nganh-dien-anh-tai-phap

Học Điện ảnh ở Pháp như thế nào?

Chú thích ảnh: Agnès Varda

Trên ảnh là nữ nhiếp ảnh gia, nữ đạo diễn Điện ảnh và nhà làm nghệ thuật tạo hình người Pháp Agnès Varda (1928-2019). Để tôn vinh những sáng tạo của bà trong lĩnh vực điện ảnh, năm 2001, Hội đồng nghệ thuật đã trao cho bà giải César danh dự. Ngoài ra, trong sự nghiệp của mình, bà còn được nhận giải René-Clair của Viện Hàn Lâm Pháp vào năm 2002, một Cành Cọ danh dự ở Festival Cannes 2015 và một giải Oscar danh dự năm 2017. Bà cũng đã được nhận giải Camera của Berlinale năm 2019.

Bri2n là một kênh youtube chuyên về chủ đề học đường ở Pháp. Nội dung được làm nhiều nhất trên kênh này là các bài phỏng vấn trực tiếp với một bạn sinh viên của một ngành nghề nào đó. Nội dung cuộc phỏng vấn rất chi tiết, rất hữu ích với những ai muốn tìm hiểu thêm về thông tin, ngành nghề, điều kiện đầu vào và đầu ra, lời khuyên cho học tập – nghiên cứu – việc làm sau khi ra trường.

Với chủ đề Licence cinéma – Cử nhân ngành điện ảnh, khách mời cũng là một youtuber đến từ trường Gustave Eiffel.

Đoạn đầu (Intro) chủ yếu nói về cách set up của hai bạn này trước khi live stream. Chào hỏi và giới thiệu tập Ma vie étudiante ep.160. Các bạn có thể bấm vào phần timeline để xem nội dung mình cần.

Giới thiệu về bản thân và học trình (Présentation – Parcoursup)

Xin chào các bạn. Mình là Théo Guyon. Mình đã làm video được vài năm, trên youtube. Mình đang học năm 3 Đại học, chuyên ngành Điện ảnh (Cinema – Audiovisuel : Điện ảnh – Nghe nhìn). Mình muốn làm ra những sản phẩm truyền hình và muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh hoặc cũng có thể là trong lĩnh vực sáng tạo nghe – nhìn nói chung. Mình thích nói về việc dựng này (set up – installation), tốc độ này, khung hình…

Cậu có thể giới thiệu rõ hơn về background (profile) của cậu không? Lúc học phổ thông thì cậu theo ban nào?

Chú thích: Ở Pháp, cấp 3 được chia làm 3 ban là : Ban khoa học, Ban xã hội và Ban Kinh tế.

À, mình thi Bac S (baccalauréat de sciences : Tốt nghiệp phổ thông ban Khoa học). Mình thích học toán (fan de maths) nên thành ra việc học ở trường của mình cũng khá thoải mái. Lúc học cấp 3 thì cũng khá nhẹ nhàng, không có một nào làm khó mình cả, nếu có, chắc là Thể dục. Chắc đó là món khoai nhất với mình. Còn lí do mình chọn bac S thì theo bạn bè là chính. Với lại, mình cũng hình dung ra là, nếu học BTS hoặc làm những công việc thiên về kĩ thuật một chút trong ngành Nghe – Nhìn thì học bac S là hợp lí.

Lúc chọn trường thì mình nộp 2 trường. Đó là UPEM và Paris Diderot. Mình học UPEM (bây giờ tên là Gustave Eiffel) vì trường này khá là gần nhà với mình. Lúc chờ xét nguyện vọng thì mình cũng xác định là học Diderot đấy. Nhưng ở UPEM thì mình thuộc diện được tuyển thẳng. Mình quyết định học thử ở UPEM xem thế nào nếu không thích thì mình chuyển sang Diderot sau, nhưng bên này khá ổn, thực hành nhiều, gần nhà nữa. Quá hoàn hảo. Nên mình đã chọn học luôn.

Mình có khá nhiều câu hỏi cho cậu, hay mình cứ bắt đầu bằng cơ sở trường lớp trước nhỉ? Cậu học ở cơ sở (campus) nào? Cậu có thể mô tả trường một chút không?

