luyen-doc-tieng-phap

Đọc báo gì để giỏi tiếng Pháp (từ A2 đến C2)

Sau một thời gian dài vừa soạn tài liệu vừa giảng dạy trên các tài liệu thực (ở đây là báo chí) qua nhiều trình độ và đối soát với các đề thi mẫu lẫn đề thi Delf, Dalf thực tế; mình tổng hợp lại ở đây một số nguồn học liệu các bạn có thể tham khảo cho từng trình độ. Và trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một chút về khái niệm truyền thông và báo chí ở Pháp nhé!

Báo chí nói chung được gọi là PRESSE. Nhân đây nhắc luôn có một tờ báo khá dễ đọc là La Presse của Canada (đuôi website là .ca). Bạn nào khoảng B1+ lên B2 đọc rất ổn. Không quá đánh đố như báo Pháp, nội dung chi tiết và đa dạng, cũng rất tương thích với các dạng đề thi phổ biến. Đặc biệt phù hợp cho bạn nào học từ tiếng Anh sang.  

Lưu ý: Trong cuốn Học đi thôi – Đọc hiểu (xem chi tiết), các bạn có phần phân tích và các mẫu bài báo thường được khai thác làm đề đọc và nói cho các trình độ Delf B1, Delf B2.

Báo chí Pháp – Phương tiện bày tỏ ý kiến (quyền tự do ngôn luận) hơn là công cụ thông tin

Trên thực tế, khi nhắc tới báo Pháp chúng ta không chỉ có Le Monde, Le Figaro chung chung. Báo chí Pháp cũng như ở Việt Nam với đa dạng nhật báo, tuần báo, tạp chí và ngày nay thì còn có sự cạnh tranh lấn lướt của các trang thông tin online (có thể có gốc từ một tờ báo hoặc không).

Đa số, các tờ báo truyền thống ở Pháp hiện nay đều có phiên bản online. Phiên bản online thường giới hạn số bài đọc, hoặc có một số bài được để dưới dạng public (công khai), hoặc bản rút gọn. Nếu độc giả có nhu cầu, thì có thể trả gói đăng kí hằng tháng hoặc hằng năm.

Báo chí ở Pháp, tính tới nay đã có gần 4 thế kỉ phát triển. Lịch sử báo chí ở Pháp thì khá phức tạp vì nó gắn với các phong trào vận động tư tưởng. Vào thời kì đổi mới, báo chí là công cụ vận động – truyền tin của các chí sĩ trong các đảng phái với nhau. Chúng ta cũng hình dung một điều là tổ chức xã hội phong kiến ở Pháp theo lối phân quyền, không tập trung. Quản lí luật pháp hay hành chính xã hội vào thời xưa, thời chưa có công nghệ và truyền tin viễn thông như hiện nay, công cụ truyền tin, từ các sắc lệnh của vua, các thông báo chính trị, tin tức cũng được coi như là ý tưởng thai nghén để có báo chí ra đời về sau. Từ trong tiềm thức, báo chí ở các nước phương Tây nói chung và ở Pháp nói riêng, báo chí (hay ngày nay còn phải kể thêm truyền thông đa phương tiện) là một thế lực ngang ngửa các quyền hành của nhà nước.

Thái độ với báo chí

bao-chi-Phap
Cliché của nước Pháp đây!

Tuy nhiên, nói thì nói thế, bản thân người Pháp khá cảnh giác với truyền thông và họ cũng tỏ ra là ta đây già đời (mà thực tế là họ già đời thật). Nên báo chí Pháp không có sức ảnh hưởng quá lấn lướt hoặc tiến tới việc được xem như là một nhánh quyền lực thứ tư và bị kiểm soát rất nghiêm ngặt như ở Đức. Một ông nhà báo ăn cơm toà soạn hưởng lộc từ săn ảnh đời tư của các ngôi sao thì khó có cửa mà sống ở Pháp. Nghề báo tính ra vẫn có một vị thế đặc biệt với người Pháp. Vẫn có một giá trị cao quý ở các xã hội phương Tây và giữ các chuẩn mực khắt khe. Nếu nói không ngoa, muốn làm một nhà báo thành danh ở Pháp thì không chỉ là một tấm bằng cử nhân, vì một tấm bằng cử nhân ít mà đáp ứng cho công việc nào đó hơn mức lương cơ bản ở Pháp. Nhà báo Pháp hầu như đều phải đầu tư học vị khá nhiều, từ học triết, học xã hội học, học tâm lý học hoặc luật hoặc chính trị.

