Giới thiệu: Serie này sẽ giúp các bạn vừa nghe nhạc Pháp vừa tập phát âm, tìm hiểu ý nghĩa lời bài hát và biết thêm những funfact thú vị.
Nghe tập Podcast giới thiệu nhạc Pháp tại đây:
Tương tự như tiểu thuyết kinh điển, nhạc Pháp cổ điển ở thời kì Belle Epoque với những biến tấu phóng khoáng, lối tư duy hiện đại cũng làm say mê không biết bao nhiêu thế hệ trẻ trên thế giới. Mình phải nhấn mạnh là không biết bao nhiêu thế hệ trẻ vì có những bài hát đã ra đời được hàng chục năm, vài chục năm, vẫn được làm mới, vẫn được hát cho trẻ em trên khắp thế giới, hoặc thậm chí đi vào dân ca, đồng ca bất hủ trong đời sống hằng ngày, cả của người Việt Nam mà chúng ta hầu như không hình dung ra nguồn gốc xuất xứ đến từ đâu.
Bài hát số 1 – Kìa con bướm vàng, phiên bản gốc xuất xứ từ nước Pháp vào thế kỉ XVIII
Giả dụ như bài hát KÌA CON BƯỚM VÀNG với lời lẽ ca từ đơn giản và hầu như tất cả mọi người trong chúng ta đều đã từng có thời nghêu ngao ở lớp mẫu giáo rồi chị hát cho em nghe, dì hát cho cháu nghe đến cô giáo hát cho học trò nghe và mẹ hát cho con nghe. Phiên bản gốc của bài hát này tức là phần giai điệu theo lối luân khúc – hát đuổi rất thú vị được sáng tác bởi một nhà nghiên cứu âm nhạc và tác giả của hàng chục bản OPERA sống ở thế kỉ XVIII. Ông tên là Jean Philippe Rameau (1683 – 1764). Hẳn rồi, ông là người Pháp. Để chứng minh cho nhận định này, nhà âm nhạc học Sylvie Bouissou đã trình bày trong nghiên cứu của mình phân tích về các bản thảo âm nhạc viết tay và dẫn chứng từ các tư liệu lịch sử của một số nhạc công tại nhà hát Opera de Paris.
Đây là một bài hát lý tưởng nếu các bạn muốn bắt đầu việc kết hợp giữa học phát âm và bài hát, giai điệu thì đã sẵn, nội dung cũng đơn giản, với việc thực hành đọc 4 câu trong lời bài hát là chúng ta hoàn toàn có thể nghêu ngao KÌA CON BƯỚM VÀNG phiên bản Pháp. Bản Pháp nói về việc trêu chọc một người thầy tu tên là Jacques (Thầy/ Frère/ Anh/ Sư huynh Jacques) chuyên làm việc kéo chuông cho tu viện. Nhưng sáng này anh ta đã ngủ quên chưa đi đánh chuông.
Frère Jacques!
Này thầy Jacques,
Dormez-vous?
Còn ngủ sao?
Sonnez les matines!
Đi kéo chuông buổi sáng thôi!
Ding dang dong!
Ding dang dong!
Bài hát số 2 – Alouette (Chú chim Alouette)
Đây là một bài hát mà ai cũng ngỡ rằng nó là dân ca Pháp nhưng thực ra lại là dân ca Canada. Có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật, điện ảnh, họat hình bằng tiếng Pháp gây ngỡ ngàng về nguồn gốc xuất xứ của nó. Chẳng hạn như đa số các tác phẩm hoạt hình như Astérix, Tintin, Lucky Luke đều là truyện tranh của Bỉ. Với bài hát Alouette, giai điệu thân quen này trở thành khúc ca thiếu nhi của trẻ em trong cộng đồng Pháp ngữ (La Francophonie) từ châu Mỹ cho tới châu Âu (Pháp, Thụy Sĩ, Bỉ) và sang cả các nước châu Phi nơi tập trung đông đảo nhiều quốc gia dùng tiếng Pháp là ngôn ngữ hành chính.
Bài hát Alouette phiên bản gốc giống như bài hát của thầy Jacques cau có ở phía trên, đã ngái ngủ đi kéo chuông rồi còn bị lũ chim sẻ kêu “két… két…” làm phiền (thực ra cũng là một biến tấu về nội dung cho hai bài hát có sự liên kết về mặt nội dung). Còn mình không tìm hiểu lại thông tin khoa học, sinh vật để xác nhận cho các bạn thông tin chi tiết về loài chim này (từ tên Alouette sang các danh pháp khoa học). Mình cũng không tìm thấy các thông tin hay được biết, cách riêng, về cuộc sống xa xưa truyền thống ở Canada, người Canada có liên hệ thế nào với loài chim sẻ Alouette. Các bạn có thể tham khảo thêm thông tin trên wikipedia tiếng Việt về bài hát Alouette (không phải bài viết về vệ tinh Alouette nhé!).