Trước thì tên trường mình dài lắm Université Paris-Est Marne la vallée, hiện tại thì đổi tên thành Gustave Eiffel rồi. Nói là học ở trường nhưng thực tế thì bọn mình học ở một toà nhà nhỏ, gần phía nhà ga, khá là tách biệt. Khu này khá tách biệt so với tổng thể khuôn viên trường, do nằm bên phía nhà ga là một, hai là bên này chỉ có một, hai chuyên ngành khác cùng học. Toà nhà bên này nhỏ, có 3 tầng lầu. Dù hơi heo hút chút nhưng mình lại thích kiểu nhỏ nhỏ thân thiện như vậy, chứ như các nơi khác, vào trường là cả hai mươi ngàn, hoặc hàng trăm ngàn sinh viên thì mình thấy khá là ngột ngạt.

Còn bên này, khoá bọn mình có 60 sinh viên. Trường thì nhỏ nhỏ xinh xinh bên cạnh nhà ga, có vài tiệm kebab bên cạnh, yên tĩnh và thoải mái quá chừng. Nhờ vậy mà tụi mình lúc chuyển từ cấp 3 lên Đại học cũng đỡ ngỡ ngàng, căng thẳng hơn nhiều so với các bạn ở trường khác. Bên khoa mình có 60 người thành ra ai cũng biết nhau, các thầy cô cũng nhớ tên sinh viên, thầy cô quan tâm hơn, mọi người quan tâm tới nhau. Nên mình thấy đây là một môi trường khá tốt.

Các học phần: tự chọn hay bắt buộc?

Các môn đều bắt buộc và theo lộ trình sẵn. Lớp mình có 60 người, thường được chia thành 4 nhóm từ mười mấy tới 20 người. Đến năm 2 thì mình cũng có một môn tự chọn, với hai ba thầy gì đó. Nói chung là được chọn chút ít. Lúc đó mình chọn học Serie Télé (phim truyền hình dài tập). Khá hay vì mình được tìm hiểu về các serie phim của Mỹ, là môn tự chọn nữa nên cũng khá thoải mái. Còn lại thì có phân chia cả rồi, kì nào sẽ có môn đó.

Vậy cụ thể các môn học sẽ như thế nào?

Ở trường mình thì các môn học, nói thế nào nhỉ, chắc là ở các trường khác thì cũng sẽ có học về quay phim, dựng phim, được dùng camera này nọ… Nhưng chắc trường mình thì kiểu nhỏ, ít nên được tăng cường hơn, dễ dàng được tiếp xúc với máy móc đồ nghề. Mình có các môn lý thuyết, nhưng số lượng môn thực hành thì nhiều hơn. Giờ CM (học ở hội trường – giờ lý thuyết) thì có những môn như Lịch sử Điện ảnh Mỹ, khá là kinh điển, những năm 60 và Điện ảnh đương đại hoặc giai đoạn những năm 60-70… Tương tự với Điện ảnh Pháp.

Năm nay thì mình có môn Điện ảnh Ý. Môn này thì thiên về triết học nhiều hơn, chẳng hạn như thẩm mĩ, mỹ học và đạo đức học. Hay là có những môn nghe tên xong không thể đoán là học gì, tới tiết thì thầy sẽ giảng hơi « tuỳ hứng », thầy nói Đông nói Tây các thứ… Mình thấy là mỗi giảng viên họ sẽ có một thế giới điện ảnh, một quan điểm và những chủ trương, lý thuyết khác nhau. Chẳng hạn, hồi năm nhất, mình có một thầy nói về các bộ phim có liên hệ với Kinh thánh và Trường ca Odysée của Homère. Đó là hai cuốn sách lớn, mình có học chừng 5 phim như vậy. Cậu có thể thấy là buổi học cũng thú vị đấy, bọn mình hiểu được mối liên hệ giữa các tích truyện huyền thoại, thần học, tôn giáo và Điện ảnh.

Ngoài ra thì mình có các giờ thực hành về dựng cảnh, dựng hình, chụp ảnh, học về cách bố trí ánh sáng, làm thế nào để căn góc cho camera, rồi về âm thanh, dùng dây nào, lắp vào máy ra sao… Rồi có cả giờ thể chất (môn mà mình yếu nhất đó)… Mà may, thầy trưởng khoa nói là kể từ năm nay thì không phải học nữa.