Không ngạc nhiên nếu có một bạn trẻ Pháp học luật hay học chính trị để đi làm nhà báo. Cái cảm giác tiếng nói cũng như quan điểm xã hội – kinh tế – chính trị của mình được đóng góp cho công luận và được công chúng lắng nghe chắc là sự thôi thúc vô cùng lớn đối với người làm báo ở Pháp và đem lại cho họ sự tự tin nhất định.

Chúng ta cũng phải hiểu lí do sâu xa cho việc này đến từ nội dung mà người Pháp quan tâm nhiều nhất khi họ xem báo chí, truyền hình. Không phải tin tức giải trí, showbiz. Họ chỉ quan tâm tới chính trị và các scandal chính trị. Nếu bạn nào đã xem serie Lupin trên Netflix thì sẽ ngấm kiểu báo chính trị phức tạp ở Pháp. Còn những tin tức lá cải thì đừng nói là người già mà thanh niên Pháp cũng sẽ dè bỉu vì đó là một thứ lãng phí thời gian. Thanh niên Pháp thì siêng năng tới độ bên Venezuela đang có đảo chính, ông nào thay ông nào họ cũng chăm chỉ cập nhật, kể cả là không phải dân học chính trị.

Các tờ báo hàng đầu ở Pháp và văn hoá tranh luận đặc trưng

Trong số các tờ báo nổi tiếng nhất hiện nay ở Pháp thì Le Monde có độ phủ sóng ra nước ngoài cao nhất. Mà không biết lí do có phải là nhờ các cô gái Paris lên ảnh chanh sả có kèm tờ báo theo lối chữ gô-tích xuất hiện nhiều trong các tạp chí, tranh ảnh thời trang quá không? Nhưng có thể thấy, từ cái tên Le Monde (Thế giới), tờ báo này là một kênh quốc tế hàng đầu ở Pháp và có xu hướng quốc tế hoá sớm.

Tờ Le Figaro cũng thường khá nhanh nhạy trong việc dẫn các tin mới, nóng hổi. Thực tế là Le Figaro có lượng độc giả cao hơn chút đỉnh. Dù không thể sánh với báo hàn lâm cho giới thành thị là Le Parisien. Cái này là quan sát cá nhân thôi, mình thấy các trang thông tin hoặc một số người làm truyền thông, báo chí nước ngoài (có cả Việt Nam) khi dẫn tin về nước Pháp thường lấy nguồn Le Figaro. Trên thực tế, Le Figaro là tờ nhật báo lâu đời nhất của nước Pháp, đã phát hành từ tháng 1 năm 1826. Phong cách châm biếm đặc trưng là một trong những điểm tạo ra sức gắn kết vô hình giữa người Pháp và tờ nhật báo này.

tai-lieu-luyen-doc-tieng-phap0
Nữ diễn viên Léa Seydoux giấu mặt bằng tờ báo Le Monde.

Tuy nhiên, trong lịch sử, tờ Le Figaro đã được Nhà nước mua lại để tránh xu hướng đã kích chính trị đang ngày một đi quá giới hạn. Phong trào do tờ La Caricature khởi xướng. Đây là một tờ báo chính chuyên về châm biếm như Charlie Hebdo sau này. Ngày nay, Le Figaro thuộc Hiệp hội Báo chí Pháp mà chủ tịch của Hội cũng đồng thời là một Thượng nghị sĩ (tức một chính trị gia có vai vế). Le Figaro cũng mở rộng được lượng độc giả của mình nhờ một tờ (không biết nên gọi là Phụ San hay là nhật báo chuyên đề) đó là tờ Madame Figaro. Tờ Madame Figaro có thể xem là một tiếng nói nữ quyền khá mạnh mẽ, chắc chắn là có vị thế hơn hẳn các tạp chí thời trang, làm đẹp đã có nhiều phiên bản ở các quốc gia khác.

Bản thân Le Figaro có nghĩa là «le fils de Caron» theo như giải thích về nhân vật Figaro của Beaumarchais. Nhân vật này được mô tả một cách rất có cảm tình trong mắt nhìn của công chúng Pháp thời đó. Cách gọi «Figaro-ci, Figaro-là» cũng giống như tiếng rao «Báo đây! Báo đây!» khá là thân thương. Đây là một đoạn trích wikipedia về nhân vật Figaro, đại diện cho thời kì Cách mạng tư sản Pháp.

