Những lầm tưởng khi luyện nghe tiếng Pháp (p.3)

Có thể giữa một ma trận lời khuyên trên internet, các bạn sẽ nghĩ rằng muốn nghe tốt tiếng Pháp thì cứ nghe nhiều là được, hoặc chỉ cần nghe thụ động là được… Nhưng sau 2 bài viết đầu tiên, chúng ta đã rút ra được một số kinh nghiệm để việc luyện tập của mình có hiệu quả hơn.

Xin ngàn lần lưu ý với các bạn rằng: Ngoại ngữ là kết quả của việc luyện tập thường xuyên. Mỗi khoá học cấp tốc chỉ cung cấp cho các bạn kĩ thuật hoặc phương pháp. Hoặc thay vì rải ra học trong thời gian dài thì các bạn dồn lại để học trong thời gian ngắn. Sau khi kết thúc, lượng kiến thức và kĩ năng mà các bạn thu được sẽ tiêu hao dần. Bên cạnh đó, dù mới đầu thì nghe quen tai, nhưng có thể, dần dà, tiếng Pháp lại dần lạ tai với các bạn. Thật quá đáng tiếc!

Với việc học tiếng Pháp, chúng ta cũng có thể áp dụng nguyên tắc 10 000 giờ (muốn học được một kĩ năng hoặc chuyên môn nào đó, cần phải đủ 10 000 giờ). Như vậy, chúng ta có thể tính theo kiểu 10 000 cho ngoại ngữ tiếng Pháp gồm 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, tức là cần 2500 giờ cho việc nghe. Hoặc là 10 000 giờ cho việc luyện nghe tiếng Pháp. Tuỳ các bạn cân nhắc, mà 2500 hay 10 000 giờ đều là con số khá đồ sộ đúng không?

Nói đến đây, chúng ta sẽ bàn thêm một lầm tưởng nữa về việc luyện nghe (lầm tưởng số 5), đó là không có một thời khoá biểu luyện nghe hợp lí, đều đặn. Liên quan tới chuyện nghe để hiểu, sau khi nói về sai lầm trong việc cố gắng nghe cho được từng từ, từng chữ ở phần 1, chúng ta sẽ nói tiếp một vấn đề liên quan khác, đó là: HIỂU bài nghe bằng theo dịch nghĩa của từ vựng (lầm tưởng số 6).

 

5. Nghe tuỳ hứng, cao hứng thì nghe quá nhiều, mất hứng thì bỏ bê qua bữa

SAI. Nhìn chung việc học cũng như việc ăn. Không dưng mà cần phải ăn đúng bữa, ăn điều độ. No quá cũng mệt, đói quá thì tất nhiên là quá mệt rồi. Con người chúng ta cũng không phải lạc đà hay gấu Bắc cực để mà ăn để dành, uống để dành được. Học nghe cũng thế. Không biết các bạn như thế nào, chứ mình cũng từng rơi vào tình trạng sau khi nghe quá nhiều tiếng Pháp thì bị mệt và buồn ngủ mấy ngày trời. Đầu óc thì ngao ngán tới độ chỉ muốn bật nhạc, bật ti-vi nói tiếng Việt lên cho bớt nặng đầu. Đặc biệt là sau những ngày học liên tục 8, 9 tiếng liền ở trường; nghe tiếng Pháp đến độ đầu óc lảng bảng; nằm ngủ cũng nghe thấy tiếng Pháp văng vẳng bên tai.

ĐÚNG. Đối với việc nghe tuỳ hứng thì chắc là nó chỉ đúng khi bạn muốn đổi gió, muốn tìm nguồn giải trí, có thể là sau một ngày dài mệt mỏi muốn tìm phim hài để xem, tìm nhạc để nghe, tìm vlog để coi giải trí… các bạn có thể tìm tới nguồn nghe tiếng Pháp. Nhưng nếu nghe mà không hiểu gì thì cũng hơi chán nhỉ?

Ngoài ra, thì trong trường hợp bạn không có mục tiêu cụ thể, chỉ thích thì học, học cho vui, nghe cho biết… thì chắc chắn rồi, tại sao phải gò bó mình vào một khuôn khổ nào đó chứ?

