dau-tranh-nu-quyen

Nữ quyền và bất bình đẳng xã hội

Hôm nay là 8/3 và khoảng gần 1 tuần nữa thì lại có kì thi Delf B2. Nếu như các bạn không ôn thi hoặc chưa tìm hiểu gì về kì thi Delf B2 thì hai sự kiện này không có gì liên quan nhau. Nhưng trên thực tế là có. Và chính vì sự liên quan đó mà mình mở máy lên để viết bài này. Không phải để lên tiếng bình luận cho các quan điểm đưa ra về ngày 8/3 cũng không phải lên tiếng bình luận cho các ý kiến và bài báo, phát ngôn về nữ quyền. Mình viết bài này dưới góc độ phân tích các đề nói Delf B2 thường đề cập tới vấn đề bình đẳng giới như một chủ đề phải có và nêu ra một số đặc trưng theo cách tiếp cận của người Pháp với vấn đề này.

Một điều lưu ý là: Tới đầu thế kỉ 18, phụ nữ vẫn bị coi là người chưa thành niên, về mặt pháp lý họ phải phụ thuộc chồng. Điều luật cho phép phụ nữ làm hành chính được mặc quần đi làm chỉ mới được cải cách cách đây không lâu. Quy định thay đổi danh xưng Mademoiselle thành Madame (để tránh phân biệt tình trạng hôn nhân ở phụ nữ) chỉ mới có cách đây gần chục năm.

phong-trao-nu-quyen

Xã hội lấy người nữ làm trọng tâm

Rất dễ để tìm hiểu lại lịch sử của ngày Quốc tế Phụ nữ hay còn gọi là Ngày Phụ nữ vùng lên. Ngày 8/3 không phải là ngày để tặng hoa, tặng quà, để mời nhau đi ăn hay làm những việc gì đó để cho thấy phụ nữ là người hạnh phúc, phụ nữ đáng được quan tâm.

Nếu các bạn chưa bao giờ đọc về ngày 8/3 thì có thể mở wikipedia sau đó chúng ta nói tiếp.

Quyền lợi của phụ nữ được đề cập tới bởi một nhà báo và được cụ thể hoá hơn trong một số phong trào triết học, văn học. Bản thân, nữ quyền là một cuộc đấu tranh tư tưởng của chính phụ nữ và cho phụ nữ trước khi nó trở thành sự kiện hoặc thành hiện vật, hiện tượng như ngày nay. Các hệ thống xã hội trên thế giới nói chung đều xuất phát từ chế độ Mẫu hệ. Chúng ta có thể hiểu đơn giản, gà mẹ đẻ ra con, ai được sinh ra thì người đó phải nghe lời. Bất kì người đàn ông nào trong xã hội cũng đều được sinh ra bởi một người phụ nữ: Sống hay chết là do sự nhân từ của người phụ nữ đó quyết định.

Các tác phẩm văn học cổ đại, dù mang tính truyền miệng hoặc có nhiều yếu tố huyễn hoặc, kì ảo, vẫn là những chứng từ có giá trị nhất về xã hội nguyên thuỷ của loài người. Đa số những tác phẩm mà chúng ta đọc qua đều nhấn mạnh tới vai trò cội nguồn, sinh sản, bảo bọc, dưỡng dục của người nữ. Mặc định trong tư tưởng, chúng ta luôn coi người phụ nữ có vai trò quan trọng hơn người nam. Chúng ta nói Mẹ Trái Đất, Mẹ Thiên nhiên. Kể cả thần Nữ Oa, chỉ luyện đá vá trời làm mẹ của chúng sinh cũng là người nữ. Chúng ta có thể dựa vào quan sát về mặt sinh học để nói về phụ nữ. Nhưng tại sao, người xưa không nghĩ tới chuyện một nam thần biến đá thành vật. Một nam thần đẻ ra một nam thần khác để thoát li tính loài người. Tại sao thần phải có yếu tố giống người là hình thái Mẫu tử?

