van-hoc-phap-modiano

Chùm sách của Modiano, nhà văn và hoạ sĩ riêng của Paris

Nói sơ về tác giả sách

Patrick Modiano là một cái tên quen thuộc đối với riêng bản thân tôi từ vài năm trở lại đây. Ông như một người bạn đồng chí hướng, nhâm nhi cốc cà-phê chung bàn với chúng tôi buổi chiều thu năm ấy tại Lyon. Ở thời điểm đó, chúng tôi đang muốn bắt tay vào làm một dự án về dịch thuật, viết lách và chia sẻ trải nghiệm – còn nhà văn của nước Pháp, thì vừa được Nobel tôn vinh cho Những tác phẩm văn học độc đáo của mình. Chúng tôi có cơ hội được dịch những bài báo nóng hổi ở thời điểm đó, viết về ông, cho bạn đọc ở Việt Nam. Tôi biết đến ông như biết về một danh nhân đương thời người Pháp. Và cảm giác, khi bạn cầm cuốn sách lên, tự nói với mình hay ai đó bên cạnh rằng: «Tôi biết ông tác giả này!». Kể ra nó cũng sương sướng trong bụng một chút, và tác phẩm tự dưng đến gần ta hơn chút nữa.

Nhà văn Patrick Modiano thời còn trẻ và ký ức Paris của ông.

Trong những bài báo về nhà văn mà tôi mới kể ở trên, ông được nhắc tới như một danh họa, một nhạc sĩ của Paris và chỉ riêng Paris mà thôi. Ông là người viết về kí ức, về sự lu mờ lẫn sự tái xuất. Về những điều đang còn và những điều đã mất của Paris. Người ta thậm chí hơi ác ý khi cợt nhả về ông rằng: «Patrick chỉ có đúng một tác phẩm và ông ta cứ thích viết đi viết lại chúng, mỗi lần xuất bản thì đổi cái tựa, thay cái bìa.» Nhưng bóc tách nhận xét đó ra, để thấy rằng: Đây chính là đặc trưng cho văn phong của Patrick Modiano. Đọc văn của ông, bất giác tôi nghĩ tới nhạc sĩ người Ý, đó là Ludovico Einaudi. Từ nhịp điệu kể, từ cảm giác của tác phẩm, cho tới sự ám ảnh nghệ thuật vảng vào người đọc, từ cái thứ ánh sáng vô hình trong chữ và trong nhạc le lói ra nơi tác phẩm… cả hai văn sĩ và nhạc sĩ này, đều tạo ra những ấn tượng tương đồng cho tôi.

Phố của những cửa hiệu u tối – Patrick Modiano

Thể loại: truyện vừa, có hơi hướng trinh thám.

Nội dung: Kể về cuộc tìm kiếm thân thế của nhân vật tôi và một chuyến vượt biên bí ẩn. Bối cảnh câu truyện phần lớn tập trung tại Paris.

Cuốn sách đẹp trong phần trình bày. Hơi lủng củng ở một số câu chữ. Nhưng tôi biết, dịch Pháp văn là một thử thách rất lớn, thật khó để mà tránh được những sơ suất nhỏ. Nhiều khi, chỉ có hỏi nhà văn thì may ra ta mới hiểu được ý tứ câu cú đó, chứ vin vào từ – ngữ – nghĩa – cú pháp để mà viện giải thì e là không bao giờ toát lên được cái ẩn ý đằng sau đó.

Cuốn sách không dày, nhưng u tối như chính tên gọi, làm váng vất độc giả. Bạn có nghe truyền thuyết về chiếc hộp Pandora chưa? Ở đây, cứ tới một góc phố thì vô tình bạn đụng phải một chiếc hộp cũ kĩ. Không ngờ rằng hộp Pandora đã được nhân bản và xuất hiện ở khắp nơi. Rồi cái sự vụng về của bạn làm nhiều vùng kí ức cùng được bật mở trong một lúc. Và bạn bị lạc lối trong mê cung của người quen người lạ, của cảm giác mơ hồ không thể nắm bắt dù đã cố gắng hết sức. Trong sự bất lực thể lí đó, chợt có vài tia sáng lấp lóe, có vài thứ cảm giác thân thuộc bất giác trở về, hoặc thoáng vui, hoặc thoáng nhoi nhói.

Bạn day dứt vì không biết mình là ai, và tệ hơn là thấy bị gãy nứt với những thứ, đáng lí ra là thân quen, đang ở xung quanh mình.

