hoc-tieng-phap-o-sai-gon

Vì sao học tiếng Pháp không thấy đường ra?

Một câu hỏi khá nhức nhối mà nhiều bạn thỉnh thoảng vẫn inbox nhờ mình tư vấn. Khi mà nhìn quanh nhìn quất, từ chị em bạn dì cho tới cấp trên cấp dưới trong công ty đều rủ nhau đi học tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật… thì mình lại trở quẻ theo lao tiếng gọi của tiếng Pháp.

Cũng có những bạn coi tiếng Pháp như một chọn lựa bất đắc dĩ: “Em đang học Nhân Văn, hồi đó em thi tiếng Anh/ hồi đó em thi tiếng Hàn… mà không đủ điểm nên phải chuyển sang học tiếng Pháp.” – Vậy hỏi giờ thích tiếng Pháp chưa? – “Dạ cũng đỡ đỡ hơn hồi xưa rồi, hồi xưa nản lắm luôn!” 

Vậy thì, liệu tiếng Pháp có phải là một tấn bi kịch nhuộm màu u ám như tác phẩm để đời của Balzac không? Trong bài viết này, mình sẽ cho các bạn thấy cả hai mặt của vấn đề : Có những người – ngược lại với thái độ bi quan của một số bạn, hoàn toàn vui vẻ và hào hứng với tiếng Pháp (1). Tiếp theo, nếu bạn cảm thấy bí ở đâu đó, có lẽ, bạn chưa nhận ra con đường mình đi nó đang lòng vòng như thế nào thôi. Nếu bạn chịu đi, thì đều có đường cả (2).

hoc-tieng-phap-viec-lam
Học tiếng Pháp: nên hay không?

Mình có dịp được nói chuyện hoặc tư vấn cho rất nhiều bạn. Điều mình ngạc nhiên nhất ở một số bạn, nếu tự so sánh với chính bản thân mình, đó là: Các bạn theo đúng tinh thần Pháp lắm «LA VIE EN ROSE». Rất nhiều bạn chỉ mới bắt đầu học nhưng đã chuẩn bị làm hồ sơ đi Pháp, nhiều bạn chưa có B2 thậm chí B1 hay A2 vẫn chưa vẫn tự tin đi Pháp. Nhiều bạn, tuy không vững cả 4 kỹ năng tiếng, than thở rằng trên trường thầy cô dạy như đi đấu giải Công thức 1 vẫn đinh ninh ước mơ đi Pháp học Thạc sĩ, Tiến sĩ…

Mình kể để các bạn thấy một điều: “Nếu bạn cho rằng trước mình có con đường đi thì chắc chắn sẽ luôn luôn có.” Quan trọng là bạn có tìm ra được con đường đó không, vì có thể đó không phải là con đường mà bố mẹ bạn đã đi, bạn bè bạn đang đi, hay người quen bạn chỉ cho bạn đi, bạn buộc lòng phải tìm ra, có thể là qua một người lạ ven đường nào đó chỉ cho bạn.

Học tiếng Pháp thực ra vẫn đầy tiềm năng và hứa hẹn cho bạn một tương lai tốt. Bạn có thể dùng tiếng Pháp để lao động kiếm tiền nuôi sống bản thân bằng rất nhiều công việc. Bạn có thể dùng kiến thức học bằng tiếng Pháp để làm việc trong một môi trường nước ngoài khác hoặc trở về Việt Nam. Bạn có thể kết nối được với một người Pháp nào đó, người chỉ cho bạn con đường sẽ đi trong tương lai, mà trước đây, nói chuyện với rất nhiều người bạn Việt Nam, bạn chưa có cơ may tìm ra.