Xã hội thay đổi nhưng vai trò của phụ nữ không được chuyển hoá, tiến hoá

Sau đó, quá trình phát triển lao động, chính trị, xã hội, dân cư đòi hỏi nhiều yếu tố kĩ năng, kĩ thuật mà người nam nhạy bén hơn. Dần dần, phụ nữ trong xã hội mẫu hệ đã nhượng quyền cho nam giới để họ thực hiện các chức năng xã hội. Phụ nữ lui mình về vai trò chính yếu là chăm sóc con cái, lo nhu yếu phẩm, lương thực, nấu nướng, may vá. Chúng ta thấy đó cũng là một quá trình phân chia rất bình đẳng. Đàn ông săn bắt – đàn bà hái lượm, đàn ông dạy kĩ năng cho con – đàn bà dạy con nên người, đàn ông sản xuất – đàn bà buôn bán… Quá trình cân bằng tự nhiên không qua bất kì một thoả hiệp, thoả thuận chính thức nào cứ thế tiếp tục một cách bình thường cho tới khi các vấn đề bất bình đẳng xuất hiện. Xã hội mới với nhiều yếu tố phức tạp khiến mọi thoả thuận bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau.

Một số thoả thuận cũ không được làm mới, vô tình trở thành cái ách nặng nề cho phụ nữ.

Đặc biệt là dưới thời phong kiến, kéo dài hàng ngàn năm, phụ nữ gần như đã hoàn toàn bị đặt dưới đàn ông. Họ không được làm vua, hoặc hiếm lắm trong lịch sử mới có một, hai vị hoàng hậu nhiếp chính hoặc một, hai nữ hoàng. Xã hội phong kiến dần gầy dựng các cơ chế phức tạp hơn và giúp con người cảnh tỉnh mình toàn bộ, tự ý thức mình làm chủ Trái Đất, dần tự loại bỏ các thế lực siêu nhiên và quyền trên mình để bảo vệ cho quyền lực tối thượng. Nếu vua không tìm cách làm quân chủ thì nhân dân sẽ vì danh nghĩa của các vị thần hoặc Chúa mà trừng phạt hoặc làm phản. Cùng với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, con người một khi khẳng định vị thế chủ đạo của mình hơn thì cũng lần lượt quên đi những ý tưởng sâu xa, mà nay đã thành cũ rích, lạc hậu và cần phải chối bỏ phòng trừ hậu hoạ như chuyện Mẹ Thiên nhiên và các nữ thần.

Các Tôn giáo ra đời từ khoảng Công nguyên, được luật pháp và xã hội thừa nhận như tôn giáo chính thức của các dân tộc loại bỏ các tà thần hoặc tín ngưỡng ngoại lai hoặc mang quá nhiều yếu tố thần bí (mà đồng thời cũng thờ thần nữ khá nhiều). Hoặc bản chất của Tôn giáo cũng không phân biệt giới tính nhưng vì được hình thành và củng cố dưới các xã hội hoàn toàn thoát li tính mẫu hệ, do người nam làm chủ; vì vậy, tính nam quyền cũng thể hiện hết sức rõ rệt.

Hầu như tất cả những lập luận trên đều dựa vào một số chi tiết để xây dựng và không ít nhiều mang yếu tố phỏng đoán. Nếu chúng ta đặt vấn đề chứng minh tuyệt đối thì hẳn nhiên không có số liệu và tư liệu chính xác. Cái gì tồn tại và xảy ra thì cũng đã rồi. Lịch sử không thể viết lại, phụ nữ cũng không chọn được cho mình một con đường khác để viết lại xã hội Mẫu hệ mà họ có từ thuở ban sơ.

Nữ quyền và Nhân quyền

Tuy nhiên, trong xã hội pháp quyền hiện đại, chúng ta lại liên hệ Nữ quyền với Nhân quyền hay Quyền con người. Dù hai thuật ngữ Droit humain (nhân quyền) và Droit de l’Homme (quyền con người) có sự khác biệt tương đối. Nhân quyền liên quan tới các vấn đề về phẩm giá và vị trí đặc biệt của con người trong xã hội (vượt trên yếu tố vật chất và các đối tượng / cá thể sống khác). Còn quyền con người có thể tạm hiểu là những khả năng, thuộc tính vốn dĩ được gán cho con người, liên quan đến sinh tồn tự nhiên và phát triển toàn diện. Ngày nay, Nhân quyền thường đi cùng với khái niệm «Tội ác chiến tranh, diệt chủng». Còn quyền con người thường đi cùng với khái niệm «Bình đẳng, Tự do, nhân thân – giới tính».