Giọng kể súc tích, mạch lạc, chi tiết và cụ thể đến từng nhịp thở từng nếp nhăn trên khuôn mặt nhân vật. Tuy nhiên, nếu không để thời gian để tượng tượng ra khung cảnh đó, nếu chồn vồn đọc cuốn truyện cho bằng hết, để tìm thấy đáp án cuối cùng đặng yên bụng, thì ta chỉ như vớ phải cuộn tơ vò, càng gấp càng rối. Hệt như khi bạn chú tâm nhìn vào bìa của cuốn sách, thấy những vết rạn đang chằng chịt vào nhau, lúc ẩn lúc hiện sau những mảng màu, đọc cuốn sách, đôi khi bạn cảm thấy có gì đó ma mị, có gì đó văng vẳng da diết, có gì đó khiến bạn tò mò đang theo bước thám tử đi trước dẫn đường.

Cuốn sách mỏng nhưng đầy sức nặng của Chủ nhân Novel Văn Chương 2014.

Cuốn sách vừa giống một câu truyện trinh thám, vừa giống một bản phóng sự điều tra về di dân, vừa giống một tập hồi kí của người đi tìm kí ức – nhân vật tôi.

Lúc đọc cuốn sách, tôi tự hỏi mình sẽ viết gì để giới thiệu lại nó cho các bạn. Đến khi viết rồi, lại phải tỉnh táo ghìm lại những gì mình muốn viết. Vì dài quá thì chẳng ai đọc nữa, và tệ hơn là mọi người sẽ bỏ lỡ một cuốn sách hay… Tôi chỉ mạo muội, xin viết thêm một đoạn về Paris của Modiano.

Paris ở trong tác phẩm hiện rõ từng đường từng nét. Tôi ngưỡng mộ trí nhớ hay cái tài mô tả sự vật tỉ mỉ của nhà văn. Đại khái một ví dụ cho bạn dễ hiểu. Nếu bạn đọc ở đâu đó mô tả về bầu trời «cao và xanh vòi vọi» thì trong văn của Modiano sẽ là: “Bầu trời xanh nhạt, mỏng như một lớp vải sa-tanh vừa được ủi phẳng lì, cách vài khoảng bàn tay, có một vài gợn mây mỏng như sợi tóc mai, trăng trắng.”

Xem chừng cái ví dụ của tôi vụng lắm. Nên tôi đành làm một điều tối kị, đó là trích trước cho các bạn một đoạn:

“Tôi dám chắc là tôi đi xuôi phố Mirabeau, thẳng tắp, tối hút và vắng tanh đến nỗi tôi phải rảo bước, sợ có ai để ý vì tôi là kẻ bộ hành duy nhất. Mé dưới, trên quảng trường, chỗ ngã tư đại lộ Versailles, một quán cà-phê hãy còn sáng đèn.
Cũng có khi tôi đi theo con đường ngược lại và đi sâu vào các phố tĩnh mịch của khu Auteuil. Tại đó, tôi cảm thấy an toàn. Cuối cùng tôi đâm ra đường Muette. Tôi nhớ những khu nhà trên đại lộ Emile-Augier…”

Phố của những cửa hiệu u tối – Patrick Modiano


Bạn thấy không, nhà văn Modiano còn tận tụy hơn bất kì người chỉ đường tử tế nào ở kinh thành ánh sáng! Người Paris thú thật mà nói, hiếm lắm mới có một cái gật đầu chứ đừng mong họ đứng lại chỉ đường.

Paris – Ảnh Neography

Một ngày nào đó, khi trở lại Paris, tôi sẽ theo bên mình cuốn sách của ông, để sống lại cảm giác hôm nay, là một độc giả muốn thả mình vào phố của những cửa hiệu u tối.

Một cuốn sách với cái tựa không mấy tươi sáng có thể khiến bạn chần chừ. Đầu năm đã đọc cái thứ u tối thế này, lỡ u tối cả năm thì sao? Thưa không. Tôi chắc chắn với bạn đây là một sự khai sáng phù hợp cho hoàn cảnh năm mới. Và đúng y như ông bà ta nói: Vạn sự khởi đầu nan, thì đầu năm, chúng ta nên chọn cho mình một thử thách khó nhằn. Hãy đọc cuốn sách khi bạn còn nhiều năng lượng và hứng khởi, để sau đó, thấy mình dư tràn sức lực cho một năm mới tới tấp những thử thách và trải nghiệm mới.