Không nói chuyện về các cơ hội ở Pháp vì có quá nhiều và các bạn có thể tìm thấy thông tin ở bất kì phòng tư vấn du học, hội thảo du học nào, trên mạng, trên brochure, tờ rơi. Chúng ta nói tới một thực tế mà ít người mong muốn hơn. Đó là học ở Pháp, sau đó trở về Việt Nam. Thực tế, nếu học ở Pháp về Việt Nam vẫn có rất nhiều cơ hội. Các bạn có thể làm đúng ngành hoặc trái ngành, có thể cần dùng tiếng Pháp nhiều hoặc dùng kiến thức chuyên ngành mà bạn học được ở Pháp nhiều hơn. Về điều này thì các bạn cần có nhận định rõ, để khi trở về, hai chân chạm đất, các bạn sớm định hướng được sự nghiệp cho bản thân.

co-hoi-cho-nguoi-hoc-tieng-phap
Học tiếng Pháp, các bạn vẫn có cơ hội như ai! Miễn là các bạn thấy công việc và môi trường phù hợp với mình.

Nhưng có một điều đáng buồn, các bạn hiện nay hầu như đang tự đánh mất cơ hội của mình. Vì nhiều lí do. Trọng nghề này, chê bai nghề khác. Thích việc nhẹ lương cao. Về Việt Nam nhưng đeo cánh chứ không chịu đi bằng hai chân. Không hiểu rõ về môi trường làm việc. Thiếu kỹ năng chuyên môn thực tế, đầu chỉ có kiến thức.

Các bạn cần nhận định rõ một vài điều sau: Nhà tuyển dụng cần tìm kiếm một người thạo việc để giảm bớt chi phí đào tạo và rủi ro do một nhân viên chưa thạo việc mang lại (mất hợp đồng với đối tác do nhân viên học việc thảo sai một khoản trong hợp đồng, mất khách hàng vì bị đánh giá là làm việc thiếu chuyên nghiệp sau khi trao đổi đơn hàng/ dịch vụ với một nhân viên mới không hiểu rõ nghiệp vụ và chỉ toàn đưa những giải pháp ngớ ngẩn…).

Một nhân viên thạo việc có thể làm xong phần việc trong 2 giờ đồng hồ thì nhân viên học việc phải tới 2 ngày. Nếu làm được trong vòng 2 giờ thì khả năng cao là người giám sát, người hướng dẫn, người chịu trách nhiệm (mentor/ leader) phải ngồi tự sửa lại 2 ngày sau đó.

Hiện nay, các bạn học tiếng Pháp ra trường đi làm sẽ đối mặt với hai khó khăn lớn, mà quá trình làm việc và tuyển dụng nhân sự mình đã đúc kết được: khả năng ngoại ngữ chưa đáp ứng đủ nhu cầu của nhà tuyển dụng; kể cả có đủ bằng cấp, bạn không thể khiến nhà tuyển dụng – qua buổi phỏng vấn yên tâm được rằng bạn có KHẢ NĂNG làm tốt được công việc (tức là, ở tình huống xấu nhất: đào tạo mấy tháng, mấy năm cũng không thể làm tốt).

Thứ hai, các bạn đang vấp phải sự cạnh tranh rất lớn. Các bạn học trong nước thì chịu cạnh tranh từ du học sinh trở về. Thậm chí, sự cạnh tranh lớn nhất phải kể đến đó là làn sóng thực tập nước ngoài của chính các bạn sinh viên Pháp: tiếng tốt hơn (chắc chắn 300%), nhanh nhẹn và tự tin hơn (có thể các bạn Việt Nam giỏi hơn, nhưng hiếm khi các bạn thể hiện được sự tự tin đó trước mặt nhà tuyển dụng, một số thì tự tin quá, chọn không đúng điểm rơi).

Đừng mặc định làm 35h là Tây con nào cũng lười!

