Thánh kinh Coco Chanel của tác giả Karren Karbo

Cuốn sách này tôi đọc xong đã tầm nửa năm, như thế thì đủ lâu để tôi nghiền ngẫm và có một cái nhìn công tâm hơn. « Những bài học cuộc sống từ người phụ nữ thanh lịch nhất mọi thời đại » – Tôi không biết câu này có nằm trong phần tiêu đề hay không ? Hay mục đích của nó là để nêu trước nội dung của cuốn sách và lôi kéo những người phụ nữ đang dần thành công, đang đi tìm phong cách cho mình, hình ảnh cho mình đến với cuốn sách. 

Gần đây, tôi thấy tựa sách thường đi theo lối rất dài. Bao hàm luôn cả một ý niệm gì về cuốn sách. Tôi thấy như thế cũng được thôi, nhất là trong trường hợp, sách về một đề tài nào đó đã phát triển thành dòng, ví dụ như về Coco Chanel thì có (đại khái, chứ tôi cũng không biết là có những cuốn ấy hay không : Cuộc đời và sự nghiệp, Góc nhìn về thời trang, Cuộc Cách mạng nữ quyền…) Nhiều lắm ! Thì một cái tít dài sẽ giúp bạn đọc lựa được đầu sách nhanh hơn. 

Tôi thì sẽ dựa vào tác giả, nếu tác giả không quen thì dựa vào mục lục, hoặc bìa 2, trang 2 của bìa, hoặc đọc lướt qua một chương nào đó. Đối với tôi, cái tít càng kêu càng khiến cuốn sách mất đi sự cuốn hút. 

Nếu nhớ không nhầm, khi tôi tìm mua cuốn sách này, tôi cũng đang có ý tưởng phải định hình lại phong cách cho cá nhân thì phải. Nhưng, nếu như là cuộc đời của Chanel thì tôi đã coi và đọc nhiều rồi, tác giả là một người tôi không rành lắm. Còn cái bìa sách thì, hơi phô trương và kém hấp dẫn, không đúng lắm tinh thần của Chanel. Người phụ nữ đứng trên bìa cũng không cho tôi cảm giác của tinh thần Chanel lắm. Có một vài cuốn sách, thấy là sẽ mua ngay không cần xem review. Nhưng với cuốn này, tôi đã chần chừ lâu hơn một chút, xem cả phỏng vấn với dịch giả của cuốn sách.

Sau nửa năm nhìn lại cuốn sách này thì tôi nghĩ cảm nhận của mình sẽ chính xác hơn : Tinh thần Chanel, tôi chỉ thấy được ở 2 điều, trong mặt hình thức của cuốn sách này : Cách dàn trang bên trong, chọn font chữ, màu giấy trắng tinh, và những trang sách với góc chụp tinh tế bạn có thể tạo nên những khung hình sang trọng. Còn đối với bìa sách, màu vàng này tôi không thích lắm, chiếc túi đỏ cũng lạ lẫm. Chiếc váy quá dài và rộng. Chiếc áo cũng quá độn và thùng thình. Chiếc mũ không liên quan tới Chanel.

Đôi giày vẽ cũng không giống. Và Chanel thì rất ít khi cười, không phải nụ cười hiền thân thiện như thế. Vì sao tôi lại nói nhiều về bìa cuốn sách như vậy, vì dạo gần đây, tôi hay đọc những bài giới thiệu sách sắp ra mắt và thăm dò về chọn bìa. Mà cảm giác của tôi với cuốn sách này, khi đọc nó, cảm thấy khó chịu với cách làm bìa. Lấy một chút cảm hứng từ những cuốn Kinh thánh thật, có sợi dây đỏ để đánh dấu xem mình đọc tới đâu. Gợi lên không khí của một cuốn sách cổ điển. Nhưng nhìn chung, nó làm cuốn sách mất đi tinh thần tinh giản và nét chuyên quyền của Coco Chanel. Và bìa cứng ! Tôi không thích sách bìa cứng, đừng nói là nó giữ sách tốt. Cái bìa rất khó bảo quản.

Về nội dung. Tôi thích cách Karen Karbo nói về Chanel. Tôi có tìm xem bìa cuốn sách bản gốc tiếng Anh như thế nào. À, các bạn có thể xem trên hình. Thú vị, hài hước, đúng kiểu Pháp và sành điệu, hiện đại theo tinh thần Chanel mới, cũng thêm vào đó hơi hướng nước Mỹ của tác giả. Không có hai chữ C móc ngược phô trương thái quá. Người Pháp mặc vì mình chứ không mặc để cho người khác biết mình có đồ hiệu. Bạn biết đấy, với người tinh mắt, chỉ cần nhìn cách đi đường chỉ, cách phối màu, cách cắt vải là biết đồ của hãng nào. Đâu cần phải nhìn qua mác (marque). Màu vàng kem trên bản sách gốc cũng gần với màu trong thiết kế của Chanel hơn. Dù typo cho bìa chính vẫn hơi lộn xộn, nhưng tinh thần Chanel, ở mặt nào đó, vẫn được giữ lại.

Karen có cách viết về Chanel rất mới, gần gũi, pha chút hài hước trẻ trung. Chân thật, thật như những tín đồ của Chanel, mê lắm nhưng không phải sẵn tiền để săn được một món đồ Chanel đúng nghĩa và vận vừa với mình. Cách Karen nói về Chanel khá là thực tế. Tôi chưa kể hết với các bạn khi đi xem phỏng vấn với tác giả, vì sao tôi đã mua cuốn sách.