Không phải tôi ưa thích nhọc nhằn. Nhưng trên đời, việc dễ thì người ta chê, việc vừa vừa thì người ta đã làm hết, còn việc khó xin để lại, thôi đành xin về phần ta. Mà rồi, cái gì dễ đến thì cũng dễ đi, cái khó có đến rồi sẽ chịu ở lại thật bền. Tôi có niềm tin rằng những con phố của Patrick Modiano, về lâu về dài, sẽ dẫn lối cho những cuộc phiêu lưu mới của chúng ta.

Cuốn sách này khó hiểu, khó nhớ, khiến người đọc phân tâm

Bạn biết đó, khi xem một bộ phim mà bạn không thể tập trung vào nhân vật, chỉ có ngôi nhà đẹp, chiếc áo đẹp, chiếc nhẫn đẹp, chiếc ghế đẹp – còn các tình tiết diễn biến bị lu mờ đi… quả thực là một sự khó chịu không hề nhẹ. Và nếu không chiến thắng được kế “điệu hổ li sơn” của tác giả, bạn sẽ lạc trong mớ bòng bong.

“Những buổi tối đó là những khoảnh khắc nghỉ ngơi duy nhất tôi từng biết, những khoảnh khắc duy nhất mà tôi có thể ảo tưởng rằng chúng tôi đang sống một cuộc sống không rắc rối giữa một thế giới yên bình.”

Trích Phố của những cửa hiệu u tối (Patrick Modiano)


Có lẽ, trước đây, tôi cũng từng đọc được những cuốn sách mà bản thân muốn nói đi nói lại nhiều lần rồi, chẳng hạn như: Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần, hay Tiếng gọi nơi hoang dã của Jack London. Nhưng hồi xưa, tôi chẳng có ý nghĩ sẽ viết review lại. Phố của những cửa hiệu u tối – La rue des boutiques obscures cũng là một ví dụ tương tự.

Tôi nghĩ một vài điều rút ra sau khi đọc hết cuốn sách có thể thuyết phục được các bạn tìm đến với Modiano chăng? Ông cũng là nhà văn được đông đảo giới trẻ Pháp yêu mến.

Combo các cuốn tiểu thuyết của Patrick Modiano đã được dịch sang tiếng Việt.

Đó là sau khi nói chuyện với một cô bạn người Pháp, bạn ấy bắt chuyện khi tôi đang đọc dở cuốn sách và nhìn thấy tên Modiano trên bìa. Hiếm có cái tên nào vừa được lòng độc giả thế giới lẫn trong nước Pháp, thật thuyết phục như Modiano. Bạn biết rồi đó, gu của người Pháp thực sự là khá khác người. Thích cái gì đó quanh co, khó nhằn, đòi hỏi sự suy nghĩ không ngừng, một thể loại ám ảnh không tỏ tường. Một cái gì đó thiếu cụ thể để gợi mở vấn đề đi xa hơn, đậm đặc tính tư duy xã hội. Và tôi, một người trẻ, là độc giả ở một nơi nào đó trên thế giới với tác giả, cũng bị ông thuyết phục.

Nice – Vichy – Paris – Saigon

Câu chuyện là một chuỗi nhiều sự thổn thức ngầm với tôi, vì ở đó, tôi thấy những cái tên như Paris – Nice – Vichy, thậm chí cả Saigon. Những địa danh, những con đường mà một cách ngẫu nhiên lạ thường, tôi đã có dịp lui tới để trải nghiệm từng cảnh sắc, từng cảm giác được nhà văn mô tả lại. Và với tư cách là một người đã từng lui tới, tôi phải khẳng định với các bạn sự chính xác tuyệt đối, khớp li khớp hàng như cách người ta đã xây dựng những đại lộ thẳng tắp của Paris về cách mà Modiano miêu tả từng địa danh, từng con phố.

Cuốn sách ấn tượng nhưng thực sự là ngấu nghiến khá nhiều công sức của tôi. Vì sự lạc lối trong những khuôn mặt người, những cái tên Pháp có, Mỹ có, Châu Mỹ La Tinh có. Hơn nữa, các nhân vật xuất hiện dày đặc, với những lai lịch rõ ràng trong những tình huống cụ thể, nhưng tuyệt nhiên, mối liên hệ giữa họ lại khá mong manh. Bởi vậy, để tìm được một mạch liên kết, một logic giúp ta dễ dàng đọc cuốn sách hơn quả là rất khó. Cho đến gần cuối truyện, khi có cảm giác là ta đã thoát dần khỏi những cửa hiệu u tối để bước ra phía đường nhiều ánh sáng, thì tôi đọc nhanh hơn, cảm giác cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Nhưng, những bình luận viên của Le Monde (tờ báo lớn và nổi tiếng nhất của Pháp) đã nói rất đúng: «Nhớ làm gì khi ta không sống và sống làm gì khi ta không nhớ?» Câu chuyện kết thúc bằng một dấu chấm lửng. Lửng lơ ở một cái kết mà ta đã đoán ra được 90% và để sau đó, như là hồi tỉnh khỏi một cơn ác mộng, bắt đầu lần mò được cảm giác thực sự hay thế nào là nội dung thực sự của câu truyện.

