Thien-tai-ben-trai-ke-dien-ben-phai

Review sách “Thiên tài bên trái/ Kẻ điên bên phải”, hiểu cho những người xuất chúng phải chịu cô đơn

Bài này, mình thấy cần phải viết ra cho những người làm Giáo dục Sáng tạo. Và thực sự mong họ quan tâm hơn tới Công trình Giáo dục kì diệu mà họ đang làm. Tuy nhiên lại không phải là để biến nó thành cơ chế như Machine Learning (là cái còn giới hạn hơn khả năng tư duy có hạn nhưng của một số người tạm gọi là đặc biệt hoặc không bình thường)

Sách: THIÊN TÀI BÊN TRÁI, KẺ ĐIÊN BÊN PHẢI

(Cao Minh viết – Thu Hương dịch)

Sách này mua hơn năm rồi mà hôm trước thấy có người kêu hay, sách để đầu bàn, mỗi tuần đọc hai ba trang mới thấy trí tuệ con người phi phàm. Nghe tới đó thì mới lấy ra đọc luôn và hôm qua đọc tới một trang mà đọc xong muốn review ngay, nhưng không hẳn là nói rằng sách này hay và nên đọc.

Đây cũng không hẳn là một bài review, chỉ để trình bày lại một vài khái niệm kì quặc mà mình đang cố gắng hiểu. Ai cân nhắc sách thì có thể đọc một chuỗi lập luận này xong và quyết định. Test này là học từ một ông trong sách, mà mới thực hành lần một nên nói chung có thể hơi kì quặc, hoặc xàm.

Nhưng cốt lõi, hỏi về tính ứng dụng thì cũng có chứ không phải không (cái này sẽ nói cuối cùng), liên quan đến creativity nếu ai quan tâm.

ĐIỀU KIỆN: Đọc tới mỗi chấm thấy đồng ý thì đọc tiếp, còn thấy vô lí hoặc không đồng ý thì dừng lại. Rất tò mò là mọi người sẽ đọc tới chấm thứ mấy sẽ dừng lại. Cách giải thích thì có thể không chính xác tuyệt đối vì khả năng đọc hiểu, liên kết và trải nghiệm của mình chỉ tới đó.

THỂ LOẠI TƯƠNG TỰ: Bay trên tổ chim cúc cu (sách & phim), sách Hình sự ký sự của Đỗ Doãn Hoàng, Máu lạnh của Truman Capote, The Accountant (phim) và những nội dung phim có bàn về tâm lý tội phạm hoặc khả năng đặc biệt của người tự kỉ. Một số phim liên quan khác như Tanet, Inception hoặc phim xuyên không, siêu năng lực, phù thuỷ.

1. Người tự kỉ và khả năng đặc biệt

Người tự kỉ là một người bình thường, nhưng họ cư xử không giống cách người khác định nghĩa về sự bình thường. Chẳng hạn, một ví dụ đơn giản, người 2 tay 2 chân 2 mắt 1 não học được 200 từ vựng tiếng Anh một ngày là có thể, nhưng một người tự kỉ nhớ được 2000 từ vựng sau 1 lần đọc là không bình thường. Người tự kỉ khác người bình thường ở chỗ, năng lực bên trong mạnh hơn năng lực họ thể hiện ra bên ngoài. Thường thì họ bị một rào chắn vật lí như thần kinh vận động yếu, vận động ngôn ngữ yếu. Hiểu đơn giản là họ có sức nói 5000 chữ như một người biết nói, nhưng họ lại không nói được, thành ra họ sẽ dồn hết 5000 chữ cần nói và 5000 suy nghĩ mỗi ngày ở trong đầu. Vận động não của họ thành ra mạnh hơn người bình thường.

2. Không gian 3 chiều hay không gian 4 chiều?

Không gian 3 chiều được xác lập để định vị vị trí một vật, nhưng việc xác định thiếu trục thời gian có thể sẽ khiến cho việc định vị không chính xác (theo nghĩa trực quan, có thể quan sát được). Vì vật có thể biến mất (thành thể khí) hoặc nhìn thấy được (thành thể rắn). Như vậy, quan sát vật lý không kể trục thời gian mà chỉ kể 3 chiều (ngang, dọc, cao) không đủ để xác định sự tồn tại của vật trong không gian.

3. Không gian không có trục thời gian, khiến cho việc định vị một vật bị nhầm lẫn. Tồn tại hay không tồn tại. Chẳng hạn, sao trên trời, đã tan biến cách đây hàng triệu năm, nhưng ánh sáng nó tới mắt người thì đi hàng triệu năm ánh sáng. Vì vậy, ở dưới đất, chúng ta vẫn thấy ngôi sao đó tiếp tục phát sáng. Như vậy, trong khoảng 1 triệu năm để ánh sáng đi từ ngôi sao đó tới mắt ta, ta sẽ không phân biệt được sự tồn tại theo trục thời gian của vật. Vật bị kéo dài, điểm bị biến dạng như con sâu uốn éo nếu vẽ trên trục thời gian.