Tuyên ngôn về Quyền con người sau Cách mạng Tư sản Pháp là một bản văn cụ thể, ghi nhận các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, sở hữu… Trên thực tế, đây cũng chỉ là một bản văn mang giá trị lịch sử, biểu tượng hơn là một văn bản pháp luật mang tính cưỡng chế với các quy định cụ thể. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bản văn này không có giá trị. Hơn thế, Toà án Nhân quyền (chính xác hơn là Toà án về Quyền con người) – Cour de droit de l’Homme với Hiến chương Nhân quyền (Convention des droits de l’Homme) cũng như nhiều bản văn có giá trị pháp lí cao trong các xã hội phương Tây đều chịu ảnh hưởng ít nhiều từ Tuyên ngôn 1789 của Pháp.

Vấn đề như chúng ta đã nói từ trước, xã hội thay đổi với những thoả ước công bằng không được củng cố hay xem xét lại. Luật pháp ra đời không đồng nghĩa với việc văn hoá, truyền thống và tư tưởng được cách tân hoàn toàn. Các bản văn này chỉ dừng lại ở việc tạo ra một tiền đề pháp lí vững chắc cho các cuộc đấu tranh vì quyền về sau mà chúng ta thấy rõ đã tạo nên sự đột phá như Bình đẳng giới, Công nhận các giới tính khác, Đấu tranh chống Bài Do Thái, Đấu tranh chống phân biệt chủng tộc Aparthai (Apartheid).

Đấu tranh cho phụ nữ tương đối giống với đấu tranh bình đẳng giới, là một khái niệm sinh sau đẻ muộn, chỉ chính thức từ khoảng 10 năm trước ngày 8 tháng 3 năm 1977. Chúng ta có thể thấy, từ 1789, một cột mốc chính thức tại Pháp cho tới ngày đầu tiên có sự kiện là 1977. Và chủ nghĩa Apartheid thì chính thức đánh dấu chấm hết vào năm 1994 trên toàn thế giới, hay như Hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính đều vẫn đang là những cuộc đấu tranh chưa đến hồi kết. Và tất cả đang tựu chung ở một đặc điểm, đó là một quyền làm người trọn vẹn vẫn tiếp tục cần được tìm kiếm và khẳng định.

Nữ quyền phát triển ra ngoài khuôn khổ những tiêu chí nhất định

Chúng ta thấy rằng, xã hội hiện đại dù đã đặt ra các tiêu chuẩn pháp luật mang tính bắt buộc, có cưỡng chế để bảo vệ cho bình đẳng và quyền làm người được thừa nhận thì không có nghĩa là xã hội có thể ngưng đấu tranh đòi những quyền hợp pháp. Lí do vì sao? Xã hội thừa nhận một quy chuẩn, không có nghĩa là các cá nhân đã được trang bị cho mình đầy đủ quyền lợi đó.

Quyền là một khái niệm, không mang hình dạng như vật chất. Quyền làm người và quyền làm phụ nữ lại còn hơn thế, so với những định chế cụ thể như quyền sở hữu. Với quyền sở hữu, tôi xác nhận thông qua giấy tờ, thông qua vật thể mà anh nắm giữ hoặc qua quá trình tạo thành vật thể. Còn với quyền làm người, quyền làm phụ nữ (vì tôi sinh ra trong hình hài và cấu trúc sinh học là phụ nữ) chỉ khác biệt với nam giới ở giới tính trên khai sinh, ngoài ra, không có bất kì định chế nào khác xác lập như thế nào gọi là quyền làm người nữ và quyền làm người nam.

Mà trên thực tế, chúng ta chỉ có quyền làm người, chúng ta không cần phân biệt giới tính. Để khẳng định được điều này, cộng đồng LGBT đã đấu tranh theo hướng phi giới tính, chính xác hơn là chọn không thuộc về một trong hai giới tính hoặc được tự do thuộc về một trong hai giới tính. Tuy nhiên, phụ nữ không vượt ra ngoài phạm vi giới tính. Nữ quyền trước hết được cụ thể hoá bằng các quyền bình đẳng khác như lao động, chăm sóc sức khoẻ, hôn nhân và chia đều các trách nhiệm.

