li do hoc tieng phap

10 lí do khiến bạn muốn học tiếng Pháp

Lí do 1 : Muốn yêu

Mình nghe nhiều người nói thế. Các bạn nữ thì nói rằng nước Pháp đẹp quá, ý các bạn là sự lãng mạn nằm ở khung cảnh hữu tình. Người ta nói tức cảnh sinh tình là vậy. Vì thấy Pháp đẹp quá nên muốn đến thăm một lần trong đời, và từ đó mà có ý định học tiếng Pháp.

Đối với các bạn nam thì hay chia sẻ rằng, giọng Pháp hay, đặc biệt là giọng nữ. Giọng nữ Pháp trong, cao nghe nhẹ nhẹ, có luyến láy điệu đà. Từ giọng hát cho tới giọng nói. Gái Pháp cũng xinh, xinh kiểu ngây thơ trong trẻo hút hồn.

Dù bằng cách nào thì nước Pháp cũng đã làm xiêu lòng các bạn và mời gọi một cách tinh tế các bạn hãy học tiếng Pháp đi.

Lí do 2 : Bổ sung vốn cho đời sống văn hoá tinh thần thêm phong phú

Cảm thấy cuộc sống ngột ngạt, cảm thấy đời sống tình cảm khô khan thiếu muối, cảm thấy cuộc đời thực nghiệt ngã… Cần một chút mơ, cần một chút lãng mạn, cần một chút gì đó phiêu phiêu…

Chậc chậc, người Pháp sẽ chỉ cho các bạn nhiều mánh : quan tâm nhưng bên ngoài thì hoàn toàn phớt lờ, hiểu biết nhưng vẫn tỏ vẻ ngây thơ, thờ ơ nhưng còn ra điều chăm chú. Người Pháp thực sự có một pho tàng tri thức về thưởng ngoạn cuộc sống về các chuẩn mực của một đời sống thơ – văn – nhạc – yêu và mơ.

Nhưng hầu hết phải chờ khi bạn biết một chút chút tiếng Pháp thì mới bắt đầu thưởng thức được. Vì hơi khó hiểu.

Lí do 3 : Sang chảnh

Những cô gái Anh sang Mỹ có thể bị chê là giọng nói quê mùa nhưng kể cả con gái Anh, chỉ cất lên vài từ tiếng Pháp đã được khen ngay sang chảnh. Nhờ được thừa kế một chút La Tinh, được pha một chút giọng mũi, được đậm đặc hoá bằng một vài âm R đặc trưng. Tất cả dừng ở mức vừa đủ, kết hợp với chất giọng mềm mềm, mảnh mảnh, tự tiếng Pháp làm nên vẻ mong manh thanh lịch của riêng nó.

Nói đến đời sống xa hoa sang chảnh thì phải kể tới sự lộng lẫy của Paris mà các bạn có thể đọc để biết nhiều hơn trong ấn phẩm Khám phá mùa thu – Alezy số 1 do Vitirouge phát hành miễn phí.

Lí do 4 : Nghệ thuật

Paris là kinh đô của nghệ thuật, là nơi rất nhiều nghệ sĩ đến và không thể ra đi, nhiều nhà văn lỡ làng đặt chân sau đó tự nguyện đổi quốc tịch và bao nhiêu con người yêu nghệ thuật trên thế giới mong ước được đặt chân đến.

Duy có điều, Paris vẫn là của người Pháp và phải là của người Pháp. Nếu làm nghệ thuật, sống nghệ thuật, học nghệ thuật ở Paris mà tác phong như một New Yorker thì bạn sẽ bị nguội lạnh sớm. Ở đâu quen đó, nhập gia tuỳ tục. Hãy học nói tiếng Pháp với các nhà làm nghệ thuật bản xứ, họ không giỏi ngoại ngữ lắm đâu, mà thực ra là họ giỏi đấy, nhưng họ thích nhấn nhá tiếng Anh bằng những âm đặc trưng của nước mẹ hơn là thói hùa theo.

Người Pháp thích mèo. Bạn cũng thích mèo. Khả năng cao là bạn sẽ thích học tiếng Pháp, hihi.

Lí do 5 : Ăn

Phải rồi. Những chuẩn mực ăn uống cho tất cả các thể loại từ đồng quê tinh tuý cho tới đẳng cấp sang trọng, từ mặn tới ngọt, từ uống tới ăn. Quá trình tích luỹ các chuẩn mực cao cấp trong ngành nhà hàng khách sạn khiến nếu bạn đã biết ăn kiểu Pháp thì sau đó tự bạn sẽ khó tính với các hương vị trên đời hơn. Và cũng là lúc bạn thấy mình biết cách ăn ngon hơn, thay vì được phục vụ món gì cũng gật gù.

Xem thêm: Ấn phẩm dành cho người sành ăn, Alezy – Ẩm thực và câu chuyện về các đầu bếp Pháp (tải miễn phí tại đây)

Nếu tính từ chỉ sự ngon lành trong tiếng Pháp cũng chẳng phong phú là bao thì ngược lại, tên món ăn lại nhiều như kệ giấy tờ, chỉ riêng bánh mì hay các loại rượu đã đủ đau đầu rồi, chưa nói tới các kĩ thuật nấu nướng, các loại dụng cụ … Đã định không học thì tốt nhất bạn nên chuyển sang một trường phái ẩm thực khác như đồ ăn Nhật chẳng hạn. Mà đâu thì đâu, rốt cuộc bạn cũng phải nạp cho mình không ít từ vựng về đồ ăn trong ngôn ngữ đó. Bạn không thoát được việc mình sẽ đi vào chính đạo học ngoại ngữ từ việc ăn đâu.