Tác giả có nhắc tới cảm nhận của mình về Chanel. Bà ấy không phải là một ai đó quá xuất chúng, không phải người ngoài hành tinh tiến vào thế giới này để làm nên một cuộc cách mạng thời trang, để lấy đồ đàn ông cho phụ nữ mặc, xén với vài khúc vải tua rua vô duyên, tạo ra vài mẫu giày, vài mẫu váy, túi, nước hoa rồi biến mất. Chanel qua ngòi bút và sự tìm hiểu của Karen là một người phụ nữ bình thường, cắt may còn không biết, nhưng « biết con đường mình cần phải đi và biết cách để giành được thành công. Và bà kiên nhẫn cũng như tỉ mẩn với kế hoạch của mình. » Chính sự tỉ mẩn đỏ, đôi khi pha vào cả chút bất chấp, bà không được người ta xem như một đoá hồng chỉ có sắc và hương. Chanel có những cái gai nhọn chi chít, những góc cạnh để người ta có sự kính sợ đối với bà. 

Chanel có gì để thành công ? Bà có thị hiếu trời sinh, có óc thẩm mỹ. Bà biết nắm bắt cơ hội và chịu khó kiếm tiền. Quan trọng là bà đã nhìn ra chỗ cần thay đổi, cần phát triển để dựa vào đó, phát triển một nền tảng Cách mạng vững chắc. Phụ nữ bấy giờ quá diêm dúa, phụ nữ bấy giờ không khác gì cái chổi lông gà di động loè loẹt. Chanel xuất thân từ nhà quê, cũng nhờ vậy mà cách nhìn của bà đối với trang phục là gì ? Tiện dụng, thống nhất, gọn gàng, thoải mái, tiện lợi, phù hợp với hoàn cảnh.

Thời đại của bà là thời kì chuyển giao, khi Châu Âu lao vào những cuộc chiến dài kì, hay phụ nữ dần tìm được chỗ tham gia trong các cuộc đua ngựa, các thú tiêu khiển mới ngoài nhảy đầm và váy vóc… Khi đó, con mắt, năng khiếu và thiết kế của Chanel tạo nên lợi thế thu hút. Và phải nói rằng, cuộc đời Chanel, đặc biệt là sự nghiệp của Chanel, gắn kết chặt chẽ với những cuộc chiến và cuộc Cách mạng như thế. Tôi không nghĩ là bà đã tạo nên một cuộc Cách mạng (tất nhiên, ở khía cạnh nào đó, điều này đúng), bà dựa trên thay đổi của Cách mạng xã hội để tạo nên những hiệu quả hợp lý cho thời trang. Và nhờ đó, bà giành được phần thắng.

Xem thêm đoạn trích về Coco Chanel trong bài viết về Gabrielle Colette: Lạm bàn về cuộc đời hai người phụ nữ nổi tiếng cùng có tên là Gabrielle

Chanel trở thành biểu tượng của Cuộc Cách mạng nữ quyền, của những chuẩn mực khắt khe mà hiếm có nhà thiết kế nào lại độc tài đến mức khủng khiếp như Chanel. Tuy nhiên, cách mà Chanel làm, lại không tỏ ra là bắt buộc hay phát xít chút nào. Chanel là một bậc thầy về hiệu ứng và lan truyền, những chiến lược kinh doanh mà ngày nay nhiều người bán buôn còn chưa biết. Thì từ thời nảo thời nào, Chanel đã thực hiện một cách bài bản, có tiến trình, có hệ thống. 

Và khi còn ít người làm được, còn ít người hiểu được, còn ít người nhận ra được đâu là con át chủ bài của Chanel thì cứ thế mà bà ấy ghi được hết chiến công này đến chiến lợi khác.

Phụ nữ chỉ tôn thờ phụ nữ mà thôi. Có lẽ, cho đến khi nào có một phụ nữ làm nhà thiết kế, tạo được những cuộc cách mạng tiếp theo như mà cách Chanel đã từng làm, thì khi đó, Chanel mới trở nên lỗi thời. Còn bây giờ thì xin thưa là không. Chanel vẫn là một bản sắc không thể đánh bại. 

Tôi thích gì ở cuốn sách này ? Thích văn phong và câu chuyện của chính tác giả Karen Karbo. Thích một bức tranh thực tế về Chanel và thích sự thức thời ở trong cuốn sách. Kinh thánh gợi ra những chuẩn mực cổ điển, nhưng Kinh thánh của Chanel là bí kíp mà bà đã dùng để tạo được vị thế cho mình : không phải nhan sắc (tất nhiên !), sự linh hoạt, khiếu thẩm mỹ, giải phóng triệt để, đinh ninh và tuyệt đối – kể cả đôi khi điều này hơi khoa trương. Và cuối cùng là sự can đảm để bứt phá. Còn về phong cách ư ? Với Chanel : càng ít càng tốt, 3 màu cơ bản, chất liệu sử dụng hợp lí thì sẽ tạo nên giá trị và… có cho riêng mình một loài hoa yêu thích (hoa trà my trắng hay hoa hồng trà: Camilla)

Xem thêm bài viết về cuốn sách: Bàn luận Cách mạng tư sản Pháp

 

Leave a Reply