Định kiến với những hành động vượt rào

Tuy nhiên, có hàng ngàn cách vượt rào để sự bình đẳng hợp thức hoá trên giấy tờ và luật pháp không thể thực thi toàn vẹn trong thực tế. Ngoài vấn đề truyền thống và tư tưởng ăn sâu vào xã hội, với sự phân chia nam nữ, giới tính từ sinh học cho tới chức năng cho tới hành vi, sở thích.

Thời đại đa nguyên hướng tới việc phá bỏ các rào cản, gồm cả rào cản về giới tính và các giới hạn khác. Tuy nhiên, kéo theo đó là những câu hỏi về đạo đức, truyền thống, thiện – trí – chân – mỹ học. Chúng ta có thể lấy một vài ví dụ về bình đẳng trong Tôn giáo (phụ nữ không được giữ một số chức sắc trong Tôn giáo) hoặc phong trào «National No Bra Day» – ngày 13 tháng 10. Hoặc từ hình tượng Marianne trong Lịch sử văn hoá Pháp, phụ nữ Pháp có xu hướng dùng hình thể để thể hiện ý chí phản kháng. Cũng cùng hình tượng đó với phong trào nữ quyền FEMEN khởi phát từ Ukraina. Năm 2013, có 8 người phụ nữ để ngực trần tiến vào nhà thờ Đức Bà để đánh dấu sự kiện Pháp thông qua luật hôn nhân đồng giới. Sự kiện này có đáng được gọi là một sự kiện lịch sử hay không? Chúng ta sẽ chờ thời gian trả lời. Ở thời điểm đó, đại đa số đều phản đối và chắc hẳn không ít phụ nữ hoặc không phải phụ nữ đến hiện tại vẫn coi đây là một hành động lố lăng của mấy bà Tây rảnh rỗi sinh nông nổi.

Tuy chúng ta đã thừa nhận tự do, nhưng chúng ta cũng đính kèm các giới hạn. Chúng ta thừa nhận phẩm giá, quyền bày tỏ của phụ nữ nhưng chúng ta cũng đi kèm với các giới hạn. Ở đây, hẳn là những người phụ nữ đấu tranh với tư tưởng vượt thời sẽ nói: «Bạn đốt cờ, tôi bỏ áo, bạn lên tiếng trước thất bại của Nhà nước, tôi muốn bỏ đi định kiến giới tính. Chúng ta đều đấu tranh cho lý tưởng. Chúng ta có gì khác nhau?»

Từ ví dụ này, chúng ta cũng thấy rằng, phụ nữ đang đấu tranh với quá nhiều định kiến mà giới khác lẫn chính giới tính của họ đặt lên trên chính họ. Chúng ta luôn đặt vấn đề rằng, nữ quyền được Simone de Beauvoir bảo vệ và tuyên truyền, nữ quyền được hình tượng trong văn học hay dưới ngòi bút như một tư tưởng diễn đạt trên giấy, liệu rằng có thể được hiện thực hoá toàn diện bằng hành động và thực tiễn hay không? Liệu rằng có quá hoang tưởng, quá thiếu thực tế, quá lãng mạn hay không? Liệu sau quá trình đấu tranh giành nữ quyền đó, xã hội có phải đặt lại câu hỏi về những rào cản mà đồng thời cũng là lề lối đạo đức, truyền thống tốt đẹp phụ nữ các thế hệ trước đã xây dựng nên hay không?

Quay lại trường hợp của Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng anh hùng – bất khuất – trung hậu – đảm đang, cả đời vì nước vì non, vì con vì chồng. Phụ nữ ngày nay, không vì mình thì trời chu đất diệt. Là phụ nữ hãy yêu thương chính mình trước. Liệu rằng, phụ nữ có thể thoát khỏi những ám ảnh định kiến, hay tự nhận thức được khi nào thì mình đang đi trên một chặng đường cách mạng hợp pháp, hợp lẽ, thức thời. Khi nào thì họ đang quá sa đà, lố lăng?