Personnage du peuple sévillan, vif, sentimental, enthousiaste, insolent, il est depuis sa création, il y a plus de deux cents ans, un héros populaire et sympathique, voire pathétique et dramatique. Il arrive souvent trop tard pour empêcher l’irréparable, mais il est le témoin et le catalyseur de toute l’histoire — « Figaro-ci, Figaro-là » —. Il est l’amoureux, l’entremetteur, le discoureur, le serviteur virevoltant, mais aussi le nigaud maladroit, le cabotin provocateur et finalement le valet résigné. Il fut annonciateur des thèmes de la Révolution française.

Wikipedia

Nếu nói về độ nặng đô thì Le ParisienLe Point là hai tờ báo khó chịu nhất. Le Parisien theo một lối hành văn trang trọng, mà cũng có thể coi là sến rện, diêm dúa như mấy ông quý tộc thời xưa. Kể cả lời trẻ con mà được trích dẫn trên Le Parisien thì nó cũng bỗng dưng trở thành văn vẻ như một chính trị gia và gây lú đối với người nước ngoài nếu họ đọc được. Hiện tại thì tờ Le Parisien đang thuộc sở hữu của tập đoàn LVMH, công ty mẹ của Louis Vuitton đó, thông tin thêm cho bạn nào tò mò. Le Parisien được LVMH mua lại vào năm 2015 với giá 50 triệu euros. Tập đoàn này cũng đã sở hữu trong tay một tờ báo khác là Les Echos (khiêm tốn hơn trong ngành báo nhưng vẫn trong top 10 như đồ thị ở dưới). Đúng là giàu rồi mà truyền thông cũng khoẻ không thua ai!

bao-chi-o-Phap
Biểu đồ phản ánh số ấn bản phát hành của các tờ nhật báo tại Pháp.

Bản thân các tờ báo không hoàn toàn trung lập. Người Pháp họ lại sành sõi kĩ lưỡng luôn chuyện tờ báo nào theo thiên hướng chính trị nào. Dù anh có biện bạch thì tôi cũng soi ra được con sâu lông mà anh đang giấu dưới màu lá xanh hoà bình trung trinh đó. Trên thực tế, Le Point thì hẳn là một tờ theo hướng cực hữu (theo chủ nghĩa dân tộc và bài trừ ngoại lai khá cực đoan). Bên cạnh La Croix hay L’Humanité từ cái tên đã nói lên khuynh hướng thiên tả (xu hướng ủng hộ các chính sách mở cửa). Le Figaro được xếp vào nhóm các tờ báo thiên hữu, nên tính bản địa của nó đôi khi mang tính dằn mặt với những ai loe ngoe tìm báo Pháp để đọc.

Những năm gần đây, báo chí Pháp trở nên lép vế dưới áp lực cạnh tranh từ báo mạng, từ truyền thông online, từ facebook và marketing kiểu Mỹ. Sâu xa hơn, báo chí bị giảm sức hút do xu hướng xa lánh truyền thông tin tức kiểu bình phong và dắt mũi. Không hiểu sao người Pháp họ cứ cực đoan mọi thứ như thế? Ngày xưa thì lại vì tò mò quá mà bắt đầu ra những số báo đầu tiên kể về chuyện du ngoại đó đây ở trên thế giới còn bây giờ, người Pháp, cũng như người dân mọi nước khác, không tránh khỏi xu hướng thay báo bằng mạng.

Các tờ báo và ông chủ (báo cáo năm 2014 – Nguồn: Franceinfo)

Tất nhiên, vẫn còn đó giá trị tin tức, chiến luận, phân tích… nhưng không hẳn còn duy trì được vị trí thượng phong. Bù lại, đối với người nước ngoài như chúng ta thì báo là nguồn tiếp cận từ vựng, ngôn ngữ Pháp giá trị nhất và rẻ nhất rồi.

Tại sao nên đọc báo Pháp đều đặn?

Việc tìm hiểu báo chí Pháp quan trọng vì một số lí do

  • Phương tiện học ngôn ngữ giá rẻ
  • Nguồn để học hỏi cách diễn đạt linh hoạt
  • Tiếp cận được với văn hoá tranh luận và phản biện kiểu Pháp
  • Biết thêm thực tế, thời sự và cuộc sống ở Pháp, chuẩn bị cho cuộc sống du học, làm việc về sau
  • Công cụ rèn luyện tư duy hệ thống, trình bày thông tin khoa học (nếu bạn biết chọn đúng bài báo để đọc)
  • Các đề đọc/ nói hiện tại trong khuôn khổ Delf/ Dalf đều lấy nguồn từ các trang báo, chính xác hơn là các bài báo được đăng tải công khai, ở công cộng (trên các website). Nếu chịu khó hoặc có trí nhớ tốt một chút thì hoàn toàn có thể tìm được trên google bài mình vừa thi xong.

