Review ngắn cho người không thích đọc dài
Đọc để bớt hoang mang về thế giới.
Cuốn sách này giống như một bài báo dài, một tiểu mục trong cuốn Bách khoa thư về thế giới hiện đại. Cuốn sách cho bạn biết, các công ty thời đại 4.0 kiếm tiền như thế nào. Từ một, hai năm nay, mình bắt đầu hiểu ra 1 chân lí vô cùng giản đơn mà cô bán bánh mì ngoài chợ biết và áp dụng từ bao nhiêu năm nay. Bán 1 ổ bánh lời được vài ngàn đồng thì có xây được nhà 3 tầng không? Thưa là xây được. Không cần thiết phải kiếm mười mấy triệu một tháng/ trả một lần lương, để rồi không thoát được kiếp ở nhà thuê. Và các công ty công nghệ còn hiểu chân lí ấy một cách tuyệt đỉnh hơn, họ chỉ nhận 1, 2 xu (cũng như tờ 200 đồng mà chúng ta chê mỗi khi vào siêu thị tính tiền). Đó là câu chuyện của google cách đây gần 2 thập niên.
Hiện tại, Big Data không khác nào quy trình xử lí rác thành phân hữu cơ, đồ tái chế… Tất cả những thứ không có giá trị như 1 cái post xả stress trên facebook, 1 nút like trong hàng triệu lượt like, một cú click vào bài hát lúc bạn mở máy tính… Tất cả những thứ mà hàng chục năm trước, người ta không hiểu cất để làm gì… Ngày nay, các công ty công nghệ đã biến nó thành mỏ vàng.
Cuốn sách này có thể khiến chúng ta hoang mang vì một xã hội đang tự động hóa từ những điều tưởng chừng như rất con người, rất cảm quan. Ví dụ như bài hát bạn yêu thích. Liệu vài chục năm nữa người ta còn cảm xúc với Adèle không? Hay chỉ cần giọng hát điện tử qua xử lí autotune có thể cân hết tất? Cuốn sách này có thể khiến chúng ta choáng ngợp vì mức độ phát triển của công nghệ 4.0. Nhưng cũng là một cuốn sách khiến chúng ta biết cách nhìn thế giới hơn, thấy được sức mạnh của những thứ vô tri, vô dụng.
Thế giới hiện đại dạy chúng ta một tư duy tưởng mới mà không mới: tìm ra giá trị của tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta, quan sát kĩ lưỡng và kiên trì. Phát kiến nằm ở những thứ vi mô như thế đấy. Bạn không cần phải đi Alaska mới đào được vàng, sang tận Nam Phi mới khai thác được kim cương. Hãy kiên trì bới đống rác nhà bạn. Thử xem xem!
Review dài, có spoiled chút ít
Một, hai năm gần đây, thuật ngữ BIG DATA càng ngày càng được nhắc nhiều trên báo chí. Trên thực tế, BIG DATA gần như là một xu hướng cải cách của các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp hiện tại. Nghề nghiệp liên quan đến dữ liệu trở nên hot. Gã khổng lồ lao tới, gây hoang mang bằng sức mạnh vô biên và nhiều mối đe doạ đối với con người hiện đại: xâm phạm thông tin cá nhân, đánh cắp việc làm?
BIG DATA – dữ liệu lớn của Bernard Marr là một cuốn sách khá hay, vừa tổng quát vừa chia tiết cho những ai tò mò về một khái niệm đầy chất công nghệ này. Không quá học thuật nhưng cũng mô tả tương đối cụ thể và vạch ra được cho một chủ doanh nghiệp, một nhà quản lí hoặc một người chuyên về xử lí dữ liệu một con đường được lắp biển chỉ dẫn, phương hướng, kẻ vạch… Có thể, sau khi đọc xong, chúng ta sẽ nhìn ra mình là ai, mình đang sống trong một thế giới như thế nào và hơn nữa… chính là mình cũng có một vai trò không ít quan trọng trong thế giới đó.
