Serie youtube hay ho để luyện nghe và hiểu tiếng Pháp hơn

Cho ai không thích đọc dài:

Có thể nếu chuyển từ tiếng Anh sang học tiếng Pháp thì bạn sẽ thích serie này.

Khuyến cáo tiếp theo là cho các bạn học hoài không nhớ… Có thể xem serie này, biết đâu lại nhớ!

Cho bạn nào tò mò: Tại sao phải nói thế này? Tại sao phải nói thế kia?
 
Nếu bạn nào cần serie để xem và luyện tiếng Pháp, mình xin giới thiệu ngay serie này, coi ít ít 3-4 phút nhưng coi đi coi lại được, dễ nhớ, vui nhộn và ấn tượng! 
Khuyến cáo: Đây không phải là giọng Pháp chuẩn như nhiều người muốn, nhưng đến người Pháp cũng phải khen Viện trưởng hút xì gà trong clip là ngữ điệu hay thì các bạn yên tâm nhé. Bản thân mình thấy tiếng Pháp của anh chàng gốc Mỹ này không hại gì cho việc phát âm tiếng Pháp của người học cũng không khiến bị ai đó lệch gốc nếu nghe nhiều.
 
Chút lưu ý cho các bạn: Hài của Pháp thì hơi 18+ một chút nhé!
Sơ lược một chút về tác giả của serie
 
Ghi chú: Phần thông tin tác giả được lược dịch theo bài viết Sebastian Marx trên trang allocine.fr.
 
Sébastien Marx là một người Mỹ đã đến Pháp được khoảng 10 năm. Anh tới Pháp, không phải bắt đầu cuộc sống ở Paris ngay lập tức. Đầu tiên, anh sống ở Toulouse. Nói chơi chữ một chút, to lose (perdre). Nhưng chính thành phố “thất bại, lạc lối” này là nơi Sebastien trút bớt “accent” (ngữ điệu, giọng) Anh-Mỹ để dần dần thành công trong việc kể chuyện cười bằng tiếng Pháp. Các bạn biết đấy, nói được tiếng Pháp chuẩn đã khó, nói tiếng Pháp mà người Pháp cười được lại càng khó hơn, vì kiểu hài hước của người Pháp không phải ai cũng thẩm thấu được.
 
17 tuổi, Sebastien bắt đầu sự nghiệp diễn hài độc thoại (stand up comedy) tại câu lạc bộ hài Caroline, New York. Sau đó, anh tiếp tục diễn ở một số câu lạc bộ khác ở New York, Boston, vừa diễn độc thoại vừa đi theo nhóm “Les Incontinentals”.

Song song với đó, Sébastien (tên đúng của anh ấy là Sebastian) còn làm việc như một chủ quầy bar (chef barman) tại câu lạc bộ hài độc thoại đầu tiên của Boston là Comedy Connection. Sau khi kết thúc việc học về điện ảnh tại Đại học Boston, cuộc sống tiện nghi an nhàn khiến Sebastian muốn bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới, anh quyết định đến sống ở Pháp.
 
Năm 2010, anh bắt đầu diễn hài độc thoại trở lại, lần này bằng tiếng Pháp, anh diễn ở nhiều sân khấu tại Paris và bắt đầu show riêng của mình mang tên: One Man Show, rồi anh ra mắt sân khấu hài tiếng Anh đầu tiên ở Paris là “New York Comedy Night”. Hai năm sau, anh xuất hiện trên kênh Canal+, mùa thứ 5 của “Jamel Comedy Club” và “Stand Up TV” trên Comédie+. Anh được nhận vào làm cho chương trình “À la Bonne heure” trên RTL (kênh Radio Télé Luxembourg được tập đoàn M6 của Pháp mua lại từ năm 2016).
 
Anh chàng người Mỹ thực sự là có duyên với tiếng Pháp, sau những thành công đầu tiên, anh tiếp tục tham gia nhiều chương trình khác, giành được nhiều giải thưởng trong các liên hoan về hài. Năm 2014 anh còn là đồng tác giả và tham gia biểu diễn một vở kịch. Sau đó thì xuất hiện trong phim, một bộ phim có diễn viên huyền thoại Peter Coyote tham gia.
 
Série: Le français expliqué par un américain (Hãy để một người Mỹ giải thích tiếng Pháp cho bạn)
 
Các bạn có thể xem clip ngay phía dưới đây hoặc gõ tên serie lên youtube (kênh: Topito). Sebastian Marx còn có một kênh youtube riêng là: Sebastian Marx

Trong serie 10 tập này, hết một nửa là những giải thích cực kì thú vị về gốc gác những câu có thể nói là cửa miệng của người Pháp. Đó không phải là câu dài dòng (như thói quen nói năng thông thường của người Pháp) mà là những câu chào, câu cảm thán như ça va, bonjour, n’importe quoi… Sebastian châm biếm một cách tinh tế các nhà Triết học Ánh sáng. Wow, hoá ra mối quan tâm lớn nhất của các nhà Triết học thời xưa là thức ăn đi vào cơ thể rồi sẽ đi đâu, liệu có đi đúng đường không? Haha.
 