Phụ nữ và những nhãn mác gọi là quyền nhưng không thực sự dành cho phụ nữ

Chúng ta thấy, trong thời hiện đại, phụ nữ ngoài những quyền làm người cơ bản còn những quyền được quảng cáo, truyền thông, thương mại, marketing tạo ra như quyền xinh đẹp, quyền hạnh phúc… Và chủ yếu, gắn với quyền không phải là một giá trị pháp lí thực tiễn dành cho tất cả phụ nữ, mà chủ yếu dành cho người có tiền hoặc là người có tiềm năng là người tiêu dùng: “Bạn có quyền xinh đẹp bằng cách phẫu thuật thẩm mỹ, cải thiện vóc dáng. Bạn có quyền hạnh phúc bằng việc đi spa, mua túi xách, đi shopping.” Ngày 8/3 hay ngày 20/10 thường được bóp méo bằng những thông điệp sực mùi thương mại như ngày mua hoa, mua quà cho phụ nữ. Phụ nữ hạnh phúc là phải có quà. Phụ nữ tự chủ là phụ nữ biết tự mua quà cho bản thân.

Đây mà là nữ quyền ư? Không! Đây là bắt phụ nữ xài tiền. Đây là vật chất hoá các giá trị con người mà luật pháp hay nền tảng xã hội công nhận.

Chung quy lại, phụ nữ nếu không là món hàng thì lại là đối tượng để kiếm tiền, để bán hàng hoặc để kích cầu (vì tạo ra thị trường ảo cho phụ nữ hoặc đàn ông có dịp dùng tiền). Những thông điệp như thế này, vừa tốt mà vừa không tốt, đặc biệt nếu chúng ta nhìn nhận rằng: “Miếng bánh của thị trường mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp, sản phẩm chống lão hoá, ngành hoa, ngành thời trang, trang sức và ti tỉ đồ có thể bán cho phụ nữ khác trong những ngày đặc biệt này thật béo bở.”

Tiếng nói của những người thực sự là phái yếu

Như vậy, phong trào nữ quyền hiện nay, được nhìn nhận nghiêm túc nhất trước hết là liên quan đến các vấn đề nhân quyền, quyền làm người. Đó là cuộc đấu tranh tại nước phát triển lẫn nước đang phát triển cũng như các quốc gia nghèo vì rất nhiều sự phân biệt ngầm đối với phụ nữ. Trong lĩnh vực lao động, chúng ta có nguyên tắc bình đẳng, nhưng trên thực tế, công việc có thể ưu tiên nam/ nữ giới. Người tuyển dụng có thể không hỏi những câu trực tiếp liên quan đến tình trạng hôn nhân hoặc tình trạng sinh nở/ con cái, tuy nhiên, có vô vàn cách để lách luật. Chủ doanh nghiệp có thể vẫn nhận nhân viên nam, nữ vào làm việc nhưng trong chiến lược và tổ chức có hàng ti tỉ cách để đối đãi không công bằng giữa hai giới mà trong đa số các trường hợp, kể cả có nhiều phụ nữ lên tiếng thì tiếng nói ấy cũng rất ít được lắng nghe, hoặc cũng nhanh chóng chìm xuồng vì không đưa ra được chứng cứ xác đáng. Phụ nữ không đủ công cụ để bảo vệ mình. Họ chỉ có luật pháp làm bình phong.

Với một số câu hỏi pháp lí, dù các nước phát triển, cũng không đi đến cách giải quyết toàn vẹn và công bằng cho phụ nữ như xâm phạm tình dục, hiếp dâm, mại dâm. Đó là những vấn đề mà lên tiếng thôi chưa đủ. Rào cản của áp lực dư luận, áp lực tâm lý, tấn công đe doạ về mặt tâm lý, chỉ trích xã hội thậm chí còn là một trở lực rất lớn để nạn nhân có thể lên tiếng cho chính mình… Hoặc vấn đề bằng chứng, điều tra, thủ tục bất cập… Còn ở các nước nghèo, nước đang phát triển, tình trạng bóc lột lao động, nhân công rẻ mạt và khinh thường phụ nữ ở một số nước vẫn chưa có giải pháp thoả đáng.