Một chút thông tin về tác giả: Bernard Marr là một tác giả chuyên về các công cụ hiện đại trong kinh doanh, kinh tế. Ông là người sáng lập Marr & Co, là một diễn giả, chuyên gia – cố vấn kinh tế cho nhiều tập đoàn lớn trên thế giới và nhiều quốc gia. Ông từng được mạng xã hội nghề nghiệp linkedIn xếp vào nhóm 5 người có ảnh hưởng lớn nhất trên mạng này trong lĩnh vực kinh doanh (business), là tác giả của nhiều cuốn sách bán chạy xếp ở top đầu trên Amazon, cũng là một cây bút khá thường trực của nhiều tờ báo lớn về kinh doanh – công nghệ (có thể nói như thế). Nếu muốn biết thêm về blockchain (dưới góc nhìn kinh tế), các chỉ số “sống” của một doanh nghiệp, big data… thì các bạn có thể tìm các bài báo, video clip và các đầu sách khác của ông.
Thực ra, dữ liệu không phải là một khái niệm gì đó quá mới mẻ, xa lạ đối với các doanh nghiệp. Một kho chứa đơn từ, hoá đơn, hồ sơ nhân viên, thông tin khách hàng, hợp đồng… đó chính là dữ liệu. Tường thuật về một cuộc gọi phản hồi của khách, hỏi đáp với khách hàng về chất lượng dịch vụ, các sự cố đối với sản phẩm – dịch vụ đã được giải quyết trong ngày, tháng, năm xyz… đều là dữ liệu – data. Vậy thì dữ liệu, tại sao còn phải gán thêm chữ LỚN? (Xin mở ngoặc thêm rằng, ngoài BIG DATA, chúng ta còn một khái niệm khác là SMALL DATA. Vậy thì có dữ liệu không lớn, không nhỏ không nhỉ? Normal data chăng?)
Cuốn sách khởi đầu với một nhịp điệu nhanh, dồn dập, đầy ắp thông tin và số liệu vô cùng ấn tượng. Có cảm giác như chúng ta vừa được lướt qua một bản tổng kết kinh tế của một năm đầy biến động (không cần biết theo nghĩa nào), đọc tới đâu là há hốc miệng tới đó.
Nếu chưa từng một lần google về BIG DATA thì màn dạo đầu này thực sự thực sự toàn những sự kiện gây sửng sốt. Wow, trong khi tôi còn ngồi chờ xếp hàng ở bệnh viện để thăm khám sức vì dạo này ho hen miết, ở đâu đó, (chắc là nước Mỹ), người ta đã triển khai một dịch vụ y tế 4.0, có thể tự động dự báo tình hình sức khoẻ trước khi người dùng đến trước cổng bệnh viện. Trong khi tôi còn đang google map đường từ nhà ra siêu thị thì một nhóm chuyên viên nào đó đã thực hiện được một chiến dịch giải cứu bằng cách nhờ dữ liệu để vẽ bản đồ. Wow, toàn những chuyện… như phim!
Làm thế nào những chuyện đó có thể xảy ra? Câu trả lời là nhờ dữ liệu, nhưng với một khối lượng cực kì lớn, kết hợp phương pháp phân tích, dự đoán, một chút điên rồ trong định hướng, hàng loạt công cụ thu thập tinh vi và công cụ xử lí thuật toán tốc độ cao đã khiến những chuyện tưởng như phim trở thành hiện thực.
Kỉ nguyên của BIG DATA có lẽ đã được bắt đầu từ ngày từ khoá tìm kiếm đầu tiên được gõ lên google. Thư điện tử đã trở nên phổ biến từ rất lâu trước đó, nhưng gmail mới chính thức được coi như bưu tá thu góp thông tin khách hàng chăm chỉ nhất. Tiếp theo đó là facebook, amazon và hàng loạt, hàng loạt những tên tuổi khác đã xoay chuyển ngành dữ liệu học biến dữ liệu vốn im ngủ trong một cái kho phủ bụi thành mỏ vàng.
