Mẹo hay cho bài thi nghe DELF B2

Nếu các bạn chưa biết thì bài thi nghe B2 gồm có 2 phần.

Bài nghe đầu tiên kéo dài trong khoảng 1: 40. Dung lượng khoảng 300 đến 350 từ. Có lẽ khoảng một trang word khổ chữ 12, font Calibri hay Times New Roman. Bài nghe sẽ là một bản tin vắn về một sự kiện, hoạt động, thông tin nào đó. Các bạn chỉ được nghe 1 lần bài nghe này, sau đó lần lượt đánh trắc nghiệm với 5 câu hỏi. Các câu hỏi sẽ liên quan tới số liệu, tên riêng, địa chỉ – địa danh, mục đích của thông tin trong bài nói, một vài chi tiết quan trọng.

Đánh đúng hết 5 câu trắc nghiệm các bạn sẽ được 5/25 tổng điểm bài thi nghe.

Đối với bài nghe thứ hai, độ dài sẽ tầm khoảng 3 phút, có thể sẽ dài gấp đôi bài nói thứ nhất, chiếm 80% số điểm. Các bạn có 2 lần nghe.

Sau khi nghe lần đầu tiên, các bạn sẽ có 3 phút để trả lời câu hỏi. Nghe tiếp lần thứ 2, sau đó các bạn có 5 phút để trả lời. Đối với bài thứ 2 này, chúng ta sẽ có hơn 10 câu hỏi, nếu chia nhỏ từng chi tiết cần trả lời thì các bạn sẽ có khoảng 15 câu hỏi nhỏ, dưới nhiều dạng khác nhau:

– Điền từ vào chỗ trống

– Điền thông tin vào chỗ trống

– Trắc nghiệm

– Thông tin nghe – hiểu rồi mới trả lời

Vậy, để chuẩn bị cho phần thi nghe B2, các bạn nên tập ghi chép số liệu, năm sinh, ngày tháng trong bài tập luyện nghe, tập ghi chép hoặc học về một số sigle (tên viết tắt) của các tổ chức, nhân vật nổi tiếng ở Pháp, để khi nghe ONU là biết ngay Organisations des nations unis (Liên Hợp Quốc), OMC là Organisation mondiale de commerce (Tổ chức thương mại thế giới). Những từ viết tắt này chúng ta hay nghe theo tiếng Anh nhiều hơn. Ví dụ như VAT (thuế giá trị gia tăng) thì tiếng Pháp sẽ nói ngược lại là TVA (Taxe sur la valeur ajoutée)…

Ngoài ra, các bạn tập nghe những dữ liệu dạng chuỗi liệt kê, ví dụ như nhóm 3, 4 ngôn ngữ « anglais, français, espagnol, arabe… » hoặc chuỗi các con vật « chien, chat, éléphant, oiseau… » hoặc chuỗi các ngành « géographie, mathématiques, histoire, art »…

Khi nghe các bạn nhớ để ý các chi tiết tương tự nhau. Ví dụ bài nghe đề cập cho bạn cùng lúc về tỉ lệ sử dụng tiếng Anh và tỉ lệ sử dụng tiếng Pháp trên toàn cầu. Việc của bạn là phải để ý xem hai tỉ lệ này có gì khác nhau… Nếu chỉ dừng lại ở việc nghe được : tiếng Anh và tiếng Pháp thì bạn chưa thể có điểm.

Dù đề bài hoặc sách luyện thi có lưu ý với các bạn là không cần ghi chép trong lần nghe đầu tiên, mà phải tập trung nghe cho hiểu hết ý của bài rồi 3’ còn lại mới bắt đầu làm, sau lần nghe thứ hai bạn còn tận 5’ để trả lời. Mặc dù có lời khuyên chính thức như thế nhưng mình nghĩ các bạn không nên làm thế, trừ phi bạn nghe rất tốt. Nếu kĩ năng nghe của bạn còn hạn chế thì một lần, hai lần sẽ không đi tới đâu cả.

Chưa kể áp lực tâm lí, hoặc do bạn chưa quen với giọng (kiểu bài nghe rè rè, nhạc ồn ào, chất lượng âm thanh như từ những năm 30 của đề) thì tốt nhất, bạn nên cố gắng vừa nghe vừa ghi chép trong cả lần một và lần hai. Nhưng nhớ cẩn thận, cố gắng bắt âm thật tốt. Làm thế nào để bắt âm tốt? Đừng đọc cho biết, mà hãy đọc để hiểu cho kĩ, và áp dụng được đối với từng bài nghe mà bạn nghe.