Ở các nước tiên tiến và Việt Nam cũng đã bắt đầu những bước đầu tiên, chúng ta nói tới quyền thai sản vì phụ nữ, quyền điều hành doanh nghiệp, quyền tham gia vào những lĩnh vực của nam giới. Có thể khởi đầu từ các dự án hỗ trợ, ủng hộ, khuyến khích. Kể cả trong những vấn đề này, kể cả khi phụ nữ đã thành công và họ lên tiếng, thường vẫn không tránh khỏi nhận được những cái phủi tay của đàn ông và cười chê của đàn bà.

Phụ nữ cần nhiều sự tự tin, nhiều bản lĩnh và phải cố gắng nhiều hơn nam giới ở bất kì lĩnh vực nào để họ cảm thấy được nhìn nhận. Chỉ có một sự nỗ lực đã đạt được thành quả rõ rệt, đó là trường học. Khi nam nữ cùng học, nữ vẫn có thể giỏi hơn nam. Thực tế có minh chứng. Nhưng ngoài xã hội, chúng ta chưa thực sự có một thành quả đáng kể nào và câu hỏi luôn chặn đầu ở đó là: «Tại sao phụ nữ phải nỗ lực như vậy làm gì? Tại sao phụ nữ phải làm trong khi họ có thể nhường lại công việc cho đàn ông?»

Nữ quyền và quá trình đấu tranh cho những cái KHÔNG

Không chồng, không con, không khổ, không nghèo, không xấu, không áp lực, không bếp núc và ngày «National No Bra Day». Phụ nữ đang làm nữ quyền với những cái được gán mác cho họ. Nhưng đây cũng không phải là cái nhìn toàn cục về nữ quyền. Phụ nữ tại sao phải lấy chồng? Họ có quyền sống độc thân và tận hưởng cuộc sống độc thân.

Phụ nữ tại sao PHẢI bếp núc? Họ có quyền không biết nấu nước và làm việc để người khác vào bếp thay mình. Cũng như việc, đàn ông làm bánh, nấu ăn, nội trợ chẳng có gì sai. Ai giỏi việc gì, ai thích việc gì, ai làm tốt việc gì thì chúng ta hãy nhận phần việc đó. Để có hiệu suất tối đa, đam mê đích thực và hạnh phúc về phần mình.

Phụ nữ tại sao PHẢI đẹp? Chính xác hơn là phải đẹp theo một số định kiến xã hội gán cho họ. Họ có quyền không trang điểm, họ có quyền hài lòng với những đặc điểm khác thường trên cơ thể mình thay vì những khuôn khổ ước lệ về đường cong, mày ngài, môi dày, mũi cao. Họ có quyền được yêu cơ thể mình như nó vốn có. Đồng thời, nếu họ thấy mình yêu thích trang điểm, sửa soạn cũng không việc gì phải cấm họ làm điều đó. Tuy nhiên, sẽ không phải là: «Bạn không tô son, không mặc váy là không tôn trọng người nhìn. Bạn không đeo túi, không đi giày cao gót là một phụ nữ chỉ có cái tên không có phần nhận diện.»

Lại một lần nữa, chúng ta thấy phụ nữ lại chật vật với những cái mác quyền mới mà xã hội tiêu thụ đang tiếp tục dựng lên cho họ.

Cuối cùng, phụ nữ lại đang tự phủ định chính mình, tự cười chê, chế giễu với chính cộng đồng giới tính của mình, đang chờ đàn ông học được cách tôn trọng phụ nữ, đang không thực sự nhìn nhận vấn đề nữ quyền.

Lại một ngày 8/3 nữa đến rồi đi. Và chúng ta lại vẫn tiếp tục cãi nhau về việc 8/3 đẻ ra để làm gì? Nữ quyền để mà làm gì? Rồi sau đó, chúng ta lại vẫn cứ sống tiếp, người đấu tranh tiếp tục đấu tranh, người phản đối hoặc người biết tự hài lòng tiếp tục từ chối hoặc không lên tiếng.

Ước gì, cả xã hội đều là đàn ông thì đã không có những cuộc tranh cãi miệng bà Hà Đông thế này.