Các bạn Pháp hiểu người Pháp hơn, có thể nói là nắm bắt thị trường quốc tế tốt hơn giới trẻ ở Việt Nam chúng ta. Xin nhắc lại, có thể những điều mình vừa nêu ra ở trên hoàn toàn là định kiến, nhưng gần như 80% trường hợp định kiến này đúng và quay đi trở lại, nhà tuyển dụng vẫn thích thực tập 6 tháng của sinh viên Pháp hơn một bạn Việt Nam vào làm việc 6 tháng nhưng hiệu quả công việc không cao.

Một điều nữa mình thấy được ở các bạn sinh viên thực tập Pháp đó là thái độ với công việc. Trả lời mail nghiêm túc, nhanh nhẹn, không chờ mà biết cách thúc khéo nhà tuyển dụng (bằng lettre de relance). Không chê việc, trân trọng môi trường làm việc ở Việt Nam (cái này rõ ràng là hơn hẳn các bạn sinh viên Việt Nam, giữa người Việt với người Việt thì khó mà khen được môi trường làm việc ở Việt Nam tốt và hấp dẫn, lí thú, có triển vọng… đúng không?), biết lựa chọn dưới sự tư vấn của giáo viên – các bạn luôn trả lời rõ ràng với nhà tuyển dụng về việc định hướng chuyên ngành mình đang học là gì, cần phát triển trong lĩnh vực nào, và công việc trong kì thực tập được đưa ra có mối liên quan hay không.

Gần như luôn có một kỳ phỏng vấn nghiêm túc với các bạn thực tập sinh Pháp, vì thái độ thiện chí luôn được đánh giá cao, cái này mình không phân bì trình độ của các bạn thực tập sinh Việt Nam nhưng sự thật thì cứ nhìn cách trả lời mail và sở thích chọn việc như shopping của các bạn qua điện thoại thì nhà tuyển dụng thực sự phải chào thua.

Còn cơ hội ư? Cơ hội luôn dành cho người xứng đáng!

Các bạn Tây luôn chuẩn bị tốt cho các bài phỏng vấn này!

Cá nhân mình thì mình luôn cởi mở với các bạn có tinh thần cầu tiến và chịu khó. Các bạn Pháp luôn quý trọng kỳ thực tập hơn hẳn (cứ học ở Pháp đi rồi các bạn biết tìm thực tập là ác mộng như thế nào). Có một điều rất rõ ràng, nếu các bạn từ chối nhiệm vụ chính trong bản mô tả công việc của thực tập sinh thì 90% các bạn đã bị nhà tuyển dụng từ chối. Các bạn Pháp không bao giờ từ chối việc, thường thì nếu không hợp các bạn sẽ đề nghị bổ sung thêm một phần việc liên quan tới chuyên ngành của các bạn hơn. Còn nếu giữa các nhiệm vụ khác nhau để chọn lựa, thường thì các bạn ấy sẽ cố gắng chọn nhiều nhất có thể, trong khả năng. Nếu có yêu cầu test thêm, các bạn đều làm rất chỉn chu, đàng hoàng.

Các bạn sẽ cảm thấy hơi lạ, nếu như trình độ tiếng Anh cơ bản đủ giúp các bạn kiếm được việc, hoặc thậm chí, có rất nhiều công việc không cần ngoại ngữ. Thì ngược lại, tiếng Pháp, nếu các bạn đã xác định làm một công việc liên quan thì cần làm chủ và thể hiện thật tốt một trong hai kĩ năng viết (liên quan tới đọc) và nói (liên quan tới nghe).

Hầu như các đối tác, khách hàng, nhà cung cấp chịu liên lạc với một công ty ở Việt Nam bằng tiếng Pháp thì hầu hết họ đều tới từ các nước cũng nói tiếng Pháp như Algerie, Maroc, Pháp, Thuỵ Sĩ, Luxembourg, Bỉ, Canada. Hầu hết các nước này đều có tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức hoặc ngôn ngữ phổ thông đứng thứ hai, khả năng tiếng Pháp của họ nhìn chung là tốt hơn mặt bằng chung của Việt Nam hiện tại. Còn nếu không, họ sẽ nói tiếng Anh!

