạ” khác.

TÀI LIỆU HỌC NGỮ PHÁP

Mình sẽ chú thích cho các bạn một vài cuốn cần thiết, yếu lược để các bạn không bị hoang mang trong biển sách mà tốn tiền oan.

Một trang học ngữ pháp online đáp ứng đủ tiêu chí, có hệ thống, ngắn gọn, dễ hiểu, học lúc nào cũng được: http://la-conjugaison.nouvelobs.com/regles/

Sách ngữ pháp thiết yếu cho người mới bắt đầu, trình độ A1-A2: http://bit.ly/2CONIFh

Sổ tay văn phạm (mình tìm thấy từ trang facebook Tiếng Pháp bình dị): http://bit.ly/2Ruhbwx

500 bài tập ngữ pháp cho người mới bắt đầu (trình độ A1) – in ra để làm bài tập nhé các bạn: http://bit.ly/2Vtpyrm

Một cuốn sách mình tìm thấy trên FAHASA, các bạn có thể đặt mua thử, không đắt lắm, chưa có review nha: http://bit.ly/2C25O5d

HỌC ĐI THÔI – từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu tiếng Pháp: Bạn nào sợ đọc tiếng Pháp thì có thể chuyển sang học bằng giải thích tiếng Việt, kèm thêm bảng từ vựng căn bản do mình biên soạn và bài đọc hiểu áp dụng cho người mới bắt đầu (cuốn này có giá là 50.000 đồng, dạng file PDF). Vì là sách mình soạn nên có gì trách móc các bạn có thể liên hệ lại, hihi. Các nguồn trên thì mình giới thiệu thế thôi nha, có còn hơn không ấy mà!

Bản xem thử: http://bit.ly/2OZBxZi

Để đặt mua, các bạn liên hệ zalo 0947229921 hoặc email: hocdithoi2017@gmail.com

Leave a Reply