Lời khuyên nào cho bạn trong quá trình luyện nghe:

Khi nghe một thông tin nào đó, hãy để ý những chỗ mình bị nhầm lẫn. Chẳng hạn như hai từ complet và combler hay các số liệu như 65 (soixante-cinq), 55 (cinquante-cinq), 75 (soixante-quinze). Tập để ý những chỗ như thế này, các bạn sẽ thính tai hơn. Bảo đảm với các bạn rằng, nếu chịu khó để ý một, hai lần, thì lần thứ ba, thứ tư, nếu các bạn nghe lại, các bạn sẽ nhớ luôn chi tiết đó chứ không còn mắc lỗi sai nữa.

Hãy tập nghe một cụm từ, một cụm bổ ngữ, nếu nhận diện được các thành ngữ, cấu trúc đặc biệt thì càng tốt, thay vì chỉ nghe từ từ đơn lẻ. Ví dụ như thành ngữ « Lạnh cắt da cắt thịt » thì tiếng Pháp có « Il fait un froid de canard » (lạnh như vịt).

À, mình cũng không biết vì sao người ta lại ví trời lạnh với con vịt. Có thể là trời lạnh đến mức mặc áo lông vịt mới thấy ấm chăng? Để hiểu chi tiết thì các bạn có thể tìm một số app trên điện thoại về Expression française để đọc, hoặc gõ cụm từ khoá này lên google đọc thêm một, hai bài báo và tự đặt câu ứng dụng thử. Dần dần, các bạn sẽ nhớ được nhiều hơn. Cùng lúc cải thiện được cả phần nghe và phần nói. Thế thì như câu trên, các bạn cần nghe hết cả cụm FROID DE CANARD. Nếu nghe mỗi từ canard và nghĩ rằng trời lạnh thì người ta ăn thịt vịt thì coi như xong!

Hoặc, lấy một ví dụ khác: Après avoir mangé deux poulets, ils mangent ensuite deux plateaux de pommes de terre. Sau đó bạn đọc được câu hỏi: Qu’est-ce qu’ils mangent? (Nhớ để ý động từ nhé!) Thì chúng ta sẽ trả lời là: Ils mangent deux plateaux de pommes de terre. Phải có nguyên vẹn đáp án là: 2 khay khoai tây, còn nếu bạn không biết pomme de terre là khoai tây thì có thể viết lạc thành 2 kí táo không chừng (2 kilos de pommes). Còn nếu bạn được hỏi: Qu’est-ce qu’ils ont mangé? Thì câu trả lời sẽ là: deux poulets.

Từ lưu ý thứ 2 sẽ dẫn đến lưu ý thứ 3. Trong tiếng Pháp, có rất nhiều từ đồng nghĩa nhưng nó không đồng nghĩa hoàn toàn. Tức là ở tình huống này, các bạn dùng, nó có nghĩa như thế. Trong tình huống khác, bạn dùng từ đó để thay thế lại không được, ý nghĩa nó cũng sẽ theo đó mà thay đổi.

Ví dụ:

– Je monte à la montagne.

– Le camion est très haut, mais deux robots arrivent à monter la chaise.

– Deux robots montent une chaise à partir de plusieurs pièces pendant 20 minutes.

Nếu như trong tiếng Anh, các bạn có thể dựa vào phrasal verb để phân biệt các sắc thái nghĩa khác nhau của cùng một động từ thì trong tiếng Pháp, các bạn không có những mẹo nhỏ đó. Buộc lòng phải dùng hết tất cả các chi tiết có trong câu để tìm ra nghĩa chính xác. Động từ monter trong câu đầu tiên là LEO LÊN, nhưng trong câu thứ hai lại có nghĩa là NÂNG LÊN và trong câu cuối cùng lại có nghĩa là LẮP RÁP. Không cái nào liên quan tới cái nào.

Vì thế, hãy lưu ý tới đặc điểm này của tiếng Pháp: tiếng Pháp là ngôn ngữ đa nghĩa. Nên các bạn đừng phụ thuộc vào việc nghe được từ khoá quá nhiều, nhất là khi bạn đã lên đến trình độ B2. Điều cần bổ sung khi bạn nghe chưa giỏi có thể phải là: ngữ pháp, chính tả, từ vựng và thêm thời gian đọc hiểu nhiều hơn.

Leave a Reply