Nói chung là cũng hay thay đổi thường xuyên, nhiều khi các thầy muốn dạy cái gì đó mới và sinh viên năm đó sẽ được học thử… Với lại, các thầy trường mình muốn đưa các chủ đề mới, các đề tài mới vào giảng dạy cho phong phú. Quan trọng là sau đó, môn nào hiệu quả thì sẽ dạy tiếp còn nếu không thì như Năm 1 có giáo dục thể chất, bây giờ đã bỏ rồi vì không cần thiết.

Nếu mà so sánh giữa năm 1 và năm 3 thì cậu thấy có khác nhau nhiều không? Chẳng hạn như năm 1 chỉ tập trung vào đại cương còn năm 3 mới đi sâu cụ thể vào chuyên ngành chẳng hạn?

Nếu xét từ năm 1 tới năm 3 thì mình thấy không phải học đại cương (phần sườn chung : tronc commun) trong năm đầu đâu. Thực ra thì ở trường mình, chương trình học sẽ theo tiến độ từng năm và cứ vậy mà được nâng cao lên. Nhưng sẽ không phải theo hướng đại cương chung chung – chuyên ngành (mà từ năm nhất đã thấy tính chuyên ngành rất rõ rồi cứ vậy nâng từ từ lên).

Mình hỏi câu này là vì mình học Quản lí (gestion) thì ở năm 1, sinh viên sẽ học chung hết các môn y như nhau. Nhưng đến năm 3, sẽ có 3 hoặc 4 chuyên ngành khác nhau, ai theo mảng nào thì sẽ đăng kí học chương trình đó.

Bên mình thì không phải kiểu vậy. Học đều đều từ năm 1, lâu lâu mỗi tuần sẽ có thêm một môn tự chọn. Mà thường thì cả nửa lớp sẽ cùng theo một môn, nên cũng không bị phân mảnh mấy. Cụ thể mà nói thì từ năm nhất, bọn mình đã bắt đầu có định hướng cụ thể chứ không học đại cương. Thực ra muốn đánh giá được học trình thì mình phải xét cả tổng thể ngành, phân môn. Mình lấy ví dụ, năm 2 tụi mình học lịch sử Điện ảnh Mỹ, học từ đương đại. Rồi lên năm 3 mình lại học tiếp giai đoạn những năm 70’s.

Vậy là trong hai năm, mình mới học hết toàn bộ Lịch sử điện ảnh Mỹ. Học 2 năm nhưng chất lượng nội dung thì vẫn không có gì thay đổi, chỉ có phân chia các mốc thời gian nhưng không phân bổ nội dung theo không gian. Nên mình cũng có một lời khuyên cho các bạn học Điện ảnh là đừng đi vội, vì mới năm nhất thì chưa thấy được nhiều. Sau 2, 3 năm, các bạn sẽ thấy được toàn cảnh, toàn bộ nội dung mình đang tìm hiểu. Thành ra đặc thù của ngành này là rất khó để tách riêng các năm, các môn ra với nhau.

Xem giới thiệu các học phần của ngành điện ảnh trường Gustave Eiffel.

Về thời gian, thời lượng cho các môn học thì như thế nào?

Mình thấy là có khá nhiều thời gian rảnh, điều này khá là hay. Như năm 1, bọn mình học lý thuyết khá nhiều, nhưng sẽ có 1 ngày trong tuần học từ 11-18h, khoảng nửa ngày. Hoặc là sẽ có hôm không phải đi học. Hoặc có môn hai tuần mới học một buổi do lúc thì thực hành, lúc thì học lí thuyết. Nói thật thì cũng không phải là thời gian rảnh. Giờ học phân chia như vậy mình thấy là hợp lí. Thời gian rảnh ở đây là lúc để bọn mình coi phim, hoặc đi quay hay làm việc với các hiệp hội, cơ sở bên ngoài trường. Nhờ vậy bọn mình mới có cơ hội được tiếp xúc với máy móc nhiều hơn, đi quay.

Vậy điểm số thì sao? Bài thi chấm điểm như bình thường hay các cậu có dạng bài tập đặc biệt phải nộp?

Các môn lý thuyết thì cũng làm kiểm tra để nộp tại lớp, nhưng bọn mình còn có các bài tập phải nộp khác. Chẳng hạn như học Lịch sử Điện ảnh thì mình phải viết luận (dissertation), thầy cho một câu hỏi về một nội dung đã học sau đó làm và nộp cho thầy. Các môn này thì cần phân tích so sánh các xu hướng, trường phái hay bàn luận về tính Triết học trong Điện ảnh. Bài tập về nhà thì không có, kiểu bài tuần này làm tuần sau nộp. Nhưng bọn mình có các dự án (projet) phải làm. Hoặc là thuyết trình (exposé).