Các bạn xem hướng dẫn về Bài Alouette từ phút 10:25
Bài hát này được lan truyền khắp thế giới sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, những người lính đã học hát và về nhà dạy lại cho con cháu họ. Bài hát có phần lời, có thể nói là hơi “man rợ, thú tính” một chút. Nhưng các bạn hình dung là khi nói về thời trang hàng hiệu ở Pháp, người ta cũng có nhắc tới nghề kết lông vũ và việc thiết kế các trang phục bằng lông (nay đã bị cấm hoặc có chế tài đặc biệt). Bài hát này chính là nói về ngành công nghiệp làm đồ lông thú.
Nội dung bài hát giống như một bài vè về việc một người gọi chú chim ngoan hiền tới. Rồi sau đó ra sức vặt lông cánh, lông đuôi, lông đầu, lông cổ của nó. Alouette có người dịch là chim sơn ca, có người dịch là chim sẻ. Các bạn có thể xem hình và chọn cho mình một cách dịch hoặc cứ gọi là chim Alouette.
Alouette gentille alouette.
(Alouette, chim sẻ nhỏ hiền lành)
Alouette, je te plumerai
(Alouette, ta sẽ vặt lông người)
Je te plumerai la tête
Je te plumerai la tête
(Ta sẽ vặt lông trên đầu,
(Ta sẽ vặt lông trên đầu)
Et la tête, et la tête
Alouette, Alouette
Ahah…ahah…
Cái đầu, cái đầu….
Chim sẻ này, chim sẻ này…
(Tiếng Ah…ah… giống như người vặt lông đã bị chim sẻ yếu thế mổ và kêu đau…)
Trên thực tế, với giai điệu vui tươi và vì nó đã là một bài đồng dao mang tính truyền thống. Như mình đã học bài hát này từ lúc còn cấp 1 thì thấy nó cũng bình thường, giai điệu vui tai. Vì chưa bao giờ dịch nó ra để gọi là nghiền ngẫm lời bài hát. Đây không phải là bài hát tình yêu hay giai điệu trữ tình. Và chắc chắn nó cũng không gây ra những tác động tâm lý hay những hệ lụy đạo đức như kiểu “vô giáo dục”, tuyên truyền những hành vi đối xử với động vật dã man. Thế nên, hi vọng là các bạn không nhạy cảm quá khi nghe và học bài hát này.
Phiên bản tiếng Anh được Elvis Presley trình bày trong bộ phim Blue Hawaii có tên là Almost Always True.
Bài hát số 3 – J’aime les filles (ký ức ngọt ngào của thế hệ 8x, 9x thích nghe Quick&Snow show)
Mình nghe bài hát này với Les rois du monde và dường như nó trở thành một giai điệu bất hủ của tuổi thiếu niên. Khi cứ tối thứ 6, khoảng 9,10h cứ dò đài và nghe giọng thủ thỉ tâm tình của anh Quick, chị Snow về những tâm sự tình yêu mới lớn, tình yêu thanh xuân rồi những lời nhắn gửi yêu thương qua đài phát thanh và những ca khúc Pháp cứ thế mà ngòn ngọt rót vào tai như mật.
Hai bài hát được phát nhiều nhất, không biết có phải là trong suốt các mùa Quick&Snow show hay không hay chỉ trong giai đoạn mình còn nghe chương trình này là Les Rois du monde và A Whole New World, cũng có phiên bản tiếng Pháp được đính kèm ở đây cho bạn nào muốn thưởng thức. Còn J’aime les filles với tiếng piano hững hờ, lả lướt thì đã thành tiền lệ trước khi Quick và Snow đọc một bức thư nào đó.
Nói một chút về tuổi thanh xuân với đài radio. Với mình thì Podcast giống như một cuộc cách mạng mang mọi người trở lại với Radio thời 4.0. Một cách học và một góc để bồi dưỡng kiến thức (nếu đó là nghe những kênh về chuyện học) hoặc là bồi dưỡng tâm hồn với một chút điểm tô của âm nhạc, như ý tưởng mình muốn đem vào đó khi đưa karaoke vào serie luyện phát âm tiếng Pháp qua Podcast; nhưng lâu lâu mới làm được một tập thôi, vì phải theo khả năng phát âm của các bạn học theo kênh để lựa bài và có kèm hướng dẫn phát âm lời.
Các bạn có thể nghe phần giới thiệu Ca sĩ, ý nghĩa bài hát J’aime les filles trong video Podcast tập 10 – Karaoke nhạc Pháp nhé!
Hẹn tập mới lần tới
Tập 1 của serie Học tiếng Pháp qua bài hát tới đây là hết! Lần sau có tập mới mình sẽ tập hợp thành một bài viết trên Blog cùng format tiêu đề cho các bạn dễ theo dõi.
Chúc các bạn nghe nhạc vui vẻ! Nhớ luyện hát theo những video mình đã chèn trong playlist, nếu bạn nào có nhã ý gửi tặng bản thu thì mình cũng rất hoan nghênh nha, merci trước, các bạn có thể gửi link hoặc bản thu qua mail: hocdithoi2017@gmail.com
Kết thúc bài viết bằng bản hát live của Jacques Dutronc năm 1992, hát hay như nuốt đĩa là đây! Bản live với tiết tấu violin kết hợp cực kì sinh động và chất giọng luyến láy làm cho bài hát thêm nhẹ nhàng hơn. Như một chiều gió hiu hiu nghe anh hàng xóm hát cho nghe vậy. Hihi!