Ngoài ra, trong tập 3 và tập 6, anh chàng hài hước của chúng ta có nói tới hai món đặc sản ngoại lai của tiếng Pháp là dấu mũ (ˆ) và từ mượn tiếng Anh. Chẹp chẹp, tiếng Anh trước, tiếng Anh của người Pháp thật quái dị. Nó giống như cách người Nhật nhật hoá tất cả những thương hiệu đồ ăn đồ uống nước ngoài du nhập vào nước họ vậy. Thử ví dụ như: basket (cái rổ) trong tiếng Anh tự dưng biến thành giày sneaker trong tiếng Pháp. Borderline nếu phát âm chuẩn Anh-Mỹ thì không ai hiểu, phải nhấn vào âm or, âm er và âm –ne cuối thì mọi người mới hiểu.
 
Còn dấu mũ thì sao? Để khỏi phát âm chữ -s trong một số từ, người ta chuyển từ -s thành ˆ. Một từ có thể lấy ví dụ cho các bạn (vì đa số chúng ta biết tiếng Anh nhiều hơn tiếng Tây Ban Nha) đó là forest. Khi sang tiếng Pháp, chữ s bị lược đi và thành forêt. 
Đặc biệt, mình sẽ lược dịch lại clip về phát âm cho các bạn tiện theo dõi. Gần như đây là clip thú vị và thiết thực nhất không chỉ cho việc nghe và việc nói tiếng Pháp của các bạn nữa! Tập 5 nhé!
 
“Vì sao việc phát âm tiếng Pháp lại khó nhỉ? Các bạn biết điều gì không? Tiếng Pháp không phải do các nhà ngôn ngữ sáng tạo ra mà nó được phôi thai bởi những nghệ sĩ ưa thích trừu tượng hoá mọi thứ. Cứ như lấy 7 màu trộn vào với nhau thì ra màu trắng vậy, lấy âm E, âm A và âm U gán ghép với nhau thì chúng ta sẽ đọc là gì? Chúng ta sẽ đọc là Ô. À, chưa hết đâu, thêm chữ X vào cuối cũng được, nhưng… không cần phải đọc chữ X này. Thế là EAU và EAUX đều đọc như nhau (Ô).
 
Cách phát âm tiếng Pháp, thực ra không hoàn toàn theo quy luật (không thực sự hiển nhiên lắm: La prononciation française n’est pas vraiment évidente – nhớ đọc âm [t] ở cuối nhé các bạn!). Ví dụ: excusEZ-moi, moNsieur où eSt barbÈS rochechouarT, s’il vouS plaîT – chú ý rằng các chữ cái viết hoa ở đây không được phát âm.
 
Vậy chữ cái được thêm vào trong một từ không phải để đọc. Chẳng qua như một nét chấm cho hoàn thiện một chi tiết được vẽ nên trong toàn bộ bức tranh TIẾNG PHÁP mà thôi. Đặc biệt là những chữ cái như X hay Z, gần như vô tổ chức và sinh tồn một cách mập mờ trong hệ thống âm tiếng Pháp. Hay phải chăng các thầy tu thời Trung Cổ, vì quá máu me với trò đố chữ nên đã bày thêm những ngoại lệ khó hiểu này?
 
E thì sao? Em là vô danh. Âm E gần như là âm câm, chúng ta gần như có thể ngó lơ khi phát âm bất kì từ nào, ngoại trừ lúc hát nó lên. Âm R thì sao, phải gầm gừ như một con mèo con thì nó mới hấp dẫn. Âm mũi thì sao, như là một vài âm thanh đầy ẩn ý mà chúng ta nghe được trong đêm, nhỉ?
 
Tóm lại là gì?
 
Tóm lại, đáng lí tiếng Pháp sẽ rất dễ đọc. Nhưng có vẻ như người Pháp các anh thích làm cho nó khó lên. Nếu không thì bất kì ai cũng nói được tiếng Pháp rồi. Mà nếu ai cũng nói được, thì đúng là ác mộng cho các anh rồi.”

Nếu cần hướng dẫn kĩ hơn về phát âm tiếng Pháp, các bạn có thể đặt mua HỌC ĐI THÔI – số đặc biệt – nghe nói tiếng Pháp (liên lạc về email: hocdithoi2017@gmail.com hoặc zalo 0947229921)

Vậy thì, xem hết serie này, các bạn có thấy được giải thoát khỏi ác mộng chút nào chưa?

Leave a Reply