bai-doc-B2-C1-giao-duc-nghe-thuat-tren-the-gioi

Vài suy nghĩ về việc học tiếng Pháp (2)

Sau khi đọc xong phần 1, có thể các bạn đặt câu hỏi: Thế thì học ngoại ngữ, cách riêng là học tiếng Pháp, các bạn cần phải làm gì ? Học, tất nhiên. Nhưng học tiếng Việt như thế nào, bạn cứ học tiếng Pháp như thế. Nghe nhiều, nói nhiều, tương tác bằng tiếng Việt nhiều, viết nhiều. Bạn nhớ lại những cuốn vở tập viết, tập tô chữ, tập đọc ngày xưa đi. Kể cả ở trường đại học Việt Nam, bạn cũng phải làm bài thuyết trình tiếng Việt cho tốt, trước khi mường tượng đứng trên bục giảng mà thuyết trình tiếng Anh. Kể cả đi xin việc mà công ty không yêu cầu ngoại ngữ, bạn cũng cần trôi chảy và thuyết phục chứ nói gì là giao tiếp tiếng Anh, tiếng Pháp.

Mình cảm thấy việc học ngoại ngữ cũng giống như việc bạn xây một lâu đài cát, chứ khoan nói là xây nhà. Việc đầu tiên là gì ? Đầu tiên là bạn phải đủ cát cái đã. Cát ở đây là gì, là chữ, là từ, là âm. Thế nên, đầu tiên là nhớ mặt chữ, từ mặt chữ nhớ âm cái đã. Từ đọc và nghe một cách chi tiết và săm soi nhất có thể. Bạn phải bới lông tìm vết, vạch lá tìm sâu để tìm ra những kẽ hở, những bất thường, những kì lạ trong từ, trong âm cái đã. Ví dụ như, tên nước trong tiếng Pháp mà cũng tách ra giống đực giống cái, nghe buồn cười quá ! Ví dụ như, chữ s có lúc đọc s có lúc đọc d. Ví dụ cùng là PLUS nhưng lâu lâu đọc kiểu này, lâu lâu thành kiểu khác. Bạn sẽ không biết hết, không tự liệt kê được hết những bất thường này đâu.

Nhưng quan trọng là đọc nhiều, nghe nhiều, và luôn giữ tinh thần săm soi với ngôn ngữ như thế. Cái lạ thì đáng nhớ, cái nhờn nhờn thì mau quên là vậy.

Sau đó, bạn mới suy nghĩ đến việc tạo hình, viết và nói tiếng Pháp như thế nào. Những bất thường mà bạn khám phá trong quá trình nghe, đọc, đến đây, nó sẽ giúp cho bạn rất nhiều. Quan trọng đầu tiên với tiếng Pháp là sự nhạy cảm. Và sự nhạy cảm này, như mình đã phân tích ở trên : TẬP ĐƯỢC !

Rất tiếc là nhiều bạn, đến trình độ B1, B2 thậm chí đôi khi có C1 rồi đi chăng nữa, cũng không quá chú tâm vào việc phải nhạy bén, nhạy cảm với ngôn ngữ là như thế nào. Thành ra, việc « lụt nghề » là có, nhanh một cách bất thường !

Hãy tinh tế đến mức nghe câu nói như một câu hát, vì sao bạn nghe Hương Tràm hát thì thấy hay mà Chi Pu hát thì dở (một ví dụ hơi showbiz nhưng dễ hiểu). Tất cả đều có lí do mà đúng không ?

Nếu bạn là dân IT thì mình lấy ví dụ khác, vì sao cùng một dòng code mà chỉ thay dấu chấm bằng dấu phẩy là nó không hoạt động nữa ? Thì ngoại ngữ cũng cần sự cẩn thận tương tự.

Hay nếu bạn là một đầu bếp, vì sao cho muối biển mà không cho muối bột canh ? Vì sao cho mật ong mà không cho đường, mặc dù cả hai đều ngọt ? Thấy chưa, bạn thấy được những tiểu tiết trong lĩnh vực mà mình giỏi, nhưng không cảm được từng chút nhỏ như thế trong ngôn ngữ, nó là một thiếu sót : KHÔNG PHẢI MỘT HẠN CHẾ !

Xe đủ xăng mới chạy, máy đầy pin mới kêu, người có ăn mới sống được. Ngôn ngữ thì phải nạp đủ nó mới hoạt động. Nạp gì ? Chính là việc bạn đem bao nhiêu cát về để xây nhà đấy ! Bạn có nhiều cát thì mới xây được cái nhà to. Còn vài ba hạt cát, đem nuôi con dã tràng còn khó huống chi là để xây nhà. Vậy thì, hãy nghe nhiều, đọc nhiều vào ! Mình chưa nói đến chuyện bạn hiểu bao nhiêu, chỉ cần bạn cố gắng để hiểu, không cần lao vào từ điển, google translate hay sách dịch ngay. Nhất là việc nghe.