Vậy thì “La vie en rose” còn đâu?

Khoảng tháng 1 năm nay, mình có gặp một nhóm bạn trẻ, được truyền cảm hứng tốt và được định hướng tốt nên hầu như bạn nào cũng thích tiếng Pháp và nhìn ra được cơ hội cho mình để cố gắng. Thật đáng hoan nghênh!

Còn một số con đường khác, như mình đã nói ngay từ ban đầu, bạn có thể chọn dùng tiếng Pháp để làm việc hoặc chỉ dùng kiến thức học được ở Pháp để phát triển sự nghiệp. Mình lấy một số ví dụ: đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, đạo diễn của bộ phim Mùa len trâu nổi tiếng là một tiến sĩ Vật lý. Ông tốt nghiệp cử nhân Kỹ thuật Hàng không tại trường Đại học Poitiers ở Pháp, năm 1998, ông hoàn tất ngành Nghệ thuật Điện ảnh (cinematography) tại Đại học California.

Nếu bạn yêu nghệ thuật và tìm hiểu nhiều về các nghệ sĩ, nghệ nhân, giám đốc nghệ thuật, hoặc các nhân vật trong giới, các bạn sẽ biết có rất nhiều người tu nghiệp từ Pháp trở về. Quá trình sống, trải nghiệm tại Pháp, một đất nước mà hầu như bảo tàng nào cũng free cho sinh viên, công viên, công trình công cộng tầm cỡ đến mấy cũng có một mức giá vào tham quan cực kì hạt dẻ, thiên nhiên đẹp và đa dạng, được bảo tồn cẩn thận và con người thì phơi phới cảm quan của các nghệ sĩ, sẽ giúp bạn, nếu tinh tế, tích luỹ và thay đổi được cảm quan của mình để trở thành một nghệ sĩ hoạt động tích cực hơn.

Học ở Pháp thì nặng nề về lý thuyết, tư duy Pháp là lối tư duy bảo thủ, điều đó có đúng không?

Cũng có một số, chọn con đường tu nghiệp bằng tiếng Anh tại Pháp. Chất lượng sẽ tuỳ thuộc vào chương trình bạn chọn tham gia, mức học phí và khả năng thích ứng với tiếng Anh của người người Pháp bản địa của chính bạn. Tuy nhiên, nếu học tiếng Anh tại Pháp thì cũng giống như người nước ngoài sang Việt Nam du lịch mà không biết tiếng, khả năng giao tiếp để hoà nhập vào đời sống bản địa sẽ bị hạn chế hơn nhiều.

Kết luận

Có công mài sắt có ngày nên kim. Thái độ làm việc ít hơn nhưng thông minh hơn (như tiếng Anh hay nói là Don’t work hard, word smart) hầu như đều đang bị các bạn sinh viên hiểu sai. Ít nhất, là trong phạm vi những bạn sinh viên cùng ngành hoặc sinh viên tìm thực tập tiếng Pháp tại Việt Nam mà mình đã có dịp tiếp xúc.

Chuyện ngược: 10 lí do khiến bạn muốn học tiếng Pháp ngay và luôn!

Mình rất khen ngợi tinh thần dám làm khác, mạnh dạn tìm cơ hội khác và tự tin của các bạn. Nhưng đồng thời, những gì mà mình đã được kiểm chứng qua thì chưa có gì để đánh giá cao lắm. Mình vẫn khen những bạn không học được, phải bỏ học chạy Grab, chạy Go Viet hoặc ra đường bán bánh mì, bán nước hơn.

Vậy thì, nếu bạn chọn tiếng Pháp, hãy nghiêm túc hơn. Nếu nói chưa tốt, hãy luyện. Nếu viết chưa tốt, hãy rèn. Đừng tự ghìm mình lại một chỗ. “Việc học như thuyền đi ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi!”

Leave a Reply