Cuốn sách, có thể nói là tuy mỏng nhưng rất nặng. Nặng về chiều sâu: về những vấn đề mà hiện nay, chúng ta cần phải quan tâm để hình dung rõ hơn về thế giới mình đang sống. Hãy đọc “Phố của những cửa hiệu u tối” để tìm thấy sự lạc lối đó, những mất mát đó và những phức tạp có ở đó. Để rồi, một lần nữa, ta lại phải hỏi chính mình: Rốt cuộc, đây là thế giới quái quỷ nào vậy?

Ở quán cà-phê của tuổi trẻ lạc lối

Tôi thường có thói quen chọn một bản nhạc thật hợp tai để nghe trong lúc viết. Nếu không có nhạc, chắc câu chữ cũng tắc lự. Tựa bài hát gắn chặt với một trích đoạn mà tôi vừa đọc thấy trong sách: «Khi thực sự yêu một người, thì ta cần phải chấp nhận cái phần bí ẩn của người ấy». Bài hát lên đến những đoạn cao trào, vung lên như một cánh chim vút lên trời cao, thoảng thấy nhẹ nhàng như cái kết của câu truyện. Trời hôm ấy nắng nhẹ, gió hiu hiu, biển thầm thì, tôi lặng nhìn đàn hải âu bay xa tít tắp. Và sau đó, máy tính tự động chạy tiếp bài Let her go của Passenger. Nếu tiện thì mọi người có thể vừa nghe nhạc, vừa tiếp tục:

Tôi đã đọc liền một mạch hết cuốn sách. Ban đầu, không đủ kiên nhẫn, tôi đã định giở phần kết ra xem qua thế nào. Nhưng tôi biết, truyện của Patrick Modiano thì có biết phần kết cũng chẳng ích gì, nó sẽ không giúp ta hình dung ra câu truyện thực hư thế nào đâu. Thế rồi, tôi bỏ qua, đọc mấy phần đánh giá của báo Pháp, cũng chẳng khả thi lắm. Không có gì tạo hứng thú! Tôi quay lại đọc cuốn sách, để mạch thơ mạch lạc của cuốn sách cuốn mình đi. Tôi đếm, 30 trang, rồi 59 trang, rồi 71 trang. Rồi tôi nghỉ một hơi, để lấy điện thoại chụp lại một vài trích đoạn hay. Tiếp tục 121, 145 rồi kết thúc. Cuốn sách cứ càng đọc càng thấy nó mỏng tang. Thấy những nhân vật chạy nhảy trong đầu mình. À! Thực ra, những nhân vật gợi cho tôi liên tưởng đến một vài bộ phim.

Khung cảnh của Paris vào đêm, thì không có bộ phim nào liên quan hơn là Nửa đêm ở Paris. Tôi thấy ở đó, cũng như những nhân vật trong truyện, chàng nhà văn Gil kia cũng cảm thấy mình lạc lối ở đâu đó giữa đương đại, lẩn mình tìm về quá khứ, men theo những phố xá cổ kính của Paris. Đập vào mắt tôi là phố Saigon (tên phố/ đường của Paris), con phố mà Modiano cũng đã một lần nhắc tới trong Phố của những cửa hiệu u tối. Rồi phố La Rouchefoucault, nơi hình như tôi không lầm thì, danh họa Claude Monet cũng đã có thời lưu trú tại đó. Paris bình yên, nhẹ nhàng dịu dàng, ám ảnh như một nhánh thường xuân buông lơi. Không điểm hẹn, không điểm dừng, ta cứ thế lưu lạc qua từng góc phố, con đường của Paris.