Lí do 6 : Để nói chuyện một cách lý sự hơn

Điều này thì có thể bắt đầu bằng việc bạn hơi thiếu muối trong giao tiếp. Nhưng nếu học cách hài hước thì có khi bạn sẽ thành trò cười cho thiên hạ, không phải là ý kiến hay. Thế thì hãy học người Pháp, để…? Trở nên nguy hiểm hơn, giỏi châm chọc người khác một cách… hoặc ý nhị, hoặc là không thể sâu cay hơn. Để nói chuyện nhiều thơ và nhiều trích dẫn hơn, nhưng tuyệt đối là không bị gọi là chuối sến. Để biết cách một miệng nhưng đụng vào chủ đề gì cũng nói được. Kể cả có muốn khẩu nghiệp chửi bậy với người khác thì ngôn từ cũng vô cùng phong phú.

Lí do 7 : Sống ở Pháp

Ngoài sống ở Pháp thì có thể một vài bang ở Canada hoặc tại Bỉ, một vài nơi ở Thuỵ Sĩ hay Luxembourg hoặc một số nước ở Châu Phi, hoặc Maroc… Có kha khá lựa chọn về các nước nói tiếng Pháp. Nếu ở châu Âu thì từ Pháp đi sang các nước lân cận, bạn cũng có thể gặp nhiều người nói được tiếng Pháp.

Có điều, như đã nói ở lí do nghệ thuật bên trên, người Pháp thường nói tiếng Anh không hay, nên tốt nhất là bạn hãy học tiếng Pháp để thực sự hoà nhập với cuộc sống ở đất nước mới.

Lí do 8 : Có thêm một trải nghiệm sống mới

Người ta nói học một ngoại ngữ là có thêm một tính cách. Nhận định này không có sai. Nếu gặp những người đã sống nhiều năm ở nước ngoài trở về lại Việt Nam, bạn sẽ thấy trong cách cư xử, cách giao tiếp của họ có cái gì đó hơi Tây Tây.

Nhưng thực tế thì chưa cần đi Tây và cũng không phải chỉ đúng với mỗi tiếng Tây. Vì lời nói vẫn là công cụ giao tiếp chính của chúng ta trong đời sống hằng ngày. Ngôn ngữ nói cũng như viết, tuy không có sách vở để lưu truyền nhưng từ thế hệ này sang thế hệ khác, con người ta vẫn có sự truyền thụ lại những quy chuẩn ăn nói, những cách nghĩ và tư duy cho thế hệ sau.

Bởi thế, không chỉ là từ vựng, ngữ pháp, một khi đã bắt đầu thành thạo thì bạn phải biết nói sao cho lịch sự THEO VĂN HOÁ của dân tộc đó, bạn biết nói sao cho logic, cho văn vẻ, cho thấu tình đạt lí theo chuẩn mực của dân tộc đó… Mà việc gì làm nhiều cũng thành quen. Chính thói quen tạo nên tính cách.

Xem thêm: Chuỗi ấn phẩm phát hành online miễn phí của Vitirouge về con người và vùng đất Pháp – Số thứ 3 “Chuyến tàu đi khắp nước Pháp”

Mới học thì bạn có thể cho rằng, người Pháp kì ghê, tự dưng cho cái này giống đực, cái kia giống cái. Rồi một ngày nào đó, cũng có thể bạn sẽ có cái logic phân biệt của riêng mình khiến người khác phải thắc mắc : « Ủa? Tại sao lại phải như thế này? » – « Tại tôi thích vậy! ». Xem kìa, có phải bạn cũng đang bắt đầu khiến người khác thấy kì lạ rồi đúng không?

Lí do 9 : Để trở nên khác biệt

Trong khi người ta đổ xô đi học tiếng Anh, hay tiếng Hàn, tiếng Nhật để kiếm việc, tăng lương thì bạn lại rẽ sang tiếng Pháp dù nhu cầu lao động không cao. Mặt khác, bạn cũng biết chắc rằng đầu tư cho một kĩ năng nào đó, học còn chắc cú, còn có thể đảm nhiệm được công việc này, công việc kia. Còn tiếng Pháp ư? Học thêm đâu có ứng dụng được gì ? Tốn thời gian, tốn tiền, mất công, học thì khó… Và đó chính là mở đầu của sự khác biệt.

Rồi dần dần, học những cái kì dị của người Pháp, hiểu những cái kì lạ trong tiếng Pháp và có cho mình những cái gu mới… hẳn bạn sẽ còn khác người nhiều nữa! Yên tâm đi!  

Lí do thứ 10 : Thử thách tính kiên trì

Phải đó. Tuy không phải là thứ tiếng khó nhất trên thế giới nhưng nhiều người trong chúng ta sẽ phải xác nhận là tiếng Pháp khá khó. Đọc được đã khó. Nói được lại càng khó. Mà viết được lại càng khó hơn. Vì không có những tiêu chuẩn phổ thông rộng rãi còn người Pháp thì không thích truyền thừa quá nhiều nên thấy cái gì cũng gây chướng ngại khó vượt qua.

Thế thì để xem, bạn kiên trì được đến đâu. Bạn thích cho vui hay là thực sự muốn chinh phục một ngoại ngữ mới. Bạn có vượt qua được những lầm lẫn giữa tiếng Anh và tiếng Pháp, tiếng Ý và tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp không ? Nếu bạn xuất phát điểm là người học những ngôn ngữ đó.

Thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi : Bạn có phải là người kiên trì hay không?

Leave a Reply