Kết cho vấn đề nữ quyền

Nữ quyền, nếu chúng ta nhìn nhận thực sự nghiêm túc, chúng ta sẽ luôn thấy những người để đấu tranh cho họ. Nhưng có thể, chúng ta đang an phận, chúng ta cũng đang thua chính sức mạnh bạo lực và tiếng nói ngoài kia hoặc nguỵ biện để «nữ quyền» mãi nằm trong ngoặc kép. Cách đây không lâu, dưới một bài chia sẻ về cuộc sống hôn nhân trắc trở của hoa hậu Thu Hoài, bị chồng đánh đập, có rất nhiều chia sẻ khác ở phần bình luận (trên facebook), chắc chắn là điều thật, mọi người thoải mái và gần như dõng dạc kể về mười mấy năm chịu trận với ông chồng vũ phu, với cái nghĩa vì con, lo cho con. Hay như khoảng 1 năm trước đây, trong khu mình ở, có một chị gái qua đời vì ung thư máu mà chính xác là do chồng đánh đập nhiều năm liền (người ngoài không cản nổi), vì hắn quá vũ phu man rợ. Những trường hợp như thế, không phải nhan nhản nhưng kể không thiếu.

Vậy thì, sẽ phải có cách gì đó, để chúng ta hoàn toàn đồng ý với nhau rằng nữ quyền thực sự đáng được đấu tranh, trước hết là trong những trường hợp thương tâm như vậy.

Bổ sung: Lưu ý khi đọc đề nói Delf B2 về chủ đề bình đẳng giới

Ngoài vấn đề nữ quyền đã được phân tích sâu trong bài viết này với mục đích tham khảo và giúp các bạn có một cái nhìn toàn diện về vấn đề, chúng ta cần lưu ý một số điểm như sau khi làm phân tích đề Delf B2:

  • Bài nói DELF B2 được phát triển ý dựa trên những kiến thức và hiểu biết bạn đã tích luỹ và nhớ được khi đã ngồi trong phòng thi. Vì vậy, hệ thống hoá và tự phát triển cho mình hướng suy luận chung là điều kiện cần. Không phải học thuộc kiến thức phức tạp về nhiều mặt như học thuộc lòng môn lịch sử và nhân chủng học hay luật học.
  • Xem thêm: Hướng dẫn chuẩn bị cho phần thi nói B1
  • Vấn đề bình đẳng giới hay nữ quyền được đề cập dưới nhiều góc độ khác nhau như đã phân tích trong bài viết trên. Vì vậy, khi đọc đề, các bạn phải nắm được định hướng cụ thể của đề nói đó là gì. Tránh lan man, dài dòng, nói chung chung về vấn đề mà không giải quyết được cốt lõi chi tiết.
  • Nữ quyền – quyền làm người của phụ nữ, không có nghĩa là chỉ có những người đã lập gia đình, có con cái hay đã qua 25, 30 tuổi (theo một tiêu chuẩn nào đó). Bình đẳng giới được đề cập từ các khía cạnh dân số, chênh lệch tỉ suất sinh của trẻ nam/ trẻ nữ, các điều kiện chăm sóc thể chất và phát triển trí tuệ cho trẻ nam/ trẻ nữ, hay tiếp cận giáo dục của cả hai giới, định kiến xã hội dành cho mỗi giới v.v… Vì vậy, không nên đóng khung vấn đề bình đẳng giới chỉ với phụ nữ và đàn ông trưởng thành hoặc chỉ nằm trong một độ tuổi nhất định.
  • Mặt khác, tuỳ theo nhóm tuổi và điều kiện kinh tế, học thức, xã hội, vùng miền… chúng ta còn thấy các vấn đề bất bình đẳng khác ngoài bình đẳng giới (là vấn đề dễ nhận biết nhất). Logic chung là đánh giá lại sự cân bằng của hai bên. Sau đó, tìm ra nguyên nhân gây mất cân bằng. Cuối cùng, dựa trên tình huống và căn cứ lập luận để đưa ra giải pháp phù hợp.

Nếu cảm thấy bài viết này có ích cho việc ôn thi B2, C1 của các bạn, thì các bạn có thể donate một chút nhỏ để duy trì hosting cho blog qua ví momo: 0947.2299.21. Cám ơn các bạn đã đọc và ủng hộ.

Leave a Reply