Sous le ciel de Paris – Phiên bản ZAZ

Sau đó, tôi bắt gặp những đoạn văn như dát vào tim. Đôi khi, bạn sẽ thấy những câu trích dẫn tương tự ở một cuốn sách khác, nhằm nói về một hoàn cảnh dễ chịu, nhằm xoa dịu một luồng suy nghĩ ưu tư nào đó của bạn. Nhưng ở đây thì không, tự dưng bạn thấy mùa thu của tuổi trẻ lạc lối không lãng mạn. Bạn thấy nỗi nhớ nhà của người trẻ lạc lối đăm đăm. Bạn thấy gia đình, và người thân cận nhất là mẹ tự dưng xa xôi, mờ ảo, thấy khoáy sâu vào tâm khảm những tâm sự mà hằng bao lâu nay, bạn vẫn tầm ngầm, để rồi cuối cùng chẳng bao giờ thốt nên lời.

Bất giác, tôi nghĩ tới nàng Edith Piaf (trong bộ phim Cuộc đời màu hồng – La vie en rose) lúc tuổi đôi tám, lang thang trên ngọn đồi Montmartre, vô tư hát cho người qua đường nghe, ngông cuồng và kiêu ngạo, đã sẵn sàng đầu hàng với những mâu thuẫn của gia đình. Tôi lại nhớ tới anh chàng Will trong Me before you, khi anh hướng đôi mắt ra xa và kể cho cô bạn gái đeo tất ong nghệ về Paris, về những chân trời mà ta cần đi tới… «Nhưng chẳng việc gì phải đi xa đến thế. Tôi nhớ lại những cuộc dạo chơi ban đêm của mình. Với tôi, Montmartre chính là Tây Tạng.»

«Quãng mười giờ, khi chúng ta đi xuôi Champs-Elysées,
Anh tự hỏi, không biết có bao giờ trời chịu tối không?
Hay đó lại chẳng phải là một đêm trắng như ở Nga hay các nước phương Bắc?
Ta bước đi vô định, ta có cả đêm ở trước mặt.
Vẫn còn lại những ráng mặt trời, trên các vòm tường phố Rivoli.
Đây là đầu hè, ta sẽ sớm đi khỏi.
Đi đâu?
Ta còn chưa biết được,
Có lẽ là Majorque hoặc Mexico.
Có lẽ là London hay Rome.
Những nơi chốn không còn chút quan trọng nào nữa…»

Tôi lại tiếp tục trích dẫn đấy, vì không kìm lòng được. Bởi vì bản dịch quá nuột, để chất thơ trong văn chương của Modiano hiển hiện lấp lánh, đến mức cứ đọc vào là thấy. Với cuốn sách này, ta cũng chẳng cần ưu tư nhiều. Cứ như là chàng Gil đi lạc, cứ như là chàng Will đang cố gắng quyết định ý nghĩa cuộc đời mình và cứ như nàng Edith Piaf đang cố thử vận may… ở đâu đó, tại Paris.

Một cuốn sách nhẹ nhàng, lôi kéo tôi đi tới cùng với Patrick Modiano. Đúng đang khi tôi cần một định nghĩa gọn nhẹ cho La Bohème thì tôi đã tìm thấy nó trong tập truyện mỏng này. Đúng khi tôi đang cảm thấy chông chênh, như lâu lâu bị một cơn dông Sài Gòn đưa đẩy, thì tôi cũng như cô gái vì đọc sách mà thấy chính mình trong đó. Đúng khi tôi đang nhìn những cuốn sách bên mình và ngẫm nghĩ, thì Ở quán cafe của tuổi trẻ lạc lối lại dẫn tôi về miền kí ức những quán cafe sách tuyệt đẹp ở Lyon, những thiên đường đầy sách mà tôi ít khi dám lui tới, vì chẳng bao giờ nhận mình dám đọc văn chương Pháp một cách tử tế. Và lại những ý nghĩ về một tiệm sách tươm tất trong mơ ươm lên trong đầu tôi…

Tôi không chắc, những người trẻ cầm cuốn sách này lên, với ý đồ tìm được một lối đi qua những lối mình đang lạc, liệu rồi có thể tìm thấy đường sau khi gấp lại trang cuối cùng hay không? Nhưng ở cuộc đời này, liệu ta có dừng sự lạc đường và tìm lối đi ở một thời điểm cố định được hay không? Hay cuộc đời vẫn luôn là một hành trình không có đường đi cụ thể, bắt ta phải loay hoay lạc lối mỗi ngày? Và liệu quá trình tìm và lạc ấy cứ diễn đi diễn lại liên tục là vì ý gì? Tôi xin trích nốt một đoạn để kết thúc: Sau vài ngày, vẫn không ngừng đọc, ông ta nói với tôi một câu, luôn luôn vẫn là câu ấy: «Sao, cô đã tìm được hạnh phúc cho mình chưa ? ».

Leave a Reply