Hãy cố gắng đừng đọc 2 dòng là ngủ, nghe 2 câu là ngủ. Hãy cố gắng học vào những lúc tỉnh táo nhất, và chỉ cần nghe thôi, đọc thôi. Chăm chú suy luận và đoán, như một đứa nhỏ đang hóng hớt người lớn nói chuyện. Với việc nghe và nói này, bạn phải làm nhiều, cật lực nhiều ! Nhưng không nhất thiết phải nghe xem hết một tủ phim, bạn nên làm theo cách: MỘT BỘ PHIM mà xem đi xem lại. Như thế nó mới thấm, mới thuộc. Chứ đừng cỡi ngựa xem hoa !

Trong quá trình đó, bạn sẽ thấy một từ được lặp đi lặp lại rất nhiều lần, bạn thấy khó chịu với nó, giống như nhìn một người rất quen mà không nhớ ra họ là ai vậy. Bạn khó chịu, bạn phải tìm cho ra nhẽ. Thế là bạn vội vàng tìm từ điển. Tra xong, đọc tiếp, lại thấy nó, mà thấy hiểu như cách kia không ra nhẽ được. Bạn lại tìm hiểu tiếp, và bạn khám phá ra được cái a, cái b, cái c khác. Lúc đó, bạn sẽ thấy thông tỏ và chuyên nghiệp ngay.

Rồi từ những cái nhỏ nhỏ như từ vựng, bạn tiến tới những cái đao to búa lớn hơn như tính từ, chuyển đổi tính từ, chia động từ, đại từ quan hệ… Nhưng, hãy làm khi bạn thấy thật khó chịu. Phải kiên nhẫn để nó lượn đi lượn lại trước mắt bạn, giễu nhại bạn quá trời quá đất trước. Chứ đụng cái gì cũng tra, đụng cái gì cũng kiếm thì bạn sẽ thu về một mớ cá mè cá trắm, cỏ dại lúa mì. Trong mới bòng bong đó, bao nhiêu thứ là cần cho bạn, bao nhiêu thứ là rác với bạn ? (Mặc dù cỏ dại thì bò cần ăn, rác thì vi sinh vật nó cũng cần nhé, nhưng bạn thì không cần, đó là một ví dụ mình thấy là khá sinh động về khái niệm vai trò).

Bỏ chuyện phải HỌC đi ! Bạn phải TẬP trước. Tiếng Việt bạn phải tập từ a, b, c thì tiếng Pháp cũng thế. Cái lưỡi nó bị ảnh hưởng bởi thói quen, chứ nó không xương nên nó không cứng, cơ lưỡi chắc là lão hoá nhũn nhẽo ra thôi. Đừng quá bao biện bằng việc lớn tuổi quá rồi thì lưỡi cứng không nói được. Người trẻ cũng bị cứng lưỡi khi bị đối thủ băm bổ vào mặt đủ mọi lời lẽ, chiêu trò, hay gặp chuyện sốc (thậm chí có người sốc mà câm luôn). Có người dễ thay đổi, dễ tập thói quen mới. Nhưng cũng có người không làm được.

Nếu như bạn có ý thức về một hậu quả tệ hại nào đó do thói quen gây ra, chẳng hạn như vì hút thuốc mà bị bệnh tim, bệnh lao phổi, thì lúc đó, có thể bạn sẽ bỏ thuốc được.

Có một lời khuyên mình nghĩ khá là hữu ích trong việc tập thói quen, nếu bạn nghĩ : « Mình phải bỏ hút thuốc lá », « Mình không được ngủ » thì có một điều kì lạ là : Não của bạn nó không ghi nhận được yếu tố phủ định ở đây, nó chỉ nhập tập chuyện hút thuốc lá và chuyện ngủ, rồi cuối cùng là bạn vẫn không thoát khỏi sự ám ảnh được, thành ra cứ luẩn quẩn. Nhưng nếu, thay vì BỎ một thói quen cũ bạn bắt đầu TẬP cho mình một thói quen mới, thay vì nghĩ là không được làm thì bạn hãy nghĩ tới điều phải làm ngược lại, nếu không được ngủ thì mình PHẢI THỨC, chẳng hạn vậy. Cứ từ từ, cố gắng ý thức cao độ, bạn sẽ làm được thôi, dù nhanh dù chậm.

Riêng với tiếng Pháp, bạn phải tập uốn lưỡi, cử động lưỡi rất nhiều, cử động môi và thay đổi cột hơi trong cuống họng. Bạn hãy quan sát cử động môi của bạn Micode trong clip dưới đây :

Bạn hãy nhìn miệng bạn ấy và bắt chước cử động môi của bạn ấy, không cần nói ra tiếng, chỉ cần bắt chước lúc nào thì miệng bạn ấy thành đường thẳng, lúc nào thì thành chữ o tròn, lúc nào thì phình má lên, lúc nào thì hóp má lại. Tiếp theo là để ý lúc nào bạn ấy ngẩng đầu lên, lúc nào cúi đầu xuống. Vì âm mũi âm gió, hoặc những âm đòi hỏi độ khào, độ nhấn, cần bạn dịch chuyển cổ, miệng, vòm họng một cách khéo léo. Nếu tinh mắt hơn, bạn hãy nhìn lưỡi bạn ấy cử động như thế nào.

