hoc-tieng-phap-nhu-the-nao

Tiểu thuyết “Hai số phận” của nhà văn Jeffrey Archer

Thông tin về tác giả: Jeffrey Archer sinh năm 1940. Năm 1969, sau khi thắng cử, ông trở thành đại biểu trẻ nhất của Hạ Nghị Viện Anh. Năm 1974 ông viết cuốn tiểu thuyết đầu tay KHÔNG HƠN MỘT XU,KHÔNG KÉM MỘT XU và năm 1976, sau bản in lần đầu tiên, cuốn sách trở nên nổi tiếng, được liên tục tái bản trong gần hai chục năm sau đó, được dịch ra nhiều thứ tiếng, được đưa lên màn ảnh. Từ đó, ông chính thức bước lên sân khấu mới, không còn là chính trường mà là hội trường của văn chương.

Tôi không phải một kẻ cuồng tín, nhưng tôi tin vào số phận. Cuộc đời còn cho tôi một trải nghiệm lạ lùng hơn, là có vẻ câu chuyện trong cuốn sách này hoàn toàn có thật. Suy nghĩ về những trải nghiệm đó khiến tôi muốn review thật nhanh cuốn sách này.

Hằng ngày, mỗi giây mỗi phút, trên thế giới, có bao nhiêu đứa trẻ được sinh ra. Thế nên, một cuốn tiểu thuyết lấy ý tưởng về hai đứa trẻ sinh cùng thời điểm, chỉ khác nhau về nơi sinh là hoàn toàn khả dĩ. Nhưng đến khi họ có thể gặp nhau, thì ta đó hẳn phải là một cái duyên lạ lùng.

Tác giả tự cho mình dùng cây đũa thần của số phận để đưa đẩy hai con người này gặp nhau. Cho họ gánh lấy những duyên nợ cuộc đời. Khi đọc hết câu truyện này, ta mới thấy, số phận đã an bài tất cả mà số phận cũng đã làm lơ tất cả. Đôi lúc, ta bảo là trò đùa của số phận vậy!

Sự tưởng tượng của tác giả không đi quá xa, ngoài tình tiết họ có chung một thời điểm ra đời để tạo nên nét hấp dẫn riêng của câu chuyện thì quá trình trưởng thành và chuyến hội ngộ định mệnh đó không có gì lạ lẫm. Một cậu bé sinh ra trong nghèo nàn và một cậu bé sinh ra trong giàu sang. Hai người trải qua những va đập với cuộc đời mà trưởng thành.

Nhưng, phải thấy rằng, ngày giờ được sinh ra không an bài cho cuộc đời họ, sự thành công hay thất bại cũng không được định hình từ khởi sinh của họ. Chúng ta thấy ở đây hai thân phận con người, hai quá trình trưởng thành khác biệt, hai kiểu tư duy và hai cách thành công. Mỗi người có một cách định vị bản thân riêng.

Cuốn sách cho chúng ta thấy được nhiều khía cạnh của cuộc sống. Một nền giáo dục hoàn hảo, một điều kiện sống cao cấp may mắn trong trường hợp này, nuôi lớn được một nhân cách. Đối lập với đó, một hoàn cảnh sống phức tạp, va vấp khó nghèo hơn, vẫn là chỗ có thể ngoi ngóp được giúp một con người trưởng thành. Câu chuyện là một điển hình của việc so đo, đố kị, làm giảm thiểu thời gian để phấn đấu và cố gắng và đó mới là nguyên do khiến chúng ta thất bại. Chúng ta không thể làm sai rồi lại đổ lỗi cho số phận an bài.

Mỗi con người được sinh ra không được phép chọn lựa cha mẹ, nhưng có quyền chọn cho mình một cách sống, một nhân cách để thành hình. Và tóm yếu lại trong hai số phận này, không phải là một cái nhìn ỷ lại, một sự đổ lỗi cho những gì đã được an bài. Chứng kiến quá trình trưởng thành của hai nhân vật và có lúc chúng ta cũng đặt họ lên bàn cân, làm những phép so sánh. Thế là chúng ta cũng tự để mình lạc lối vào vòng xoáy so đo tính toán đó, lúc cảm thương cho người này, lúc ganh tức dùm người kia.

Nhưng hỡi ôi, bao giờ thì chúng ta mới tỉnh táo được? Trong khi chúng ta mải mê vào những sân si như vậy, đối phương tỉnh táo hơn, ý thức được nhiều vấn đề hơn và đã ghi điểm trước khi chúng ta kịp tỉnh ra mà cố gắng.

Tôi đã đọc cuốn sách này cách đây khá lâu, đến nay thì không dám khẳng định tên nhân vật và từng tình tiết trong truyện cho các bạn nghe nữa. Nhưng đây là một trong những cuốn tiểu thuyết yêu thích của tôi. Tôi thích sự nam tính của nó, thích cái khí chất ngời ngời trong đó và hiểu được sự cố gắng để đạt được một thành tựu là như thế nào. Đây vẫn là một cuốn sách dành cho những người thích tinh thần nước Mỹ, thích mơ mộng về một tương lai tốt đẹp nếu chúng ta biết cố gắng. Sau bao nhiêu năm, để khi ngồi lại viết review này, tôi mới đặt ra sự hoài nghi cho cảm xúc của mình với từng nhân vật trong sách.

Tôi tự hỏi rằng đâu là cốt lõi vấn đề của câu truyện này? Có phải bênh vực và biện giải cho một cuộc đời nào đó không? Khi bắt đầu hoài nghi về cảm xúc của mình đối với câu truyện, có lẽ, nếu cho tôi đọc lại, tôi sẽ không tha thiết thích Hai số phận như lúc trước. Vì tôi đã nhận diện được những vấn đề nằm sâu bên trong đó. Là một thực tế xã hội, là lí tưởng công bằng và bình đẳng chủng tộc viển vông, là cái sân si và cảm quan đánh giá của con người, là những rào cản mà tự bản thân chúng ta không thể vượt qua nổi, là những hạn chế mà lâu nay chúng ta chưa phân định được : rốt cuộc thì tại mình hay tại người.

Trước đây, đối với tôi, Hai số phận là câu chuyện về những mẫu hình thành công trong cuộc sống. Là khi bạn có tiền, có quyền, có sản nghiệp và có một gia tộc con đàn cháu đống vây quanh. Là khi bạn bận rộn với mớ tiền, mớ quyền có trong tay. Nhưng có phải mọi định nghĩa thành công đều hàm chứa tiền, quyền không ? Tôi không muốn kết luận, dù cũng có lờ mờ nhận ra quan điểm của tác giả.

Thế nên, đối với cuốn sách này, tôi nghĩ, nên hơn là bạn đọc hãy tận hưởng nói với những nhận định khách quan, hãy hướng nhãn quan theo tư tưởng xã hội học, kinh tế học, nhân chủng học. Hãy suy nghĩ thêm về những vấn đề của xã hội bình đẳng, hòa nhập. Hãy nghĩ thêm về chủ đề nhập cư cũng như sự phát triển của dân nhập cư. Hai số phận, ngày hôm nay, cũng là bối cảnh xã hội của Việt Nam, với những sự va đập về các luồng văn hóa và câu hỏi : Liệu chúng ta có dung hòa được lẫn nhau hay không ? Bằng phương cách nào?

Nếu tôi nói bằng tình yêu và sự thiện chí, liệu bạn có tin không ? Kể cả, bản thân tôi, liệu có dám tin không?

Bạn nào muốn biết rõ hơn về nội dung cuốn sách thì có thể đọc thêm trên wiki. 

Leave a Reply