Nhưng về lâu về dài thì liệu các bạn có nghĩ là mình sẽ thích nữa không, khi cứ thấy mình giậm chân tại chỗ, biết tiếng Pháp đã lâu mà không có biến chuyển gì.

Có thể bạn muốn đọc lại phần 1: Hai lầm tưởng đầu tiên trong việc luyện nghe tiếng Pháp

GIẢI PHÁP

Một điều tối quan trọng nữa, sau việc nghe thì phải lặp đi lặp lại, đó là: nghe một cách đều đặn. Mỗi ngày có thể 5 phút hay 10 phút hay thậm chí là 30 phút, 60 phút. Tuy nhiên, cần phải nghe đều đặn. Nếu bạn bận rộn, không thư thả thời gian thì hãy lên lịch mỗi ngày 10 phút hoặc 15 phút, có thể là buổi sáng thức dậy, có thể là trong lúc giải lao sau giờ ăn, hoặc có thể là trước khi đi ngủ. Nhưng, nếu đã quyết thì phải làm.

Tốt nhất thì hãy đặt mục tiêu nhỏ nhỏ cho dễ hoàn thành. Ngày đầu tiên thì có thể hào hứng học liên tù tì 3 tiếng đồng hồ đấy. Nhưng biết đâu ngày hôm sau bị deadline dí, về nhà người đã mệt rã rời, bật clip lên chưa được 3 phút thì ngủ quên. Thế thì bao giờ mới ra ngô ra khoai?

Nếu mà 5 phút thì khác, trong hoàn cảnh đó, chúng ta cũng ráng ráng cho xong được.

Học bù 1, 2 lần thì có thể tạm chấp nhận. Nhưng nếu mà tự dễ dãi quá, mỗi tháng 30 ngày, học bù hết 15 ngày… thì các bạn có nghĩ là giám khảo hoặc bài thi nghe sẽ thương tình bù điểm cho bạn hay không?

Nếu bạn mới bắt đầu học tiếng Pháp: có thể xếp lịch học cách ngày hoặc học mỗi ngày. Nếu học cách ngày thì mỗi ngày 15 phút, chia làm 3 lần, mỗi lần nghe 5 phút. Còn nếu học mỗi ngày thì nên chia làm 2 lần hoặc học 1 lần mỗi ngày trong khoảng 10 phút.

Nếu bạn đã học tiếng Pháp được một thời gian: Có thể tăng thời gian học lên, vì độ khó và mức độ dài của bài nghe đã tăng. Có thể kéo dài khoảng 20 đến 30 phút. Nếu học 30 phút thì có thể cách ngày, chia mỗi lần 10 phút đến 15 phút. Còn nếu học 20 phút thì có thể chia nhỏ 10 phút mỗi lần hoặc học liền một lèo 20 phút.

Nếu bạn muốn tiến lên trình độ “giao tiếp độc lập”: thì thời gian nghe phải tăng lên nhiều hơn. Vì nếu trong môi trường bản xứ, ít nhất 2 tiếng mỗi ngày bạn phải nghe tiếng Pháp, chưa nói là nếu đi học ở trường thì học bao nhiêu môn, bao nhiêu tiết đều phải nghe tiếng Pháp hết. Rồi từ trường về nhà thì vào siêu thị, ra trạm metro, trạm bus, gặp hàng xóm, bạn đều nghe tiếng Pháp hết. Vì thế, ít nhất là 1 tiếng đồng hồ mỗi ngày, hoặc 2 tiếng mỗi ngày.

Và bạn cứ so sánh với thực tế đời sống ở Pháp thì 1, 2 tiếng luyện nghe chẳng là gì cả đúng không?

Có thể bạn cũng đang phân vân: Có nên chọn những clip nghe mà tốc độ nói quá nhanh hay không

6. Vừa nghe vừa dịch theo nghĩa của từ đã biết

SAI. Chúng ta cứ lấy một ví dụ tiếng Việt trước cho dễ hình dung, từ CÁ. Nếu con-cá thì đó là động vật còn cá-độ thì đó là hành động, nếu láu-cá thì đó là mô tả tính cách, tính tình của một người. Vậy thì quay trở lại với tiếng Pháp, điều tương tự cũng xảy ra, nếu chúng ta nghe hai âm lepain thì chúng ta biết đó là ổ bánh mì, còn nếu chúng ta nghe hai âm copain thì đó là người bạn thân.