4. Tưởng tượng dựa trên thực tế hay không?

Câu trả lời là có. Nhưng năng lực nhìn bằng giác quan hoặc bằng con mắt thứ ba của mỗi người khác nhau. Bộ não con người sẽ có vai trò sau. Vì bộ não con người có giới hạn còn không gian thì vô hạn. Tầm nhìn của con người bằng mắt thường khoảng 5, 10m tính bằng m. Còn nếu con người có mắt như kính viễn vọng sẽ nhìn được xa hơn. Và người có khả năng đặc biệt sẽ còn nhìn được xa hơn nữa. Một số người có khả năng nhìn xuyên thời gian, tức là cũng giống như nhìn thấy sao cách trái đất hàng triệu năm ánh sáng như người bình thường. Giải thích về sự tưởng tượng và phát minh như thế nào theo logic này.

5. Tưởng tượng, đặc biệt là trong hội hoạ

Phải từng thấy rồi mới vẽ lại, nét vẽ khác nhau tạo ra các hình thù khác nhau. Hội hoạ là kết quả của sự ghi nhớ và phản ứng của não bộ với một thông tin hình ảnh. Sau đó nó được thể hiện trên giấy. Người có năng lực xử lí hình ảnh tốt (như một cái máy tính mạnh về đồ hoạ) sẽ tạo ra những hình ảnh độc đáo, sống động. Hơn nữa, họ có một khả năng đặc biệt hơn là cắt ghép, liên kết, chồng hoặc xoá nhiều lớp hình lẫn nhau để tạo ra các mô phỏng khác biệt. Năng lực này là kết quả của ghi nhớ, liên kết, phản ứng trong não bộ, một chuỗi phản ứng như các phản ứng thấy được bằng mắt thường khác như muối tan vào nước, axit làm quỳ tím hoá đỏ.

Những khả năng ghi nhớ, chồng lớp và liên tưởng với các đối tượng khác nhau dựa trên các trải nghiệm và ghi nhớ khác nhau. Chẳng hạn, làm nước hoa thì ghi nhớ và tạo hình mùi. Viết văn thì ghi nhớ và tạo hình ngôn ngữ. Âm nhạc thì ghi nhớ và tạo hình âm thanh. Quá trình diễn giải như phân tích ADN này là năng lực đặc biệt của mỗi người. Tự tập được hay không? Giả thiết là được, nhưng phải mò hơi lâu. Vì vậy, thực tế, ai có năng lực sẵn người đó được hưởng.

Theo logic này, chúng ta có thể bác bỏ quan niệm sai lầm về trí tưởng tượng, không thấy, không biết, không nghe, không ngửi, tóm lại, không tiếp xúc bằng giác quan, chắc chắn không có liên tưởng và không có tưởng tượng. Diễn giải đối tượng bằng các cách khác nhau.

Do đó, trẻ nhỏ cần được ưu tiên phát triển tưởng tượng bằng các tiếp xúc môi trường, bao gồm âm thanh, mùi hương, cảm giác (xúc giác), mùi vị và hình ảnh. Đó là cách học để phát triển trí tưởng tượng. Để tưởng tượng tốt cần tập trung, chú ý, quan sát nhiều hoặc nghe, ngửi, chạm, nếm nhiều tuỳ vào năng lực tưởng tượng mà con người muốn phát triển.

Năng lực tưởng tượng thị giác thường dễ hình dung nhất. Năng lực tưởng tượng âm thanh thường có ở các nhạc sĩ nên trong các bản Giao hưởng người ta vẫn giải thích là ông ấy mô tả tiếng khèn chiêng thắng trận, tiếng nước chảy róc rách… Nhưng người không có năng lực tưởng tượng về âm thanh thường không cảm nhận được, do cơ chế tiếp cận khác nhau.

Một ứng dụng cho người viết văn về phát triển trí tưởng tượng dễ áp dụng nhất là viết văn miêu tả. Viết văn miêu tả hay là một nghệ thuật, người viết văn miêu tả hay là một nghệ sĩ. Văn học Á Đông như Trung Hoa, Việt Nam thường dùng phép ước lệ, cách này cản trở lớn tới năng lực tưởng tượng của người viết.

