hoc-tieng-phap-viec-lam

Làm sao để học từ vựng tiếng Pháp mà không bị quên?

Lần trước mình đã có một bài viết về Tips học từ vựng tiếng Pháp nhưng theo phương pháp hơi hàn lâm. Có nghĩa là bạn nào đã học khoảng A2, B1 đổ lên và có kế hoạch học tiếng Pháp đều đặn, hoặc lỡ rơi vào tình trạng đi học ở Pháp mà bế tắc vì không hiểu bài, phải quyết tâm 500% để học cho được khỏi bõ công cha mẹ thì ok.

Nhưng nếu vốn từ căn bản còn ít, cái gì viết bằng tiếng Pháp cũng gây hoa mắt thì hiển nhiên là cần phải tìm cách nào đó khác bình dân, dễ thở, ít ngộp mà rích rích chút chút tích góp dần để được nhớ lâu. Vậy thì hôm nay mình có thêm cho các bạn một bài blog học tiếng Pháp mới, để chỉ cho các bạn một số mẹo, chứ không hẳn là phương pháp và phương cách nhưng nếu các bạn thử áp dụng thì biết đâu lại có thể học được thêm chút ít từ.

Có cách nào để học từ vựng tiếng Pháp không ạ, vì em toàn học trước quên sau…

Có chứ. Rất rất nhiều cách. Nhưng cách nào cũng chỉ mang tính hỗ trợ nếu bạn không tập trung, không quyết tâm và nhất là… CÒN KÉM PHÁT ÂM TIẾNG PHÁP. Ở đây mình không nói là nói hay nói dở, mình cũng không đánh đồng việc phát âm với nói tiếng Pháp sõi hay không sõi. Mà vấn đề ở đây là phát âm. Nghe thì có vẻ… đường cụt rồi, nhỉ?

hoc-tieng-phap-online-hieu-qua
Học từ vựng tiếng Pháp bằng sơ đồ tư duy, cũng là một cách hay!

Số một, tại chuyện phát âm

Vì sao ư? Việc học từ cũng như việc bạn làm quen với ai đó và hỏi tên họ, nếu nghe không kĩ Anh thành Ánh chẳng hạn, là coi như bạn nhớ nhầm tên người ta rồi. Còn lỡ tên người ta là Nguyễn Lữ Tử Đằng Phương Linh Chi Thảo mà bạn nhớ thành Trần Nguyễn Tử Thần Phương My Duy Bảo là có khi nhớ từ tên nữ sang tên nam, đổi họ đổi bà con dòng tộc nhà người ta rồi.

Bởi, tên người thì chẳng qua là danh từ riêng, còn đa số từ vựng chúng ta học là danh từ chung. Về phương cách… không khác nhau là mấy. Một cái tên có họ có tên lót, có tên thì từ trong tiếng Pháp đa phần cũng có nhiều âm tiết. Nên… cứ đọc đúng thì sẽ nhớ được, đó là điều chắc chắn.

Bởi thế mà người mới học thì do không biết phát âm thế nào sẽ hay bị nhầm lẫn. Chẳng hạn chữ lait thì đọc như chữ “le” tiếng Việt mà chữ le thì đọc như chữ “lơ”… ôi sao mà rối não quá!

Người học được một thời gian rồi thì hay mắc bệnh nhầm. Dạng như bạn nhầm tên My (y dài) thành tên Mi (i ngắn), nói thay cho các bạn tên My, bạn viết nhầm Y thành I là sai tên người ta rồi nha. Đừng có bao biện!

Ngoài chuyện nhầm kí tự và âm thì do một số tật phát âm như nuốt mất âm cuối, đọc thừa âm cuối, ngọng các chữ m,n,l hay s,x hay z,j,g,r… sẽ làm cho các bạn khó mà viết đúng được từ chứ chưa nói là học để nhớ. Vậy nên là cứ viết sai hoài thôi, mà viết sai thì cũng coi như là học mà không nhớ rồi. Ví dụ như: automne, vigne và ville…

Sách hệ thống từ vựng kèm nghĩa Việt – Pháp và hướng dẫn song ngữ ngữ pháp tiếng Pháp

Số hai, tại học mà không dùng

Cái này là tình trạng phổ biến nhất, có học nhưng không dùng, nên khi cần thì không nhớ ra, khi nhớ ra thì lại không cần. Cứ một vòng luẩn quẩn như vậy mà bạn không thể nào thuộc được từ vựng tiếng Pháp.