Tuy nhiên, quan trọng là mỗi tờ báo sẽ theo một xu hướng khác nhau. Có tờ tập trung vào thông tin và cập nhật thời sự, có tờ tập trung vào thể hiện quan điểm chính trị, có tờ mang tính tương tác cao, có tờ thì lại thuộc dạng truyền đạt kiến thức hàn lâm, rất khó tiếp thu.

Trình độ Delf A2 nên đọc gì?

Đối với A2 thì để đọc được một bài báo là việc hơi quá sức. Khi mà khả năng nhận diện câu từ còn rất hạn chế. Lời khuyên cho trình độ này là các bạn hãy chuyển sang đọc các truyện ngắn dành cho trẻ em. Hoặc các cuốn sách hướng dẫn cơ bản, có nội dung tóm lược và chủ yếu là dành cho trẻ con ở Pháp. Đầu sách Petit Nicolas là một lựa chọn khá hợp lí.

Các bạn có thể đọc online trên Le Blog du Petit Nicolas

https://www.blogpetitnicolas.com/?page_id=128

Với trình độ này, mức độ tập trung vào cấu trúc câu là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, kết hợp đọc hiểu và kĩ năng nghe cũng rất cần thiết. Nó sẽ giúp các bạn cải thiện kỹ năng nghe nhiều hơn và cực kì có ích nếu học tiếp các trình độ nâng cao B1, B2.

Phải lưu ý một điều rằng, với đọc, viết, các bạn có thể nhảy cóc các trình độ, riêng đối với nghe thì nhảy cóc là nhảy vào hư không. Một khi đã không nghe được thì có nạp thêm bao nhiêu bài dài, khó, hay cũng là không nghe được! Vì vậy, các bạn hãy cân nhắc hướng tiếp cận cho hợp lí để có thể tận dụng được nền tảng của bản thân tốt hơn, nếu muốn học lên các trình độ cao hơn.

Podcast về nội dung bài tập thực hành cho mỗi trình độ và gợi ý các đầu sách khác để thực hành:

Trình độ Delf B1 nên đọc gì?

Với Delf B1 hoặc cho cả trường hợp của các bạn nhỏ ôn Delf Junior thì có rất nhiều lựa chọn hợp lí, lí thú và dễ tiếp cận. Thông tin không nhàm chán, không bị đóng khung trong các vấn đề phức tạp, nhưng cũng không bị gắn mác trẻ con. Các tờ báo online mà các bạn có thể tìm hiểu đó là mục Le blog của OKAPI. Các nội dung khác của báo phải đặt mua bản giấy, không có phân phối online.

Tờ thứ hai, cũng có nội dung rất sinh động và vô cùng có ích cho các bạn đang luyện tập cách lập luận cơ bản như yêu cầu của bài viết, bài nói (phần 3) của Delf B1 đó là tờ Geo ADO mục ACTU. Nói thêm, nguyên bản GEO là một tờ tạp chí địa lí có rất nhiều serie khám phá, phỏng vấn, phóng sự về văn hoá và các vùng đất rất tuyệt vời. Nếu ở Pháp và đang chán nản vì confinement thì mình gợi ý các bạn đặt báo GEO về đọc, giá cũng phải chăng mà lượng kiến thức thu về thì phong phú, trải nghiệm thì hơn hẳn kiểu đi du lịch hời hợt chụp vài bức ảnh rồi sau đó chẳng biết gì về nơi mình đã đi qua.

Tờ thứ 3 và thứ 4 phù hợp cho bạn nào có định học tiếp tiếng Pháp sau khi có Delf B1, hoặc đi du học hoặc là để cải thiện vốn tiếng Pháp theo hướng nâng cao hơn; hoặc dành cho các bạn học sinh hệ Song ngữ (chương trình Bilingue) hoặc học ở các trường Quốc tế – Cấp 2 trở lên. Đó là tờ Phostphore với mục Actu và Podcast, chuyên mục này thường có audio khoảng 2,3 phút nhưng tốc độ nói nhanh, ngang tầm tốc độ của bài nghe Delf B2/ TCF B2. Các chủ đề của tờ báo này cũng người lớn hơn như hướng nghiệp, học đường, dự án của học sinh – sinh viên, ôn tập để thi tốt nghiệp lớp 12 (gọi tắt là thi BAC) v.v…