Hãy thử nghĩ xem bạn có từng ở tình huống này: Đọc sách mô tả bông hoa, «cánh hoa trắng mơn mởn, dài ngoẵng». Bạn có hình dung ra được nó là hoa gì hay không? Giả sử đó là bài văn mẫu tả hoa cúc. Nhưng cái bạn nhìn thấy, sau khi tập trung quan sát hoa cúc nó lại khác : «cánh ngắn, tròn bằng nửa đốt tay của một người trưởng thành, phụ nữ, bàn tay vừa, độ dài ngón tay cái chừng 7cm, trên cánh hoa có phấn trắng li ti như bột năng bán ở siêu thị.» Phiên bản miêu tả thứ hai là một diễn giải quá trình phân tích sau khi tập trung quan sát và liên kết các vật thể khác nhau với nhau (đốt ngón tay, độ dài theo hệ mét, thực phẩm bán ở siêu thị).

Việc dùng ngôn từ sao cho hay, cũng không phải là một hệ quả ngẫu nhiên, mà cũng là một quá trình xử lí thông tin về từ vựng mà người có năng lực ngôn ngữ tốt có thể làm nhanh hơn người bình thường. Tốc độ xử lí ngôn từ của họ có thể sánh với một hệ thống dịch thuật được xây dựng trên máy tính, thậm chí tốt hơn. Ai có năng lực này tốt thì làm văn miêu tả càng hay.

Trong một cuốn sách khác, Bí ẩn của não phải, người ta nói trẻ em 3 tháng tuổi còn trong bụng mẹ mà nói chuyện thì nó đều hiểu và tưởng tượng được. Như vậy, có thể đây là ứng dụng của cách phát triển năng lực tưởng tượng bằng thính giác (cái nghe được/ đối tượng của sự tưởng tượng). Tất nhiên là có tác động tới các cơ quan vận động ngôn ngữ của trẻ (về mặt cơ chế).

6. Mối quan hệ đặc biệt giữa tưởng tượng và thị giác, con mắt thứ ba (ở những người có khả năng nhìn xuyên trục thời gian)

Đặt giả thiết, những thiên tài phát minh là những người thực sự có năng lực này. Như Leonard de Vinci, thấy máy bay hay tàu lượn trên trời từ lúc Trung Cổ, ông vẽ ra được bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học, người hình dung ra được chiếc điện thoại smartphone đầu tiên, hoặc việc bàn phím được thay bởi màn hình chạm cảm ứng. Giả thiết tiếp, họ phải nhìn thấy vật này rồi họ mới tái tạo được. Nhưng năng lực nhìn này người bình thường không có nên cũng không xác minh được.

Không gian đa chiều trong một thực thể như ý nghĩ (biểu đạt thành ngôn từ). Sẽ có một tầng vật chất (biểu hiện ra bằng nội dung được nói ra, được nghĩ ra), một tầng liên tưởng (thay đổi nghĩa do cách xử lý) và một tầng ý thức. Giả thiết, mọi sự vật đều được quan sát dưới góc độ đa chiều. Trong trường hợp này, trục thời gian vẫn tác động (cách hiểu thông thường, suy nghĩ lạc hậu ở thời điểm này nhưng hiện đại ở thời điểm khác). Năng lực viết của một số người như Triết gia, tác giả Tiểu thuyết thường được nâng lên mức cấu trúc được cách suy nghĩ, cảm nhận, phản ứng của người tiếp nhận. Có thể xem clip này trên TED, để mô tả năng lực sáng tạo của nhà văn viết tiểu thuyết viễn tưởng. Tên clip, các bạn có thể click để xem: Viết tiểu thuyết một cách sống động – Nalo Hopkinson

8. Góc nhìn sẽ thay đổi trải nghiệm, tương tự với góc chạm, góc nghe, góc ngửi (?!?)

Nói chung là góc độ tiếp xúc bằng giác quan của con người là yếu tố kích thích sáng tạo. Không phải là nhìn thấy cái gì đó khác. Mà nhìn thấy vật ở một tầng không gian khác, có hình thù khác. Dễ hiểu nhất là cái màn hình máy ảnh.

Thí nghiệm:

«Đặt một cái máy quay kỹ thuật số ở vị trí bất cứ trong túi áo, tìm cách cố định chặt nó lại, sau đó cắt một cái lỗ ở túi áo, bắt đầu quay từ sáng sớm lúc anh ra khỏi nhà, quay một ngày của anh. Đến một ngày nghỉ nào đó, anh chiếu lại xem, anh sẽ phát hiện hoá ra thế giới thay đổi rồi, không giống như ban đầu nữa, tất cả đều mới lạ, những điều tưởng thật hoá ra lại là giả, vừa lạ lẫm vừa quen thuộc. Qua mấy ngày, đổi sang túi khác, hoặc đặt trên mũ, hoặc lúc lái xe thì cố định máy quay trên nóc xe, sau đó anh xem lại, đó là một thế giới mới.» (trích sách t.146-147)