Cuối kì thì mình sẽ phải nộp một số các tài liệu tổng hợp (dossier), tuỳ vào thầy cô và môn. Khi thì phân tích, bình phim, khi thì chỉ nói về các cảnh. Bài làm của bọn mình hơi giống các bài báo / bài báo khoa học (article) có thể dài đâu tầm 10 trang. Trong các bài này, tụi mình cần đưa ra các quan điểm cá nhân và cũng phải nghiên cứu nhiều. Phải đọc trong sách, xem phim, xem lại các Đạo diễn họ nói gì làm gì.

Mục đích là phân tích được các phong cách khác nhau của mỗi đạo diễn. Chẳng hạn, khi nói về Điện ảnh Pháp, mình phải hiểu được cách thể hiện và truyền tải theo kiểu Pháp chủ đề Tuổi trẻ (jeunesse) hay chủ đề Trẻ em trong Điện ảnh Pháp. Để làm những bài kiểu vậy thì mình phải xem lại các phim trong giai đoạn 1995-2015… tức là có các cột mốc và giai đoạn phải tìm hiểu. Rồi phải xem các phim nói về Thời thơ ấu, Tuổi dậy thì, xem sự thay đổi trong các giai đoạn ra sao. Nếu các bạn có đọc quan các tạp chí Điện ảnh thì các bạn sẽ thấy những kiểu bài báo như vậy. Các bạn có thể hình dung ra kiểu bài tập mà bọn mình hay làm. Mình thì thích vì nó nói về phim, tất nhiên là phải tìm hiểu, nghiên cứu nhiều.

website-hoc-tieng-phap
blog chia sẻ về tiếng Pháp – du học Pháp

Mình có cảm giác là cậu tập trung làm việc khá là độc lập. Vậy thì, nhìn chung, bên trường có các dạng bài tập theo nhóm không? Hay là bản thân cậu thích những dạng bài tập và thích làm việc cá nhân hơn? Nói về cách thức học ở từng môn (manière de travailler) của trường cậu sẽ như thế nào?

Đó là các bài phải làm cá nhân. Hoàn toàn tự thân vận động. Nhưng mỗi kì, bọn mình còn có các buổi thuyết trình theo nhóm. Năm 1, năm 2 bọn mình có một số bài tập về dựng cảnh, quay phim. Cho sẵn kịch bản và quay dựng như thế nào. Đó là các bài tập theo nhóm, tụi mình có thể rút kinh nghiệm ở các lỗi sai. Nếu muốn thực hành nhiều hơn thì như mình nói lúc nãy, có thể làm việc ở các xưởng hoặc các tổ chức liên kết với trường. Ở đó, họ sẽ cung cấp cho bọn mình máy móc và cơ sở thực hành. Tụi mình có thể thực hiện các dự án phim với máy móc và cơ sở do họ cung cấp.

Hết phần 6 của video

Các bạn nhớ đón xem phần 2 để biết thêm thông tin về việc học Điện ảnh – Nghe nhìn tại Pháp từ bậc Đại học nhé!

Nếu các bạn đang tìm hiểu một ngành học nào đó hơi đặc thù và quá khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin chi tiết. Cũng như là đang lăn tăn học những ngành có mức học phí hơi vượt ngưỡng một chút thành ra khá «rén» thì hãy để lại comment hoặc inbox về page Nước Pháp – Tình yêu của tôi hoặc nhắn mình qua instagram @vitirouge. Nếu kênh Bri2n có video về ngành đó hoặc nếu tìm được nguồn giải đáp chi tiết như video này, mình sẽ sớm dịch lại cho các bạn tham khảo.

Các ngành như kinh tế, tài chính, kiến trúc… thì khung chương trình hầu như không có thay đổi mấy giữa các nước. Từ các môn chuyên ngành ở Việt Nam hoặc đọc qua mô tả ngành nghề từ các bài báo tiếng Việt, tiếng Anh thì các bạn cũng có thể hình dung được chương trình học như thế nào, đầu ra ra sao. Mình chỉ ưu tiên cho một số ngành hơi đặc thù và hơi đặc biệt ở mỗi quốc gia.

P.S: Podcast về Du học Pháp

Leave a Reply