Cuối cùng là tờ 1jour1actu rất nổi tiếng vì được phủ sóng dày đặc trên các diễn đàn học tiếng Pháp mấy năm gần đây. 1jour1actu nổi lên từ youtube, thiên về giải thích và truyền tải kiến thức văn hoá – xã hội – lịch sử không phải là dạng xã luận hay thông tin phức tạp như đòi hỏi của Delf B2. Hiện tại, các nội dung đều được đăng tải trên trang web với video, bài báo kèm minh hoạ sinh động dưới dạng infographic và podcast rất hấp dẫn. Chỉ có duy nhất một điều, clip của 1jour1actu và bộ 1jour1question thì nói khá là nhanh. Các bạn tầm trình độ Delf B1 mà nghe thì sẽ hơi chới với. Nên tập trung vào bài đọc để cải thiện từ vựng trước nhé!

Các bạn có thể tham khảo một số bài nghe đã được làm thêm phần từ vựng và chuyển nghĩa tiếng Việt. Đây là một dự án làm từ năm 2018 của Vitirouge.

Ngoài ra, nếu liên quan tới chủ đề Đại học và việc làm thì các bạn có thể đọc một số nguồn tương đối nhẹ nhàng như STUDY DRAMA.

Đặc điểm của bài nghe Delf B1 thường có nội dung phỏng vấn một nhân vật nào đó. Nếu xét phỏng vấn đơn giản, có cấu trúc bài ngắn và tập trung vào chủ đề lao động – việc làm thì blog của một số trường khá có ích. Ở đây mình trích dẫn mục BLOG của Hệ thống trường ISG tại Pháp. Tất nhiên, các bạn hoàn toàn có thể chủ động tìm các nguồn tương tự, ra tới blog của tổ chức hoặc doanh nghiệp thì tuỳ vào nhu cầu cá nhân và hướng tiếp cận nghề nghiệp của các bạn để lựa chọn.

Có một nguồn báo khá hay cho trình độ Delf B1 nữa là tờ Le Nouvel Observateur (Người quan sát mới) mà tên rút gọn là Le Nouvel Obs và tờ L’express. Tờ Le Nouvel Obs này là tờ đi đầu trong việc xây dựng một hệ thống học tiếng Pháp dễ tiếp cận với các công cụ chia động từ Conjugaison và Học ngữ pháp theo trình độ rất ổn. Sau này các ông lớn đều có app và website để hỗ trợ người học nhưng phong cách như sensagent của tờ Le Parisien thì chỉ hợp cho ai đang muốn học từ B2 lên C1. Le Monde có phát hành thêm cả app trên điện thoại, chỉ miễn phí một phần nhỏ, còn muốn dùng bản đầy đủ thì các bạn vui lòng trả phí. Cũng đáng đồng tiền bát gạo nhưng cũng hơi nhột túi một chút nếu các bạn chưa tự tin.

Trình độ Delf B2 thì đọc gì?

Ở trình độ Delf B2, nếu khả năng đọc chưa tốt, vốn từ giới hạn và hơi bị áp lực với những bài báo có đầu đề là 4min (nhưng thực tế là người nước ngoài mà muốn đọc nhanh cũng mất tầm 12 đến 16 phút). Vậy thì lời khuyên là các bạn nên bổ sung vốn từ và làm quen lại với các đầu báo dành cho trình độ B1 trước. Đừng nhảy cóc khi chân yếu! Vì nếu không cải thiện sức bền và khả năng chịu đựng của đôi chân thì nhảy vào các trình độ cao chỉ khiến ai đó dễ bị què hơn mà thôi.

Một số tờ nhẹ nhàng cho người mới học, ở ngưỡng chuyển tiếp Delf B1 và Delf B2 là các tờ etudiant của các báo lớn như Le Figaro étudiant, nhánh M Campus của tờ Le MondeLe Parisien Etudiant

Theo quan sát của mình thì đề thi những năm gần đây hay lấy nguồn từ Le Figaro, nếu tổng quan đề thi đợt nào đó hơi khó. Từ đề đọc cho tới đề nói. Một số đề ví dụ tham khảo thì được dẫn nguồn từ báo địa phương, khá nhẹ độ so với đề thi. Hoặc tờ La Croix. Le Monde cũng là một tờ nên đọc ở khoảng nâng cấp từ Delf B2 lên Dalf C1 đặc biệt là ở mảng chuyên đề. Tuy nhiên, tờ này cũng không phải là lựa chọn duy nhất của người ra đề. Khi các bạn tìm bài trên tờ báo này cũng hơi hên xui, do phần lớn các bài báo đề cập tới các xu hướng trên thế giới, về chính trị và xu hướng kinh tế, ít khớp với nội dung phổ biến của bài thi. Tuy nhiên từ vựng, độ khó và sức hút diễn đạt trong các bài báo vẫn đủ sức lôi kéo các độc giả.