9. Việc các khả năng tưởng tượng (vẽ, chữ, viết, vị, mùi) có liên quan với nhau không?

Chắc chắn là có, nhưng cơ chế như thế nào thì thực sự là không hình dung được. Có thể là một quá trình chuyển đổi và liên kết nữa chăng. Nhưng không có nghĩa là khả năng tưởng tượng là vô hạn. Nói dễ hiểu, lấy 7 nốt nhạc để ghép thành bài hát, bây giờ coi mỗi năng lực tưởng tượng là một nốt nhạc, ghép chúng lại với nhau, nó vẫn thành bài. Nhưng giới hạn ở đây có thể tính ra được, con số khá lớn, bằng xác suất chẳng hạn, hoặc các phép toán cộng, luỹ thừa gì đó. Như bài toán ghép các cặp số 5 chữ số (kèm điều kiện), thêm các điều kiện mở rộng như nhịp, phách, nhạc cụ, thăng giáng, tròn trắng đen… Ví dụ khác, nhạc sĩ sáng tác bài hát có lời. Nhạc sĩ sáng tác nhạc cho phim v.v…

KẾT LUẬN: Thế giới rộng lớn, thế giới quan của con người hạn hẹp, tầm nhìn có kéo tới hàng trăm năm cũng là tầm nhìn giới hạn. Thay đổi nhận thức là bước sang bên kia bức tường.

Từ nội dung sách: “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải”

Thực sự là đau não.

Cái này, cách đây 4 năm, có 1 thầy giảng cho mình về Trục tư duy không giới hạn. Trước khi giảng thầy có lưu ý: “Nếu các bạn nghe giảng xong mà không hiểu gì thì quên đi, coi như không nghe gì cả. Trong bài giảng thầy kể có một ông Giáo sư, khi tư duy theo cách này, ông ấy viết được một cuốn sách dày 900 trang về Chủ nghĩa tư bản mới. Mà ai cũng kêu ông đó bị điên.” Cách đây mấy tháng mình cũng giảng lại cho một bạn về cái trục tư duy này, cũng phải nói y chang thầy, muốn thì nhớ còn không muốn thì quên đi. Còn cái thí nghiệm trên (t.146-147) là từ một ông Giáo sư Triết học mà ra. Mọi môn khoa học đều đổ về Triết học. Triết học có phục vụ cuộc sống.

Nhưng muốn sống trước hết phải ăn.

Combo 2 cuốn của Cao Minh, đều đáng đọc.

Liệu rằng, sách này có ích hay không?

Chắc có thể có, với ai định đầu tư trí tuệ theo hướng kì quặc, chấp nhận làm người kì quặc để hưởng thành quả trong vài chục hoặc vài trăm năm nữa. Chứ hỏi xem, bây giờ có ai rảnh đem mấy hạt đậu ra trồng rồi ngó nó ra hoa màu gì, hạt lép hạt gầy. Hoặc xàm hơn nữa là đem mấy con ruồi cho múa may sinh con với nhau rồi ghi kết quả từng bầy con không? Hoặc lấy tờ giấy ra vỗ vỗ chạm chạm để tưởng tượng nó là màn hình cảm ứng. Lúc nhỏ mình có làm như vậy do hồi đó không có đàn, hay nghĩ cái bàn là cái đàn rồi đánh đánh như mấy ông trên tivi. Nhưng mình không phải là thiên tài, nên làm vậy một hai lần cho vui vẻ tâm hồn rồi thôi.

Biết đâu trong lúc quẫn thì con người ta có thể tạo ra những phát minh để đời cho nhân loại? Âu đều là dựa trên năng lực tập trung và năng lực quan sát đặc biệt cả.

Bí kíp làm giàu mà không ai tin, chúng ta có thể thử tin và thực hành: Khiêm nhường. Cái này các bạn đọc ở sách.

Từ một trang nào đó trong “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải”

Ở một diễn biến khác. Em bé 10 tuổi khi bắt mô tả con cọp và khu rừng, không chấp nhận chuyện thế giới phải có «cỏ xanh, hoa thơm, trái ngọt, nắng mai chan hoà» đã lý sự: «nhưng thế giới cũng có thể chỉ có đầy phân». Ok, nhân tài hội hoạ và tác giả truyện kinh dị trong tương lai là đây chứ đâu!

Nghiêm túc mà nói thì đây có thể là kinh nghiệm giúp mọi người trong việc cố gắng nói chuyện hoặc làm việc với một thiên tài (về bất kì lĩnh vực gì). Khi biết rõ rằng năng lực đặc biệt của mình không bằng người ta, nhưng vì cơm áo gạo tiền vẫn phải nói chuyện với người ta. Hoặc cha mẹ nào có một đứa con quá đặc biệt đến mức họ cảm thấy hoang mang như trong Siêu trí tuệ. Nhưng không phải để ép con mình thành thiên tài.

Mọi sự trên đời đều bình thường, người không nhìn thấy hết thì cho nó bất thường.

Đúc kết sau khi đọc nhiều câu chuyện được kể trong sách.

Leave a Reply