Ví dụ: tiếng Pháp có động từ endommager là gây thiệt hại nhưng bạn chưa học nó bao giờ. Ngược lại causer (gây ra) dommage (thiệt hại) thì bạn đã biết. Vậy là lỡ viết bài có từ làm thiệt hại (à không phải gây ra mà là LÀM…). Hỡi ôi! Làm là gì ta? Làm là FAIRE? Thiệt hại là gì ta? Thiệt hại là gì ta? Cứ một vòng luẩn quẩn do cái bệnh dịch từ “mot-à-mot” tức là tự tách chữ ra mà dịch như kiểu dịch tiếng Anh “có sao không” là “yes star no” vậy đó. Não bạn cứ làm việc như cái máy nhập liệu, hay kiểu google translate thời cách đây 4,5 năm, cứ auto dịch một cách ngớ ngẩn.

Nào, khi học một từ thì đừng học bằng cách giở từ điển ra tra, chép xong rồi gấp lại, cũng đừng học theo kiểu list ra một list mà chưa chịu tìm hiểu người ta giải thích ngữ cảnh, cách dùng ra làm sao rồi chép lấy chép để. Học vậy thì thà đừng học!

Vẽ và tìm cách ghi chép thật khoa học để học từ vựng Tiếng Pháp cũng là cách hay

Số ba, tại học bị thiếu

Đối với một từ, đừng nghĩ rằng chép rồi thì không chép nữa, hãy chịu khó ghi đi chép lại nhiều lần, bỏ suy nghĩ “biết rồi khổ lắm nói mãi” đi! Cũng bớt lối tự kỉ “ủa sao chữ này chép ra đây rồi mà không nhớ?”. Não người mà, có phải cái máy quét từ đâu, có phải cái máy chủ bộ nhớ vô tận mấy tỉ GB, TB đâu, bạn phải quên chứ… Quên cho cái quan trọng hơn nó vào đầu. Quên để còn biết mà chịu động não học hành chứ!

Ví dụ: khi bạn đọc une grande maison thì bạn hiểu là một cái nhà to lớn. Khi bạn đọc thấy cái tít bài hát của Maurice Chevalier: C’est pas grand chose với cái chữ grand dị dị thì hiểu rằng grand trong grand chose có thể dịch ra là đáng kể. Thì lại viết tiếp vào sổ tay cụm grand chose này và tập dùng. Rồi lần sau đọc tiểu sử Victor Hugo thấy có ghi un grand homme, mới ngộ ra grand còn có nghĩa là vĩ đại. Ai nói chữ đơn giản như GRAND học một lần là biết. Hơi nhầm, nhầm hơi to!

Ông bà ta có câu “Ôn cũ biết mới”, luôn luôn đúng các bạn nha! Riêng chuyện học từ vựng tiếng Pháp là rất rất đúng luôn!

Ở cuối tập podcast dưới đây, các bạn sẽ có một số gợi ý về đầu sách để thực hành từ vựng tiếng Pháp

Số bốn, do không biết tranh thủ

Lần trước mình cũng có nhắc về chuyện này. Mình có một thói quen là đi đâu vớ được cái gì cũng cầm lên đọc. Đi sửa xe thấy cái quảng cáo nhớt mới cũng lại đọc. Vào quán cà-phê thấy có thông báo workshop hay khuyến mãi gì đó, nhất quyết phải đọc. Đi order nước uống cũng phải dòm cho hết menu rồi mới chọn. Ở nhà rảnh quá, sáng đánh răng thấy trên tuýp kem có tiếng Pháp cũng ngồi đọc. Đi mua mấy cái đồ điện tử hay có hướng dẫn sử dụng bằng nhiều thứ tiếng… cũng liếc qua chỗ tiếng Pháp đọc coi nó viết cái gì. Khi đọc mấy cái hướng dẫn sử dụng này sẽ có nhiều cái dễ nhớ, dễ thuộc.

Ví dụ như câu: Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng! Sản phẩm không dành cho trẻ nhỏ, lưu ý tránh xa tầm tay trẻ em. Dùng 2 lần một ngày… Tất cả những câu đó chỉ cần lướt lướt qua tiếng Pháp chút chút là các bạn đã hiểu nghĩa. Tuy nhiên, lợi ích thu lại rất là nhiều.

Làm gì có giáo trình nào dạy các bạn về kem đánh răng tiếng Pháp là gì đúng không? Hay như xoa nhẹ lên vết thương… hay những gì tương tự như vậy. Nên đời sống hằng ngày chính là những cái ngay trước mắt các bạn, từ tuýp kem bôi tay, từ hộp thuốc bổ, từ cái vỏ gói socola.