Tác giả lấy rất nhiều ví dụ cũng như đã mô tả một cách một cách sơ lược, đơn giản cách thức dữ liệu được thu gom (theo kiểu mới), đóng gói, phân loại và xử lí. Dữ liệu thay vì là giấy tờ kí tá, những cuộc trao đổi thực có thông tin rõ ràng, được mở rộng ra cả hành vi của con người: bao nhiêu cú click chuột, bao nhiêu giây cho một tít báo… Những “kẻ thu gom cần mẫn” sẽ khiến bạn phải khó chịu thực sự khi có cảm giác như có một bóng ma đang rình rập theo dõi hòng chớp hết những gì bạn xoè ra, không chỉ là tiền, không chỉ là tài sản đắt giá, đồ ăn đồ uống mà còn cả những cảm thán và cảm xúc của bạn:
Bạn đói bụng ư? Bạn đang muốn ăn món gì? Bạn đang bực mình vì không được đi xem phim? Bạn thất tình? Bạn cần mua quà cho gấu? Bạn có tin được không? Các cô chú lao công và anh chị nhân viên chăm sóc khách hàng “đang rình rập” sẽ lướt được hết, không bỏ qua một cọng chỉ cảm xúc nào của các bạn đâu.
Tích cực mà nói, BIG DATA đóng góp cho rất nhiều cải tiến lớn đối với dịch vụ và tiêu dùng. Người tiêu dùng được thoả mãn nhiều hơn, dễ tìm được sản phẩm vừa ý mình hơn, thậm chí là có vẻ như nhà sản xuất còn đoán trước được điều mà người tiêu dùng đang mong muốn. BIG DATA còn đóng góp nhiều cho y học về thăm khám và phòng bệnh. Các bạn hãy để ý: PHÒNG NGỪA chứ không chỉ là chữa trị nữa. Với niềm tin rằng xã hội tương lai sẽ mạnh khoẻ hơn, ít bệnh tật hơn.
Nhưng tiêu cực là gì? BIG DATA khiến các doanh nghiệp cũng phải mệt mỏi để cải cách. Thờ ơ với nguồn dữ liệu vô biên kia, doanh nghiệp có thể dậm chân tại chỗ, nhanh chóng bị bỏ lại phía sau và phá sản vào một ngày trời không giông bão nào đó. BIG DATA khiến con người cảm giác bị công nghệ bủa vây, bị những chiếc máy thu âm, thu hình dòm ngó. Nếu nhà thơ xé lòng mình viết thơ tình kiếm sống thì ngày nay, BIG DATA còn làm được hơn thế nhiều, nhìn vào những lợi ích kinh tế khủng khiếp mà nó mang lại.
Cuốn sách có nhắc tới rằng, bây giờ, BIG DATA có thể giúp Lady Gaga phát hành “hit” mà không cần “thở” ra một chút cảm xúc, cảm hứng sáng tác nghệ thuật nào. Đến cả nghệ thuật cũng trở thành cuộc chơi cho những gã “giỏi đào bới”, không cần biết Mozart là ai, không cần biết phách nhịp, giai điệu là gì.
BIG DATA đến và mang theo hai mối đe doạ lớn nhất, đó là công cuộc đào thải lao động truyền thống và sự chọc nguấy tới sự riêng tư của mỗi người trong xã hội. Có lẽ, dù muốn dù không, con người cũng phải chấp nhận cuộc Cách mạng Công nghệ đang diễn ra này, không còn là Công nghiệp (vừa to vừa nặng, ì ạch), tốc độ lan truyền của thông tin nhanh và khó lường hơn (vì nó vô hình).
Luật pháp và lao động cũng cần phải thay đổi để sớm ứng phó và dần thiết lập những chuẩn mực mới cho xã hội tương lai.