Bạn hãy xem tiếp video dưới đây :
https://www.youtube.com/watch?v=eNfsPNT1vH0
Vì nó có phần nói tiếng Anh nữa, nên mình giới thiệu với các bạn thêm một clip thuần tiếng Pháp khác :
https://www.youtube.com/watch?v=DZtdhx0-2w8
Lí do mình chọn những clip này là khẩu hình miệng của họ các bạn quan sát được, chứ không phải do hay hay đặc biệt gì cả.

Bạn hãy xem, lúc nào thì bạn nhìn thấy răng của người nói, khi nào không. Nếu bạn ngồi trước màn hình và quan sát luôn, lúc nào người ta gật đầu, lúc nào ngả người ra phía trước, lúc nào nhấn cằm xuống, lúc nào hất cằm lên. Kể cả tay, mỗi khi họ muốn nhấn mạnh một từ nào đó thì họ cử động tay ra sao. Bạn cứ tập bắt chước thử những khẩu hình, cử động trên để trước nhất, là bạn giống được người Pháp về vẻ bề ngoài trước.

Để đi xa nhất trong việc sử dụng ngoại ngữ, bạn chỉ có thể dùng tới hình thức tương tác. Không nhất thiết bạn phải có ai đó để nói, nghe trực tiếp. Bạn có thể quan sát việc tương tác trên các video, tiếp tục là bài tập quan sát tỉ mỉ như trên. Sau đó là thử bắt chước. Bạn hãy mạnh dạn xem một vở hài kịch (comédie) hoặc vlog hài như của Cyprien, Norman hoặc một bộ phim Pháp, hãy xem các chương trình phỏng vấn trên truyền hình, các buổi tranh luận (débat) do các kênh thời sự (actualités) thực hiện. Nếu không tìm được clip thì để mình ví dụ cho các bạn :
https://www.youtube.com/watch?v=yr1Qr3iNfDk
https://www.youtube.com/watch?v=r5HHrZwwpSE
https://www.youtube.com/watch?v=wZtx995tP-M

Sẽ rất khó hiểu, nhưng các bạn chỉ cần quan sát vẻ mặt, ánh mắt của họ thôi. Và hãy đặt câu hỏi tại sao họ căng thẳng như thế, tại sao họ cười, tại sao họ liếc nhau, tại sao họ gật đầu hay lắc đầu. Bạn phải dùng đầu óc phán đoán khi giao tiếp. Điều này vô cùng quan trọng. Và nó cũng là bước đệm đầu tiên để giúp bạn hiểu hơn việc giao tiếp tiếng Pháp thực sự là như thế nào. Đến tận đây, bạn cũng chưa phải nói, chưa phải vận động gì cả. Việc bạn cần làm là quan sát, sử dụng đầu óc phát đoán để cố gắng hiểu thôi. Có thể bạn phải nhăn trán, nhăn mặt một thời gian dài, cho đến khi nào bạn hiểu được… dù chỉ một đoạn ngắn của những ví dụ trên.

Đừng cố hiểu tất cả mọi thứ, một khi nó đã là ngoại ngữ. Kể cả tiếng Việt, bạn cũng không hiểu được hết tất cả các khái niệm, đúng không ?

Sách vở sẽ không nói với các bạn những điều ngớ ngẩn như trên đây. Sách vở cho bạn một bài đọc hoàn hảo, câu hỏi, câu trả lời, sách vở cho bạn công thức, bảng từ vựng. Nhưng, nếu như không chịu vận động bằng cả năm giác quan, có thể, chữ nghĩa nó chỉ dịch chuyển vị trí từ trên mặt giấy vào trong đầu của bạn mà thôi, tuyệt nhiên không biến đổi, không dung nạp. Và như thế thì học hoài học hoài mà không thay đổi được là vì vậy !

Những phương pháp mà mình đề xuất cho các bạn nghe có vẻ cũng hơi mơ hồ. Thà là mình chỉ các bạn đọc chữ a như thế nào, chữ b như thế nào, hoặc cho bạn biết phải đọc cuốn sách nào, học ở thầy cô nào đi, thì nó thực tế hơn. Tuy nhiên, nếu làm như vậy, mình chỉ giới hạn bạn tới những chữ nào mà mình dạy được, sách nào mà mình tìm được. Nếu vẫn tiếp tục học một cách vô thức, thì có sắp đầy tài liệu trên giá sách, có tập, luyện từ năm này sang tháng khác, các bạn cũng sẽ thấy rằng mình chẳng tiến bộ lên bao nhiêu. Thế thì đáng tiếc biết mấy!

Quan trọng là kiên trì thôi, mà làm việc gì mình thích, tập trung cho những gì mình đang ưa chuộng, quan tâm thì dù sao cũng dễ kiên trì hơn.

Nếu có tìm tòi gì mới, mình sẽ viết thêm phần nữa cho bài viết này. Tạm thời, mình xin dừng ở đây.

Leave a Reply