Cũng như lần trước mình đã nói, hãy tìm cách tranh thủ học mọi lúc mọi nơi. Các bạn không biết học gì ư? Nhìn từ đầu đến chân xem có chỗ nào trên cơ thể mình chưa biết từ không, nhìn đống trang phục và phụ kiện sắp mặc xem có nhớ tiếng Pháp nó là gì không? Mở tủ lạnh ra và nhìn đồ ăn xem có gì mà bạn chưa biết nói bằng tiếng Pháp không? Rồi đi siêu thị, rồi đi đường. Rồi các hoạt động hằng ngày như đi, đứng, ngủ, nghỉ, cười, khóc, la, hét…

Các bạn có thể tham khảo 2 đầu sách Pháp gốc dưới đây cho phần từ vựng, có thể mua được ở Việt Nam, trên tiki:

Từ vựng bằng hình ảnh (sách màu nên có giá hơi cao một chút, sách có kèm audio, có thể cân nhắc nếu xác định học lâu dài và thấy cần thiết)

Sách làm bài tập từ vựng Tiếng Pháp căn bản

Một vài mẹo học từ vựng tiếng Pháp

Nếu các bạn muốn học hành tử tế thì lần trước mình có chỉ cách rồi. Hệ thống từ vựng thì mình cũng có cung cấp cho các bạn trong 2 cuốn HỌC ĐI THÔI Đọc hiểu (gồm 3 phần Từ vựng – Ngữ pháp và bài Đọc) và cuốn Giao tiếp (đa dạng hoá cách diễn đạt bằng tiếng Pháp) rồi. Lần này, mình chỉ một vài mẹo nhỏ thôi:

. Cách mà bạn nhớ được số điện thoại, cách bạn nhớ tên họ của ai đó, cách bạn nhìn một người nào đó qua phong cách bề ngoại các đặc điểm gây ấn tượng và khiến bạn phải nhớ ra làm sao… Từ vựng cũng có cái đặc biệt của nó. Ví dụ: cách đọc cực kì khó, nghĩa dịch ra rất buồn cười, cách đọc trại sang tiếng Việt cũng gây thương nhớ (như vocabulaire là võ cá bự lại rẻ chẳng hạn).

. Tự lẩm nhẩm hàng ngày. Đừng học nhiều nhưng lúc học hãy để ý một vài từ. Hãy tận dụng hiệu ứng Baader Meinhof, cái mà facebook hiện nay đang ứng dụng rất tốt để tặng cho bạn ti tỉ quảng cáo mỗi ngày. Nếu bạn chưa biết hiệu ứng này là gì thì google nhé. Đại loại là bạn thấy một thứ, tình cờ biết đến một thứ gì đó. Sau đó, đi đâu bạn cũng nhìn thấy nó, bạn cứ tưởng mình bị ám ảnh, hay là xu hướng nhưng thực ra đó chỉ là một hiệu ứng tâm lí mà thôi.

Ví dụ: tuần trước mình gặp được chữ fossé trong một bài đọc. Tình cờ ngay hôm sau, đọc một post của một người Pháp trên mạng cũng gặp ngay chữ đó. Dù bình thường mình không hay click vào nút see more… để đọc hết post của người khác cho lắm. Và đến giờ là hơn 20 năm học tiếng Pháp rồi mình cũng chưa bao giờ gặp từ này. Nhờ đó mình còn biết một cặp từ trái nghĩa nữa là tremplin và fossé.

. Cuối cùng, tự chơi tự học. Lâu lâu ngồi brainstorming (nếu không biết cái này là gì, các bạn lại google nhé). Đại loại là trong 2,3 phút (thời gian rất ngắn) phải tự viết ra nhiều nhất có thể một list các từ vựng tiếng Pháp về một chủ đề nào đó.

. Một phương pháp bổ sung, hơi academic một chút, chỉ dành cho các bạn kiên trì và hơi hơi thích đọc sách, tìm tòi một chút. Đó là đọc một tác phẩm bằng hai thứ tiếng. Chọn cuốn yêu thích, ngắn, nội dung nhẹ nhàng, có sẵn bản tiếng Pháp và tiếng Việt. Đọc tiếng Pháp không hiểu thì qua đọc tiếng Việt. Đọc tiếng Việt một vài đoạn thấy hay hay thì chuyển qua coi bản gốc tiếng Pháp. Các bạn nhớ là đánh dấu đoạn, câu cho chính xác để tránh nhầm lẫn. Và cũng đừng phụ thuộc vào bản dịch tiếng Việt quá, có lúc nó hay, có lúc nó dở… và đôi lúc không chính xác.

Leave a Reply