MỞ NGOẶC (KHÓA HỌC VIẾT B2) CHO BẠN NÀO ĐANG CẦN – KÉO DÀI 3 THÁNG

Khóa học Viết theo hình thức sửa bài cá nhân dành cho B2 (kèm video bài giảng 10 buổi – khoảng 25 giờ phân tích đề và các lý thuyết đi kèm) – Số lượng bài viết nộp trong khóa, ngoài bài tập nhỏ để thực hành kỹ năng: 8 bài. Các bạn có thể đăng ký học bất kì lúc nào, với điều kiện đầu vào là điểm thi B1 khoảng 45 điểm đổ lên, hoặc đã học tầm 9 tháng tiếng Pháp, hiểu và làm được bài viết A2, B1.

Thực tế, với Delf B2 mà đọc Le Monde thì hay gặp vấn đề bài nào hay thì thường dài, dài quá so với mức độ yêu cầu của B2. Bài ngắn thì chưa đủ sức gây khó dễ hoặc đôi khi không tập trung theo hướng nghị luận. Tuy nhiên, phải khẳng định lại là các bài chuyên đề (độ dài tầm 8min – 8 phút đọc của người Pháp và khoảng 30 phút với người nước ngoài) là những bài rất tốt cho ai muốn luyện hành văn và đọc trình độ Dalf C1.

Sau vụ tấn công vào năm 2015, tờ báo châm biếm đặc sệt Pháp Charlie Hebdo trở nên nổi tiếng hơn trên thế giới.

Ôn đọc hiểu và luyện tổng hợp kiểu Dalf C1 – C2 thì đọc gì?

Như đề cập ở trên, với trình độ Dalf C1 thì tiếp cận với các bài editorial (bài của tổng biên tập mỗi số báo) của Le Monde là một lựa chọn, tiếp đó là các bài báo chuyên đề. Tuy nhiên những bài này cũng hơi khó tìm, thường thì trong quá trình tìm bài đọc cho các bạn học sinh, mình phải theo gợi ý bài báo liên quan. Nhưng để chi tiết lại xem mục nào trên Le Monde mới có bài dài và phù hợp cho trình độ C1 thì cũng hơi ngẫu nhiên một chút.  

Ngoài ra, tuỳ thuộc vào các chủ đề mà bạn ôn tập trước kì thi là gì, hãy tìm đọc những bài có độ dài khoảng 5 trang word đổ lên. Thường thì đó là các hồ sơ tổng hợp của các tổ chức, xuất bản dưới dạng file pdf. Hoặc có thể là báo cáo (rapport), hoặc có thể là các bài viết khoa học được xuất bản trên thư viện mở BOOK OPEN EDITION.

Mình đặc biệt thích hai nguồn The Huffington PostHarvard Business Review France khi dạy và sửa các đề thuộc nhóm xã hội, kinh tế. Khó nhưng chất! Đọc một bài là đủ nền tảng để đọc và làm các dạng đề tương tự, không phải học đi học lại. Các nguồn này thì hoàn toàn đủ cho bạn nào muốn lên đến trình độ Dalf C2. Lưu ý một điều là với Dalf C2 thì không còn khó về phương pháp hay các kiến thức nền như từ vựng, ngữ pháp, cú pháp nữa. Quan trọng là khả năng diễn đạt một cách tự nhiên như người Pháp. Các bạn hình dung, C1 thì tôi nghe được, đọc được gần bằng người Pháp (khoảng 80%). Lên C2 thì tôi nói được và viết được gần bằng người Pháp (khoảng 80%). Tất nhiên là vẫn trong một số phạm vi chủ đề nhất định thôi!

Cuối cùng, nếu quan tâm, các bạn hãy đọc bài giới thiệu chi tiết này về Chương trình học ngành Báo chí tại Pháp (không có bản dịch) của tờ Le Figaro étudiant.

Leave a Reply