Tiếp tục một ví dụ khác, la-guerre là chiến tranh còn ne-guerre là không gì cả.

Các âm khác nhau ghép lại thì tạo nên nhiều danh từ có nghĩa khác nhau và nếu các từ (mot) khác nhau. nhau kết hợp lại thì có thể tạo ra các cụm từ (locution hay groupe de mots) có ý nghĩa khác

ĐÚNG. Đối với người mới học thì cũng chỉ cần nghe và hiểu theo nghĩa của từ vựng đã biết là đủ. Còn về lâu về dài, để phát triển kĩ năng, thì trước tiên, hiểu theo nghĩa của từng từ đã là một hạn chế, chưa nói đến chuyện phải dựa vào ngữ cảnh để hiểu được những gì mình đang nghe.

Mặt khác, điều này mình nghĩ là cũng chỉ đúng ở khía cạnh là các bạn cần phải trau dồi từ vựng mỗi ngày, biết nhiều từ vựng hơn thì sẽ dễ hiểu bài hơn. Và ở đây, cũng xin nhấn mạnh thêm một điều là: HỌC TỪ VỰNG thì cần học theo bối cảnh, ngữ cảnh cụ thể, đừng quá máy móc học mỗi le pain là bánh mì, la maison là ngôi nhà…

GIẢI PHÁP

Nếu mới bắt đầu học tiếng Pháp: Các bạn có thể tạm bằng lòng với việc hiểu được những từ đơn giản mà mình nghe thấy. Các bạn vẫn có thể học từ vựng bằng từ điển song ngữ (Pháp – Việt hoặc Việt – Pháp, khuyến cáo nên hạn chế dùng loại này đi một chút vì nghĩa dịch từ tiếng Việt sang đôi khi không thực sự tương khớp trong mọi hoàn cảnh). Về lâu về dài, đừng suy nghĩ rằng cứ học tiếp thế này thì chắc cũng tạm ổn.

Nếu bạn đã học tiếng Pháp được một thời gian: Có lẽ, lúc này các bạn cũng đã dần nhận ra các khó khăn khi chuyển lên một trình độ cao hơn. Các bạn sẽ thấy là nhiều khi nghe một, hai từ thì hiểu nhưng sau khi người ta nói hết câu thì mình chẳng nắm được gì. Thế thì, trước hết, có thể các bạn cần xem lại cách mình đang học từ vựng. Các bạn có thể cân nhắc chuyển sang học từ vựng bằng từ điển đơn ngữ hoặc Pháp – Pháp – Việt.

Có thể bạn cũng đang cần biết: Tips học từ vựng tiếng Pháp

Nếu muốn tiến lên trình độ “giao tiếp độc lập”: Khuyến cáo với các bạn là hạn chế học từ vựng bằng từ điển song ngữ (Pháp – Việt hoặc Việt – Pháp chẳng hạn). Các bạn có thể học bằng từ điển Pháp – Pháp – Việt, học bằng từ điển đơn ngữ học bằng các từ điển chuyên môn (từ điển bách khoa, có thể cân nhắc wikipedia tiếng Pháp), hoặc từ điển chuyên dụng (từ đồng nghĩa – synonyme, từ trái nghĩa – antonyme, hướng dẫn cách diễn đạt – expression)… Ngoài từ điển, các bạn nên đọc giải thích nghĩa qua các bài báo. Ví dụ khi google cụm từ: “pourquoi l’adjectif beau pour beau-père” các bạn có thể tìm thấy trong phần kết quả gợi ý trang langue-fr.net, đây là một trang có nhiều bài hướng dẫn từ vựng cho các bạn đọc tham khảo. Hay như thử google “bel ou belle”, các bạn cũng ra hàng loạt trang gợi ý chính tả để hiểu rõ cách dùng của từ này, từ kia.

Leave a Reply